Trong quá trình phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng thì việc thu hồi đất, quy hoạch lại hạ tầng… để phục vụ mục tiêu chung là tất yếu. Những dự án mới mọc lên thì những người dân bị ảnh hưởng sẽ được đền bù lợi ích và bố trí tái định cư (TĐC). Có thể nói chính sách TĐC thay đổi liên tục và ngày càng hoàn thiện để mang lại lợi ích tốt nhất, công bằng cho người bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, hoàn cảnh kinh tế thay đổi, lựa chọn của người dân cũng thay đổi theo để ổn định cuộc sống. Những khu vực khang trang, giá cả rất cao đã không còn là lựa chọn của nhiều người được TĐC. Họ chọn lựa phương án khác là nhận tiền và tự tìm nơi ở phù hợp hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mình. Đây cũng là một trong những lý do chính để hàng loạt khu TĐC xây xong rồi bỏ không tồn đọng như thời gian qua.
Thực ra, báo động về tình trạng nhà TĐC bỏ trống đã được phản ánh từ nhiều năm trước. Ngay trên Báo Người Lao Động từ năm 2017, 2018 đã có nhiều loạt bài phản ánh vấn đề này. Các chuyên gia kinh tế cũng phân tích kỹ những bất cập của nhà TĐC như giá cả không thấp, khác biệt với thói quen sinh hoạt, kinh doanh của người dân… Những bất cập này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa trong các dự án kế tiếp. Mặt khác, những yêu cầu của người dân là "thiên hình vạn trạng" nên thật khó thỏa mãn cho tất cả.
Hiện trạng hơn 11.000 căn hộ, nền đất TĐC không người ở chính là hệ quả của hàng loạt vấn đề cộng hưởng mà dù muốn hay không, các cơ quan chức năng phải sớm giải quyết. Giá trị những căn hộ này đang thấp từng ngày theo sự xuống cấp của công trình. Giải pháp càng chậm thì thiệt hại càng lớn và nghịch lý càng gay gắt khi hàng trăm ngàn người chưa thể tìm kiếm được nơi ở cho riêng mình.
Chính sách phải đi trước và mang tính định hướng để các kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn. Trái lại, khi thực tiễn có vướng mắc phải nhanh chóng phản hồi để điều chỉnh chính sách phù hợp. Câu chuyện nhà TĐC vắng người đã diễn ra từ lâu và sẽ rất lãng phí nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài. Đây là nguồn lực tài nguyên quan trọng không thể hoang phí trong lúc quỹ đất phát triển của thành phố không còn quá nhiều.
Từ câu chuyện này cần phải nhìn nhận lại chính sách TĐC, đền bù khi thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế. Sự nhìn nhận này được ưu tiên gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân để thỏa mãn mục đích của cả nhà nước và người bị ảnh hưởng. Hàng trăm dự án hạ tầng đang được thực hiện và tương lai hàng loạt dự án khác được triển khai nên sẽ còn rất nhiều người dân bị ảnh hưởng. Hoàn thiện chính sách TĐC chính là tiền đề quan trọng để người dân chia sẻ lợi ích với nhà nước để phục vụ mục tiêu phát triển chung.