Hiện nay, thuốc bán online gây nguy hại cho sức khỏe hay những sản phẩm quảng cáo là thuốc mà không phải là thuốc đang là bức xúc của xã hội. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý việc quy định về bán thuốc bằng phương thức thương mại điện tử như trong dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược, vì thực tế hiện nay việc này đã và đang diễn ra.
Ví dụ, hiện nay người dân chỉ cần gửi hình ảnh chụp đơn thuốc chuyên khoa qua ứng dụng Zalo đến cửa hàng, thuốc lập tức sẽ được giao trực tiếp đến tận nhà mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Chính vì vậy, chúng ta không thể cấm bán thuốc online được mà cần phải quy định chặt chẽ và cụ thể hơn với vấn đề này.
Vậy làm thế nào để quản lý chặt chẽ việc bán thuốc online?
Theo tôi, việc đầu tiên phải khẳng định thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại VN. Thực tế hiện nay rất nhiều thuốc xách tay, thực phẩm chức năng được mang về VN và bán theo hình thức online. Do đó, phải yêu cầu chỉ thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại VN mới được phép bán theo hình thức online.
Thứ hai, các thuốc được bán qua thương mại điện tử có thể bao gồm thuốc không cần kê đơn (OTC) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử (như sổ khám bệnh và bệnh án điện tử).
Các nhà thuốc được bán online cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành và thẩm định, cấp phép. Theo tôi, nên bắt đầu thử nghiệm tại ngay các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử (EMR). Ngay sau khi luật Dược (sửa đổi) lần này được thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng bán thuốc online lộn xộn như hiện nay.
Nếu theo chiều ngược lại, chúng ta "không quản được thì cấm" sẽ khiến rất nhiều người bị vi phạm pháp luật khi luật này có hiệu lực!
Ngoài ra, trong dự thảo luật Dược (sửa đổi) nên có điều khoản quy định rõ Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội; tiếp nhận thông tin kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo. Thực tế hiện nay, nhiều bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng song cũng không biết báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này. Cùng đó, những thuốc quảng cáo sai không đúng sự thật cần công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web và ứng dụng (app) của chính đơn vị này của Bộ Y tế.
Cũng cần có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc. Có như vậy chúng ta mới giảm dần tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
(Dẫn nguồn TNO)