Ảnh: Internet |
Việc Quốc hội cho phép đưa Luật Đất đai mới vào thực hiện sớm cho thấy vị trí đặc biệt của bộ luật này trong việc tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, góp phần ổn định đời sống người dân và phát triển đất nước.
Nhớ lại 2 năm trước, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương thứ 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, sau khi nhấn mạnh giá trị đặc biệt của đất đai đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một thực tế là sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều vướng mắc, bất cập, xảy ra nhiều hệ lụy. “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất; mất hết tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nói cách khác, chính sách pháp luật về đất đai và công tác quản lý đất đai ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Luật Đất đai 2013 đã không còn phù hợp, không theo kịp yêu cầu thực tiễn đời sống, cần phải nhanh chóng thay thế bằng một bộ luật tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn.
Bởi lẽ, có một thực tế là thời gian qua, nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tại nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; nạn tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai không những chậm được đẩy lùi mà thậm chí càng lúc càng gia tăng; thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững, còn hiện tượng phát triển nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chính vì thế, Luật Đất đai 2024 sau nhiều lần thảo luận, góp ý, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào giữa tháng 1 năm nay. Đây được xem là thành công lớn trong công tác lập pháp, thể hiện sự phản ứng kịp thời của Quốc hội trước yêu cầu cấp bách, vì quốc kế dân sinh và sự phát triển của đất nước.
Luật Đất đai mới được đánh giá là khắc phục được cơ bản những bất cập của luật cũ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, việc tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam. Đặc biệt là chính sách đất đai (đất ở, đất sản xuất) với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số có thể sống được và làm giàu nhờ tận dụng tối đa nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp…
Nhiều quy định liên quan của luật mới như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất… khi đi vào thực hiện hy vọng là sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện hữu trong hàng ngàn dự án bất động sản hiện nay, giúp thị trường bất động sản hồi phục và phát triển minh bạch, bền vững trong thời gian tới.
Luật Đất đai 2024 cũng thể chế hóa đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp, là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp “chạy chính sách”, núp bóng chủ trương “phát triển kinh tế-xã hội”, thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại nhưng lại đền bù với giá đất rẻ như thu hồi phục vụ xây dựng công trình vì mục đích quốc phòng-an ninh, mục đích công cộng, ảnh hưởng đến quyền lợi người sử dụng đất, là nguyên nhân dẫn đến bất bình, khiếu kiện nhiều trong xã hội.
Không chỉ giúp cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân nhờ nhiều quy định tiến bộ được thiết kế, mà điều quan trọng bao trùm, theo các chuyên gia, là Luật Đất đai mới sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai...
Đó cũng chính là lý do Chính phủ chủ động đề nghị và đã được Quốc hội cho phép thực hiện Luật Đất đai từ ngày 1-8 tới, sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu. Đồng thời, tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để không còn những khoảng trống pháp lý khi luật đi vào thực hiện.
Trong bối cảnh nhiều phàn nàn về tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xây dựng thể chế thì đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm, tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm” trước yêu cầu của cuộc sống, để đất đai thực sự là nguồn lực đặc biệt phục vụ thiết thực cho quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước.