Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, trong vụ án Đường Nhuệ này, song song với việc điều tra truy vết tội phạm thì cũng cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền liên quan trong việc để băng nhóm này tồn tại trong nhiều năm qua.
ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn |
Hoạt động xã hội đen "núp bóng" doanh nghiệp
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” khởi tố bị can, bắt tạm giam vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") cùng 4 bị can khác.
Ngay sau khi băng nhóm này bị bắt giữ, dư luận và báo chí phản ánh ổ nhóm này đã thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, như hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Đặc biệt là những hành vi sai phạm về đấu giá đất đai.
Cũng liên quan tới vụ việc này, mới đây, 4 cán bộ trung tâm bán đấu giá bị khởi tố, có dấu hiệu về sự “tiếp tay” cho Đường “Nhuệ” trong hoạt động đấu giá đất, gây thiệt hại cho nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho hay, qua thông tin báo chí và dư luận phản ánh có thể thấy vụ án Đường “Nhuệ” này cho thấy có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen” núp bóng dưới dạng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh. Sau đó, những kẻ này tiến hành hàng loạt hoạt động như bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng… gây bức xúc xã hội.
Theo ông Vân, dư luận đặt câu hỏi, sự tồn tại và lộng hành của băng nhóm tội phạm trong thời gian khá dài và lâu như vậy thì có hay không sự bảo kê, thậm chí bảo vệ cho sự tồn tại của băng nhóm xã hội đen. Nếu chính quyền các cấp hoạt động đúng chức năng, trong đó có việc duy trì, bảo đảm an ninh trật tự thì sẽ khó có thể để cho hoạt động của một băng nhóm mang dáng dấp xã hội đen, núp bóng doanh nghiệp lộng hành, công khai nhiều năm như vậy.
“Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc”
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong vụ án Đường "Nhuệ" này, song song với việc điều tra truy vết tội phạm thì cũng cần xác định trách nhiệm của chính quyền liên quan trong sự việc này với sự tồn tại của băng nhóm này trong những năm qua.
“Chính quyền ở đây không thể đứng ngoài cuộc được. Sứ mệnh của chính quyền là bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phải làm rõ xem những ai có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê, chống lưng cho tội phạm hay dấu hiệu doanh nghiệp sân sau ở đây không” – ông Vân nói và nhấn mạnh phải xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, nếu không làm trong sạch bộ máy thì sẽ không đủ sức trấn áp tội phạm.
Từ vụ việc này, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Bộ Công an nên có chiến dịch điều tra, trấn áp tội phạm xã hội đen ở tất cả các địa phương, làm triệt để để tránh việc những băng nhóm lộng hành gây bức xúc cho người dân.
Cùng trao đổi về việc này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cũng cho hay, dư luận quan tâm tới việc nhà này đã tung hoành ở thành phố Thái Bình không phải chỉ mới một tháng, chỉ mới một năm mà đã nhiều năm.
“Việc tung hoành đến nỗi nhiều người dân phải sợ băng nhóm này. Vậy tại sao lại có thể có chuyện vợ chồng Dương, Đường này tung hoành như vậy được” – ông Cương đặt câu hỏi.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) đề nghị các cơ quan Trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cần tổ chức kiểm tra, đánh giá vụ việc tại Thái Bình, đồng thời yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương.
“Các cơ quan Trung ương cần vào cuộc để xem có thế lực nào bao che, bảo kê, chống lưng cho băng nhóm này có thể tung hoành nhiều năm như vậy mà không bị xử lý không. Nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh” – ông Cương nói.
Theo VƯƠNG TRẦN (LĐO)