(GLO)- Ngày 7-11, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã dự Hội nghị ra mắt Nông hội hoa, cây cảnh An Khê tại phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Đây là mô hình nông hội đầu tiên được thành lập trên địa bàn thị xã.
Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, thị xã An Khê và TS. Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
“Ngôi nhà chung”
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, thị xã An Khê đã tích cực, chủ động nghiên cứu để lựa chọn thành lập và ra mắt mô hình Nông hội hoa, cây cảnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Với mục tiêu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; giảm giá thành, tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh; đồng thời giúp nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường và điều kiện liên kết sản xuất, tiêu thụ; cao hơn nữa là xây dựng tinh thần hợp tác của người dân, xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả... Ban Thường vụ Thị ủy An Khê đã triển khai thí điểm mô hình Nông hội hoa, cây cảnh trên địa bàn. Nông hội là một không gian mở, tập hợp những người dân cùng sở thích, ý nguyện về hoa, cây cảnh. Bởi vậy, người dân tham gia nông hội như bước vào “ngôi nhà chung” của mình”.
|
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo thị xã An Khê tham quan khu trưng bày cây cảnh của nông hội. Ảnh: T.D |
Đối với mô hình này, Ban Thường vụ Thị ủy An Khê đã giao Hội Nông dân thị xã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh vận động, hỗ trợ các thành viên nòng cốt trong Tổ hợp tác trồng hoa Ngô Mây, hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh trên địa bàn thị xã thành lập ban vận động, hướng dẫn các thủ tục và tạo điều kiện ra mắt, hoạt động nông hội. Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Nông hội hoa, cây cảnh An Khê đã được thành lập, thu hút 114 hội viên là những người cùng sở thích, cùng ngành nghề sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn, nòng cốt là các thành viên Tổ hợp tác trồng hoa Ngô Mây. Nông hội là thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, hoạt động theo nguyên tắc “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định), “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng), “3 không” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất).
Theo ông Đỗ Văn Hùng-Chủ nhiệm Nông hội hoa, cây cảnh An Khê, nông hội đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian để sinh hoạt, bàn chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm và các kỹ thuật mới trong chăm sóc hoa, cây cảnh. “Tất cả hội viên trong nông hội sẽ hỗ trợ nhau nhằm mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho các thành viên cũng như cộng đồng dân cư. Nông hội ra đời là để mỗi người dân trong “ngôi nhà chung” có điều kiện vươn lên và cùng chung tay, hợp sức thoát khỏi “cái bẫy” sản xuất nhỏ lẻ, tự phát”-ông Hùng khẳng định.
Là hội viên tích cực của nông hội, ông Phan Thanh Hải (tổ 3, phường Ngô Mây) chia sẻ: “Tôi rất thích cây cảnh. Tuy nhiên, những năm trước, tôi chỉ tự trồng và chăm sóc rồi sau đó đem ra bán cho một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn.Tham gia nông hội, tôi như bước vào một môi trường mới đầy hấp dẫn. Ở đây sẽ không còn nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” nữa mà là tất cả cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng”.
|
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trao quà cho tập thể Nông hội hoa, cây cảnh An Khê. Ảnh: Trần Dung |
Nông hội hoa, cây cảnh An Khê là mô hình được tỉnh chọn triển khai điểm. Bởi vậy, việc xây dựng thành công nông hội này được các cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để xứng đáng là mô hình điểm của cả tỉnh, từ đó nhân rộng trên địa bàn thị xã cũng như cho các địa phương khác học tập, làm theo.
Phải đem lại lợi ích cho người dân
Hiện nay, việc sản xuất hoa, cây cảnh ở thị xã An Khê mới phát triển ở quy mô gia đình, diện tích nhỏ, manh mún. Người trồng hoa, cây cảnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng hoa, cây cảnh chưa cao; hình thức liên kết và hợp tác trong sản xuất còn sơ khai. Bên cạnh đó, các nhà vườn chưa tìm được đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bị ép giá... Đồng thời, đa số các hộ trồng hoa, cây cảnh thiếu vốn dài hạn để mở rộng đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ mới.
Tiến sĩ Trần Minh Hải nhận định: “Sự ra đời của Nông hội hoa, cây cảnh An Khê sẽ góp phần đổi mới và thúc đẩy tổ chức sinh hoạt liên kết những người dân tại địa phương, tăng cường thực hiện kết nối ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thông tin thị trường; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cùng địa phương thực hiện các chủ trương và mục tiêu kinh tế-xã hội. Đặc biệt, khi tham gia nông hội, việc xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sẽ được đảm bảo hơn, giúp nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Ông Trần Văn Tiếp-Chủ nhiệm Hội quán “Tôi yêu màu tím” (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) là người đã thành công nhờ vào sự đột phá trong chuyển đổi phương pháp sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường, lựa chọn giống hoa mới chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khách hàng; xuất khẩu hoa sang các nước ASEAN và chuyên sưu tầm các giống hoa “độc”, lạ. Đến dự hội nghị, ông Tiếp chia sẻ: Tại Đồng Tháp, những hội quán được thành lập trong thời gian qua là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con... “Từ những thành công của mình, tôi sẽ tích cực hỗ trợ về kinh nghiệm cũng như kết nối đầu ra cho các sản phẩm hoa của Nông hội hoa, cây cảnh An Khê, giúp nông hội có được đầu ra ổn định, đem lại mức thu nhập đáng kể cho người dân”-ông Tiếp khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Việc thành lập nông hội ở Gia Lai được hình thành sau khi tham khảo, học tập kinh nghiệm từ mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Tên gọi và hình thức của những mô hình này không quan trọng mà vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được hiệu quả mô hình, đem lại lợi ích cho hội viên.
Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn các hội viên của Nông hội hoa, cây cảnh An Khê sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, phát huy trí tuệ tập thể để đưa ra được những cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ những loại cây trồng thế mạnh của địa phương lâu nay. Đối với cấp ủy, chính quyền thị xã An Khê, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần có sự quan tâm sâu sát hơn, mà trực tiếp là các hội, đoàn thể cần hỗ trợ đắc lực về khoa học, thông tin thị trường, các chính sách đầu tư… để xây dựng thành công Nông hội hoa, cây cảnh An Khê, xứng đáng là mô hình điểm của cả tỉnh.
|
Ra mắt Ban Chủ nhiệm Nông hội hoa, cây cảnh An Khê. Ảnh: T.D |
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ: Thị xã An Khê có lợi thế hơn về khí hậu, thổ nhưỡng và các chủng loại hoa, cây cảnh so với tỉnh Đồng Tháp song sự đầu tư, phát triển còn rất hạn hẹp. Do đó, thành công của mô hình nông hội này sẽ mở rộng thị trường hoa, cây cảnh ở thị xã An Khê ra các tỉnh, thành trong cả nước và xa hơn là vươn tầm ra thế giới.
Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo thị xã An Khê đã trao nhiều phần quà ý nghĩa cho Nông hội hoa, cây cảnh An Khê.
Sau khi tham dự hội nghị ra mắt mô hình Nông hội hoa, cây cảnh An Khê, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đến dâng hương tại Nhà bia Đền tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê); nắm tình hình, tiến độ thi công ngôi mộ chung tưởng niệm 95 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Đồn Tú Thủy vào ngày 14-3-1947 và công tác chuẩn bị cho lễ truy điệu và tưởng niệm tổ chức vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2019). Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đến tham quan mô hình trồng và chế biến cây dược liệu ở xã Tú An.
|
TRẦN DUNG