Dự buổi làm việc, về phía đoàn chuyên gia có bà Naomi Kitahara-Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Jennifer Cox-Tổng Giám đốc MSD tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em. Về phía tỉnh Gia Lai có ông Đinh Hà Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong năm 2022, Khoa Sản đã tiếp nhận và khám thai cho 2.476 lượt, khám phụ khoa cho 2.547 trường hợp; đã tiếp nhận 11.048 lượt điều trị nội trú… Trong năm qua, tổng số ca sinh non ghi nhận tại Khoa Sản là 697 ca, chiếm 11,6% tổng số ca sinh tại đây; tổng số trẻ tử vong (kể cả sinh non) là 157 trẻ; tổng số trẻ chuyển Bệnh viện Nhi vì sinh non, suy hô hấp và bệnh lý là 530 trẻ.
Để triển khai tốt Chương trình sàng lọc trước sinh, bệnh viện đề nghị được trang bị thêm máy siêu âm; máy soi CTC; máy đốt điện, máy Mornitor để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Đồng thời trang bị cho Khoa Sản phòng mổ riêng thuận lợi phục vụ bệnh nhân; cần mở cơ chế cho sản phụ nghèo, sản phụ đồng bào dân tộc thiểu số có thể xét nghiệm HIV-VGB-GM (HIV-Viêm gan B và Giang Mai) khi đi khám thai mà không phải nộp tiền.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị tăng cường năng lực và kỹ năng cấp cứu sản, chuyển viện an toàn cho tuyến huyện; tăng cường vật tư y tế, trang thiết bị, năng lực, nhân lực về hồi sức cấp cứu cho các Khoa: Sản ICU, gây mê hồi sức khả năng làm việc nhóm với cường độ và áp lực cao khi có cấp cứu, các ca bệnh nặng đe dọa tử vong; báo động đỏ liên viện để đội phản ứng nhanh bệnh viện kịp thời hỗ trợ tuyến trước khi có ca tối khẩn; tăng cường năng lực hồi sức sau tổn thương tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc tốt hơn.
Qua nghe báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đoàn chuyên gia của UNFPA tại Việt Nam, Quỹ MSD vì các bà mẹ đã tìm hiểu thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ do Bệnh viện Đa khoa tỉnh cung cấp; thảo luận các vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại bệnh viện. Ngoài ra, đoàn chuyên gia đã triển khai khảo sát thực tế tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), gặp gỡ và trao đổi với một số bà mẹ đang nằm điều trị sau sinh tại đây. Qua buổi làm việc và khảo sát thực tế, đoàn chuyên gia sẽ đánh giá, xem xét hiệu quả của dự án và kịp thời có những hỗ trợ cần thiết cho tỉnh để triển khai dự án hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát thực tế tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện |
Được biết, dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” triển khai tại 14 xã thuộc 4 huyện: Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê và Kông Chro. Dự án với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Dự án cũng sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục hiện có. Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án cũng sẽ thực hiện giáo dục sức khỏe theo hướng đổi mới sáng tạo và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.