Hồ sơ cán bộ đi B: Vẫn đợi “ngày về”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo thống kê của Sở Nội vụ, trong số 241 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B mà Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tiếp nhận từ trước đến nay, hiện vẫn còn 115 hồ sơ chưa được xác minh, trao trả do thiếu thông tin.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang nỗ lực tra cứu, kết nối để số hồ sơ này được trở về với cán bộ đi B và thân nhân sau nhiều chục năm lặng lẽ trong kho lưu trữ.

“Ở đâu cũng đều làm cách mạng”

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, sau Hiệp định Genève, nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Từ cuối năm 1959, họ và cả những cán bộ miền Bắc lại tình nguyện trở vào miền Nam công tác (được gọi với mật mã “đi B”) để góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Thời điểm đó, các cán bộ này được Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát đồ dùng sinh hoạt cá nhân; toàn bộ tư trang, hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại tại đây.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Trịnh Thị Thu Hương rà soát các hồ sơ cán bộ đi B chưa xác minh được thông tin. Ảnh: P.D

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Trịnh Thị Thu Hương rà soát các hồ sơ cán bộ đi B chưa xác minh được thông tin. Ảnh: P.D

Sau nhiều đợt tổ chức xác minh, trao trả, đến nay, Gia Lai vẫn còn 115 hồ sơ đi B chưa thể xác định “ngày về”. Lật giở số hồ sơ được lưu giữ cẩn thận gồm nhiều giấy tờ, kỷ vật như: giấy chứng minh, lý lịch quân nhân, đơn xin vào Đảng, đơn tình nguyện đi B, huy chương kháng chiến, sổ thương binh, sổ tiết kiệm… người xem có thêm nhiều thông tin quý giá về một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Bật lên trong những hồ sơ này là tình yêu đất nước vẹn tròn, bền chặt của bao người con Tây Nguyên thông qua từng dòng, từng chữ chân phương, mộc mạc. Trong lý lịch đoàn viên, ông Rơ Minh Hội (SN 1935, quê huyện Chư Ty, nay là huyện Đức Cơ), ra học tại Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương (Hà Nội) năm 1961 có ghi: “Hoàn cảnh kinh tế gia đình: thiếu ăn, trâu bò không có, chiêng ché không có, vợ chưa có”.

Dù vậy, ông Hội vẫn “luôn đi sát cách mạng với Nhân dân, không ngại khó khăn gian khổ, vẫn tin tưởng Đảng lúc kháng chiến cũng như trong hòa bình (…). Trong kháng chiến mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng tinh thần phục vụ cho Đảng, cho dân, không sợ ngại khó, luôn luôn tận tụy phục vụ cho cách mạng. Dù đạn rơi, khói lửa nhưng phục vụ cho Đảng đến cùng mà thôi”.

Thẻ cán bộ của ông Nay Suyn Trai trong hồ sơ đi B. Ảnh: P.D

Thẻ cán bộ của ông Nay Suyn Trai trong hồ sơ đi B. Ảnh: P.D

Bức quyết tâm thư của ông Nay Suyn Trai (tên mới Lê Hồng Vân), SN 1940 tại xã De Ar, huyện Đak Bớt, tỉnh Gia Lai (nay là xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cũng gợi nhiều xúc động. Ông Trai tập kết ra Bắc năm 1954, là cán bộ kỹ thuật trung cấp Cục Điều tra quy hoạch-Tổng cục Lâm nghiệp trước khi vào Nam, được Tổng cục tặng giấy khen vì thành tích lao động tiên tiến 6 tháng đầu năm 1964.

“Qua nghe báo cáo về tình hình và nhiệm vụ của một cán bộ vào công tác trong Nam, tôi thấy rằng việc làm phải đi, vì ở đâu cũng đều làm công tác cách mạng hết. Tôi thấy không cần phải suy nghĩ gì cả, đi là đi, không có vấn vương gì hết. Tất cả những việc làm, công tác mà theo báo cáo tôi có làm được, nếu được đi tôi hiện nay không có trở ngại gì cả. Người yêu không, vợ không, tất cả việc trên nhất định tôi sẽ làm được hết. Sức khỏe rất khỏe, không bị bệnh tật gì cả”-người cán bộ Jrai viết ở tuổi 24.

Tập hồ sơ của ông Đinh Krò, quê quán xã Hà Nừng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gây chú ý bởi “sức nặng” tổng số giấy tờ, hình ảnh, thư từ rất dày lẫn nội dung bên trong. Trong số đó, nổi bật là Huy chương Chiến thắng hạng nhì do Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký tặng năm 1958 khen thưởng đồng chí Đinh Krò, người chiến sĩ Liên khu 5 đã có thành tích trong thời kỳ kháng chiến.

Nhiều thư từ gửi đến đều được ông Krò cất giữ hết sức cẩn thận với đầy tình thương mến, nhiều nhất là của một người bạn tên Dương Thị Cảnh. Những dòng chữ trong bức thư của bà Cảnh gửi đi cách đây 64 năm vẫn mồn một: “Anh ạ, chẳng bao giờ em lại quên anh và các anh khác đâu, vì các anh là những người bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước (…). Đêm đã về khuya rồi, tiếng ve vẫn kêu văng vẳng bên tai, mặt trăng đã về bên kia núi nhưng em vẫn thao thức nhớ mãi hình ảnh của các anh”.

Kèm theo lá thư là những dòng thơ tha thiết: “Nhớ nhau chỉ có mấy lời/Tặng nhau trong lúc chia phôi lần đầu/Nhớ nhau nhớ mãi nhớ lâu/Nhớ hình nhớ bóng in sâu trong lòng/Mấy lời nói chẳng gần xa/Em ghi mấy chữ để mà thăm anh”.

Huy chương Chiến thắng hạng nhì của ông Đinh Krò, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng. Ảnh: P.D

Huy chương Chiến thắng hạng nhì của ông Đinh Krò, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng. Ảnh: P.D

Chờ ngày trao trả

Trao đổi với P.V, bà Trịnh Thị Thu Hương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh-cho hay: Công tác trao trả hồ sơ cán bộ đi B hiện gặp một số khó khăn do nhiều đơn vị hành chính có sự thay đổi; cán bộ đi B hầu như đã hy sinh trong chiến tranh hoặc mất vì già yếu, bệnh tật; gia đình thân nhân nhiều cán bộ không còn cư trú tại địa phương. Mặt khác, có những cán bộ đi B do các bộ, ban, ngành Trung ương cử đi nên chính quyền địa phương không nắm được hoặc nhiều người sinh sống ở các tỉnh khác.

Cuối tháng 7-2024, khi UBND tỉnh tổ chức lễ trao trả hồ sơ cán bộ đi B và triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Dịp này, 115 hồ sơ đi B chưa xác minh được thông tin cũng được trưng bày. Sau triển lãm, nhờ hiệu ứng truyền thông của các cơ quan báo đài, một số cán bộ đi B hoặc thân nhân đã chủ động liên hệ với Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh, nhờ kết nối, hỗ trợ tra cứu hồ sơ chưa được tìm thấy.

Cụ thể, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 thông tin về nội dung này và hỗ trợ 6 gia đình tra cứu được hồ sơ đi B, trong đó có những hồ sơ đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội).

“Chúng tôi sẽ chủ động kết nối với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để thực hiện nhiệm vụ chuyển giao hồ sơ từ đó về cho tỉnh Gia Lai để tổ chức trao trả trong thời gian sắp tới”-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh khẳng định.

Hồ sơ đi B của ông Đinh Krò được trưng bày tại Triển lãm tài liệu lưu trữ vào tháng 7-2024. Ảnh: P.D

Hồ sơ đi B của ông Đinh Krò được trưng bày tại Triển lãm tài liệu lưu trữ vào tháng 7-2024. Ảnh: P.D

Trong số 6 hồ sơ vừa được xác minh có trường hợp của ông Nguyễn Nhật Tăng (SN 1930), đi B tháng 6-1970. Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, con trai ông Tăng-cho biết: Gia đình rất vui nếu tới đây được nhận lại những kỷ vật quý giá của cha. Chỉ tiếc là cha ông đã qua đời năm 2020, chưa kịp chạm tay vào ký ức khó quên một thời.

Cũng từ triển lãm trên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Thị Thu Hương mới biết được thông tin cụ thể về hồ sơ đi B của mẹ là bà Rơmah Mlat (SN 1939, quê huyện Đak Bớt, tỉnh Gia Lai (nay là huyện Mang Yang). Bà Mlat vào Đảng năm 1961, từng là Huyện ủy viên, Hội phó Hội Phụ nữ huyện Đak Bớt; chồng là ông Lê Minh Châu-Thường vụ Huyện ủy huyện Đak Bớt. Tiếc thay, bà Mlat cũng vừa qua đời cách đây gần 1 năm.

Bà Trịnh Thị Thu Hương cho biết thêm, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh vừa nhận được công văn của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III liên quan đến công tác trao trả hồ sơ đi B. Theo đó, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang phối hợp với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện cầu truyền hình “Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu tập kết (1954-2024)”. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 1-9-2024 tại 3 điểm cầu: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, trong đó có nội dung liên quan đến việc trao trả hồ sơ, kỷ vật các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc rồi đi B.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III rất mong nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của Trung tâm Lưu trữ lịch sử các tỉnh, thành phố trong việc tra tìm, liên lạc, kết nối, cung cấp thông tin và mời các cán bộ tập kết đi B cùng gia đình nhận kỷ vật, tham dự chương trình cầu truyền hình này, đặc biệt các trường hợp chưa nhận được kỷ vật.

“Chúng tôi mong rằng qua chương trình này sẽ có thêm nhiều hồ sơ được xác minh, trao trả như mong mỏi của các cán bộ và thân nhân”-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Hạnh phúc bình thường

Hạnh phúc bình thường

(GLO)- Có những người để sống cuộc đời bình thường, họ phải nỗ lực vượt qua sự khác thường của giới tính từ khi sinh ra. Nhưng dù ở giới tính nào, họ luôn khao khát được sống thật với chính con người mình, được chấp nhận và tôn trọng, được làm việc và cống hiến.
“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Hội trường 20 - 10 huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. * ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai: Phổ biến pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

(GLO)- Ngày 12-9, tại Hội trường 20-10 huyện Đak Đoa, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Người dân Gia Lai chung tay hướng về vùng bão, lũ

Người dân Gia Lai chung tay hướng về vùng bão, lũ

(GLO)-

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các tỉnh phía Bắc đã có hàng trăm người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà, tài sản bị cuốn trôi. Để chia sẻ nỗi đau ấy, người dân Gia Lai đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa với người dân bị thiên tai thể hiện tinh thần trách nhiệm vì nghĩa đồng bào.