Phía sau những gánh hàng rong - kỳ cuối: Mai này còn, mất…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sự phát triển chóng mặt của xã hội làm những gánh hàng rong đang dần bị bỏ lại phía sau. Liệu trong vài chục năm nữa, chúng ta có còn thấy những quang gánh, xe đạp, xe đẩy rong ruổi khắp phố phường cùng tiếng rao thân thuộc?
Các gian hàng tại phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TPHCM)

Các gian hàng tại phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TPHCM)

Một thời chưa xa…

Thật khó để phủ nhận dấu ấn đậm nét của những gánh hàng rong trong đời sống người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Hà thành. Không ai biết chính xác hàng rong có từ bao giờ, chỉ biết là đã tồn tại rất lâu, vì hàng rong ra đời như một “kênh” phân phối thứ yếu của những khu chợ truyền thống - vốn đã có tuổi đời ít nhất hàng trăm năm. Do chợ ngày xưa chỉ họp theo những phiên nhất định và tần suất không ổn định, nên các tiểu thương phải kiêm thêm nghề bán rong vừa để đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa để kiếm thêm.

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người bán rong ở Hà Nội chủ yếu là người nghèo ở ngoại thành hoặc ngoại tỉnh. Thời xưa (giữa thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI), họ thường bán các nhu yếu phẩm như dao, kéo, dép, kim băng, dây chun…, bán một số loại thuốc bôi trị đau cơ - đau khớp, cao dán, dầu nóng, kèm thêm một số dịch vụ như mài dao, hàn dép, đổi gạo lấy bún, đổi tóc rối lấy kẹo… Chưa kể tới những gánh quà vặt rong như bún, phở, tào phớ, bánh khúc, trứng vịt lộn, cốm… Và thiếu sao được những gánh hàng hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm.

Giai đoạn ấy, việc quản lý bán hàng rong chưa chặt chẽ, nguồn cung ứng hàng hoá của nhà nước cũng chưa dồi dào, nên những người bán rong hành nghề rất thoải mái. Những gánh hàng, những tiếng rao đi khắp mọi phố phường Hà Nội, hằn sâu vào đời sống của người dân Thủ đô như một nét đẹp văn hoá mộc mạc, giản dị.

Ông Tiến cho biết, một trong những nét độc đáo của hàng rong thời đó là những bài vè rao hàng do người bán tự sáng tác rồi truyền miệng nhau. Chẳng hạn như: “Đàn ông ho ca-nông, đàn bà ho các-tút, trẻ em ho gà ho vịt, thanh niên nam nữ ho vì tình, đứa trẻ giật mình cũng biết ho, ai thuốc ho đê…” (bán thuốc ho); “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” (bán thuốc lào); “Cô nào chồng bỏ chồng chê, uống vô một gói chồng mê tới già” (bán thuốc điều hoà kinh nguyệt)... Không chỉ vậy, một số gánh hàng rong còn biểu diễn thêm những màn ảo thuật đường phố, Sơn Đông mãi võ... để thu hút khách vào xem và mua hàng.

“Hà Nội có rất nhiều ngõ, ngách nhỏ, đặc biệt là khu vực phố cổ, nên rất phù hợp cho những người bán rong. Thời xưa, cứ khi nào có gánh hàng rong qua ngõ là không khí nhộn nhịp hẳn lên. Người ta ùa ra ngoài để mua hàng, ăn quà, xem hội Sơn Đông mãi võ biểu diễn… Những gánh hàng rong làm cho cuộc sống của thị dân xưa thêm phần sinh động”, nhà văn Nguyễn Trương Quý, một nhà Hà Nội học khác cho biết.

Thời nay, văn hoá bán hàng rong đã có nhiều thay đổi. Ít thấy những loại dịch vụ rong như mài dao mài kéo, hàn dép, đổi gạo lấy bún, tóc rối lấy kẹo… Các gánh hàng rong bán nhu yếu phẩm, đồ gia dụng ngày một thưa thớt. Những gánh bún, phở dạo lùi dần về sau để nhường chỗ cho những thứ quà vặt khác như nem chua rán, bò bía, bánh tráng trộn, bánh hotdog, kem khói… Chỉ có những gánh hoa quả và gánh hàng hoa là không khác biệt mấy so với ngày xưa. Và khi được nhà nước quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn, hàng rong đã bộc lộ những nhược điểm, chẳng hạn như chiếm dụng trái phép vỉa hè và lòng đường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, một số người bán rong còn chặt chém khách nước ngoài… Nhìn chung, hàng rong đang không thể bắt kịp với sự phát triển chóng mặt của xã hội.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Giải bài toán nhân văn

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, sự lỗi thời của hàng rong là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay, những tiệm tạp hoá, cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã mọc lên rất nhiều, mang đến nguồn cung ứng hàng hoá ổn định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hơn những mặt hàng rong. Bên cạnh đó, hệ thống bán hàng online cũng đang phát triển rất mạnh mẽ trên nhiều nền tảng khác nhau.

“Hàng rong thường được ưa thích bởi thế hệ người tiêu dùng cũ - những người thích rẻ và tiện lợi, không yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá, lười đi xa để mua hàng và không hiểu biết nhiều về công nghệ để đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, họ đang dần bị thay thế bởi thế hệ người tiêu dùng mới - những người từ độ tuổi 40 trở về, quan tâm hơn tới nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của hàng hoá, am hiểu công nghệ hơn để có thể mua hàng online”, ông Tiến nói.

Hiện nay, để giải quyết vấn đề việc làm cho người bán hàng rong, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng cần tạo cho họ nhiều cơ hội việc làm hơn để họ không phải đi bán rong kiếm sống. Các địa phương có thể nghiên cứu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để hình thành nên những cụm công nghiệp hoặc làng nghề, hoặc phát triển trồng trọt, chăn nuôi khép kín để tạo thành các mô hình hợp tác xã nông nghiệp... “Hầu hết người ta đi bán hàng rong vì hoàn cảnh bắt buộc. Vì vậy, tôi tin việc có được một công việc ổn định, không phải rong ruổi nay đây mai đó là điều tốt nhất cho những người bán hàng rong”, ông Tiến nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động cả nước (tương đương 24%). Số liệu của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, các hoạt động kinh tế trên vỉa hè đã đóng góp từ 15-20% vào GRDP của TPHCM.

Còn theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình quản lý hàng rong ở một số nước. Chẳng hạn như ở Singapore - nơi văn hoá hàng rong đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại năm 2020. Từ lâu, nước này đã không còn những gánh hàng rong lấn chiếm vỉa hè, làm nhếch nhác phố phường. Thay vào đó, họ tập trung những người bán hàng rong vào một trung tâm bán thực phẩm hoặc chợ cóc, tạo thành những trung tâm bán hàng rong lớn. Người bán phải đăng ký kinh doanh và trả tiền mặt bằng, nhưng bù lại họ được sử dụng điện, nước và thu hút được nhiều khách hàng hơn do ở một địa chỉ cố định. Phía chính quyền cũng sẽ quản lý những tụ điểm hàng rong này dễ dàng hơn. Tại TP HCM cũng đã có hai phố hàng rong tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Nhưng cả nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và Nguyễn Trương Quý đều đồng ý rằng, riêng những gánh hoa rong sẽ tiếp tục tồn tại rất lâu mà không cần thay đổi nhiều. Dù ở lứa tuổi nào, người Việt Nam vẫn yêu hoa và có nhu cầu mua hoa về cắm ở nhà, và lựa chọn hàng đầu vẫn là những gánh hàng hoa. Tiện lợi, rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng, vì hoa trên xe rong chủ yếu được trồng ở nội đô và những vùng ven đô có tiếng như Nhật Tân, Phú Thượng, Tây Tựu, Mê Linh, Gia Lâm… Bên cạnh đó, thế hệ tiêu dùng mới hiện nay cũng rất ưa chuộng những gánh hàng hoa. Không khó để gặp những bạn trẻ tới đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu (Hà Nội) mua hoa hoặc thuê hoa để chụp ảnh “sống ảo”. Những gánh hoa chở mùa thu tới Thủ đô sẽ không biến mất, mà sẽ tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội…

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.