Chuyện 8.000 thanh niên mở đường chiến lược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, nhiệm vụ được Trung ương Đảng đặt ra là cần làm một con đường dài gần 100km từ Ma Lù Thàng về thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu) để phục vụ lâu dài. Khi đó, toàn bộ lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được điều động để tiếp tục xây dựng con đường chiến lược này.

Phá đá mở đường

Đầu tháng 5 vừa qua, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có dịp gặp ông Nguyễn Tiến Năng, 96 tuổi, cựu TNXP chống Pháp, nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để hỏi chuyện về việc lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi kể xong câu chuyện tôi cần tìm hiểu, cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng kể tiếp cho tôi về việc làm con đường chiến lược từ Ma Lù Thàng (thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu, giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) về thị xã Lai Châu (cũ). “Sau chiến dịch Điện Biên, sở dĩ ta cần làm con đường này là để có thêm đường ra nước ngoài, nhằm ứng phó nếu quân Pháp với sự giúp đỡ của Mỹ có thể quay lại xâm lược nước ta”, ông Năng cho biết.

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng tại khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, điểm cuối của con đường chiến lược Ma Lù Thàng- thị xã Lai Châu được xây dựng năm xưa. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng tại khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, điểm cuối của con đường chiến lược Ma Lù Thàng- thị xã Lai Châu được xây dựng năm xưa. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Trước đây, để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động một lực lượng gồm 8 ngàn TNXP, được tổ chức thành Đội 34 và Đội 40 để hành quân lên Tây Bắc thực thi nhiệm vụ. Ngày ấy, khi tham gia TNXP, ông Năng được cử làm Phó Đội trưởng Đội 34. “Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, lực lượng TNXP ở lại Tây Bắc một thời gian để thu dọn chiến trường, khôi phục đường sá. Khi công việc xong xuôi, các TNXP nhận được thông báo tất cả sẽ hành quân lên khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu để làm đường chiến lược, chuẩn bị cho kế hoạch mới”, cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng cho biết. Rồi ông kể, đây là một bước ngoặt lớn đối với lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Để thông suốt tư tưởng từ cán bộ đến đội viên trước nhiệm vụ mới, một đợt sinh hoạt, học tập được tiến hành nghiêm túc và chu đáo tới toàn bộ các TNXP. Sau đợt học tập, tất cả cán bộ, đội viên TNXP đều quyết tâm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới.

Tuyến đường Lai Châu-Ma Lù Thàng là công trình lớn đầu tiên của miền Bắc sau hòa bình lập lại, với sự đóng góp chủ yếu của lực lượng TNXP. Đến năm 1959, lực lượng TNXP có dịp đảm nhận làm hai tuyến đường lớn khác là đường Hạnh Phúc (tỉnh Hà Giang) và đường 12B (tỉnh Hòa Bình).

Ngày ấy, con đường từ Ma Lù Thàng về thị xã Lai Châu được làm xuyên rừng sâu, núi cao, qua các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Lay của tỉnh Lai Châu. Đây là khu vực xa dân cư, chưa từng có đường mòn nên việc làm đường càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc làm đường cũng cần giữ bí mật nên ta sẽ bắt đầu làm đường từ Ma Lù Thàng về thị xã Lai Châu.

Không quản gian khổ, hy sinh

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng cho biết, ngày 1/8/1954, 8 ngàn cán bộ, đội viên TNXP hành quân từ Sơn La, qua đèo Pha Đin lên khu vực biên giới để làm đường. Sau một tháng băng núi, vượt rừng, cuối tháng 8/1954, các đơn vị TNXP lần lượt đến những địa điểm tập kết để nhận nhiệm vụ. Đường chiến lược từ Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu được gọi là đường 111. Khi đó, Ban Chỉ huy công trường 111 được thành lập, với nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức cho các TNXP vào rừng tìm kiếm vật liệu (gỗ, tre, nứa) để xây dựng nơi làm việc của bộ phận chỉ huy và chỗ ở cho các đơn vị TNXP. Ngày ấy, việc làm đường nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc, nên các đơn vị TNXP được phân công đã làm những bè nứa để vượt thác, ngược dòng sông Nậm Na sang nước bạn để lấy dụng cụ làm đường, lương thực, thực phẩm… Sau khi chuẩn bị xong, ngày 9/10/1954, con đường Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu chính thức được khởi công.

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng thăm mộ các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng thăm mộ các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa

Trước đây, khi đảm bảo giao thông cho chiến dịch Điện Biên Phủ, các TNXP chỉ cần làm đường cho nhanh để lưu thông. Nay trong thời bình, việc làm đường đòi hỏi phải có những hiểu biết về kỹ thuật như độ cong, độ nghiêng mặt đường, rồi việc làm các rãnh thoát nước, cầu cống cũng phải bảo đảm các quy định tối thiểu. Để làm công việc này, trước hết, Ban Chỉ huy Công trường 111 đã cùng các cán bộ kỹ thuật đi khảo sát, xác định tuyến đường tại Ma Lù Thàng về thị xã Lai Châu, rồi phân chia cụ thể từng phần đường cho các đơn vị TNXP. Đến khi khởi công làm đường, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật công trường, các TNXP vừa làm vừa học, dần làm quen với thực tế. Tại tuyến đường này, do địa chất của từng khu vực khác nhau nên đã gây không ít khó khăn cho các TNXP khi làm đường. Có những đoạn đường đã hình thành, nhưng do địa chất xốp nên chỉ sau một trận mưa lớn dẫn đến sạt lở làm hỏng mặt đường, phải làm lại. Còn có những đoạn đường cheo leo đá cứng, các TNXP phải buộc dây vào người, đu trên các vách dựng đứng để đục các lỗ gài mìn phá đá, rất nguy hiểm...

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng bên tấm bia ghi dấu nơi yên nghỉ của 67 TNXP đã tham gia xây dựng tuyến đường Ma Lù Thàng – thị xã Lai Châu. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng bên tấm bia ghi dấu nơi yên nghỉ của 67 TNXP đã tham gia xây dựng tuyến đường Ma Lù Thàng – thị xã Lai Châu. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Trong thời gian xây dựng tuyến đường, các TNXP luôn gắng sức làm việc trong khí hậu khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, khi ốm thiếu thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, những tai nạn do nổ mìn phá đá, ta luy sạt lở, bị phỉ phục kích… khiến nhiều TNXP của ta đã vĩnh viễn nằm xuống khi làm nhiệm vụ. Vượt lên những khó khăn, mất mát, các TNXP luôn đồng tâm hợp sức để hoàn thành tuyến đường. Và ngày 13/6/1956, tuyến đường Ma Lù Thàng- thị xã Lai Châu đã làm lễ thông xe. Hôm đó, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Lai Châu, nhiều bà con dân tộc đã về đây dự hội. Con đường hoàn thành, đã góp phần củng cố an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội tại khu vực biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Sau khi hoàn thành tuyến đường Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu, trước khi về xuôi, các TNXP đã quy tập mộ các đồng đội về an táng tại nghĩa trang xã Chăn Nưa (Sìn Hồ, Lai Châu). Hiện nay, đây là Nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa, nơi yên nghỉ của 67 TNXP làm tuyến đường chiến lược năm xưa.

Gần 70 năm trôi qua, con đường chiến lược năm xưa nay đã trở thành một phần của tuyến đường giao thông giữa các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Điểm cuối của con đường năm xưa nay là cửa khẩu Ma Lù Thàng, một cửa ngõ phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu hiện nay.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một TNXP, ông Nguyễn Tiến Năng được cử đi học rồi về Văn phòng Chính phủ công tác. Tại đây, ông được làm trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong nhiều năm. Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Tiến Năng làm Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu TNXP Điện Biên Phủ từ năm 2003-2020.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.