Trải nghiệm từ những chuyến đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi vùng đất mà người làm báo đặt chân đến luôn mang lại cho họ những trải nghiệm đáng quý về cuộc sống, con người, phong tục… Từng chuyến đi giống như một cột mốc, đánh dấu sự trưởng thành trong cuộc đời cầm bút của mỗi người làm báo.

“Xách ba lô lên và đi” có lẽ là hình ảnh quen thuộc của người làm báo. Niềm vui, niềm hạnh phúc nhất mà nghề báo đem lại có lẽ là mọi người có cơ hội được đi nhiều nơi, được làm việc trong một khoảng không gian rộng lớn của đất trời, được tự do khám phá những vùng đất khác nhau. Mỗi chuyến đi như một chuyến du lịch ngắn, đọng lại những trải nghiệm đáng quý không phải ai cũng có được.

 

Trường Sa để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho những ai từng đặt chân đến. Ảnh: Xuân Huy
Trường Sa để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho những ai từng đặt chân đến. Ảnh: Xuân Huy

Với những phóng viên công tác tại địa bàn vùng núi như Gia Lai thì việc được một lần đặt chân đến huyện đảo Trường Sa là điều ai cũng mong muốn song không phải lúc nào cũng thực hiện được. Thế nhưng, anh Nguyễn Xuân Huy-phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai đã vinh dự được 2 lần đến Trường Sa. “Hai lần được đặt chân đến Trường Sa có lẽ là điều mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Đó có lẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Vậy nên, ngay từ khi bắt đầu đặt chân lên tàu, tôi đã tranh thủ từng phút từng giây để trò chuyện, làm quen, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của những người lính và nhân dân sinh sống nơi đảo xa… Chắt lọc từng chút một, tôi tự mình lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về Trường Sa. Cũng qua 2 chuyến đi này mà tình yêu đối với Trường Sa, với biển đảo quê hương trong tôi được nhân lên gấp bội. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi tự rèn giũa mình để viết nên những bài báo hay, những phóng sự đặc sắc, giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực, rõ nét hơn về nhiều vấn đề của cuộc sống”-anh Huy bày tỏ.

Còn với phóng viên Lê Hòa (Báo Gia Lai), từ ngày bước vào nghề báo cũng là lúc chị gắn mình với những chuyến đi. Dù là phóng viên của một tờ báo địa phương nhưng chị Lê Hòa có dịp được tác nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong nước và cả ở 2 nước bạn Lào và Campuchia. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đáng quý, trong đó được đến Điện Biên tác nghiệp nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có lẽ là những tháng ngày khó quên đối với chị. Chị Hòa bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu đặt chân đến Tây Bắc, tôi được tận mắt ngắm nhìn những cung đường mềm như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi. Quan trọng hơn, tất cả những địa danh nổi tiếng như: đồi A1, D1, C1, đồi Him Lam, Độc Lập, Mường Phăng... tôi lần lượt được đặt chân tới, tận mắt nhìn thấy những dấu tích của chiến trường Điện Biên sau 60 năm. May mắn hơn, tôi còn được gặp gỡ những chiến sĩ Điện Biên năm xưa”.

Không chỉ vậy, chị Hòa còn có kỷ niệm đặc biệt khi vinh dự được là thành viên đoàn công tác của tỉnh ra Hà Nội đón tượng Bác Hồ về với Tây Nguyên. “Trước một chuyến đi với nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, tôi thực sự đã trải qua những giây phút rất căng thẳng. Từ chuyến đi ấy, qua những kiến thức tìm hiểu được cùng với những câu chuyện từ các chú, các anh về công trình Tượng đài Bác Hồ với người dân Tây Nguyên, tôi và đồng nghiệp đã hoàn thành loạt bài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”. Loạt bài đã được trao giải khuyến khích ở thể loại Phóng sự-Ký sự tại Giải Báo chí Quốc gia năm ấy”-chị Hòa chia sẻ thêm.

Riêng với Nguyễn Nhật (phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay thường trú tại Gia Lai), mỗi chuyến băng rừng, những lần tiếp xúc với bà con ở các thôn làng cũng cho anh những bài học sâu sắc. Anh chia sẻ: “Một lần, tôi đến phỏng vấn các gia đình trồng hồ tiêu để thực hiện đề tài do Tòa soạn giao. Mọi chuyện cứ ngỡ như bình thường nhưng khi đến gặp một gia đình nọ, họ bèn lấy gậy gộc rượt đuổi, dọa đánh, không cho tôi phỏng vấn bởi cho rằng tôi là kẻ lừa đảo. Tôi đành phải thất thểu quay về mà lòng buồn rười rượi, không hiểu vì sao mình lại bị đối xử như vậy. Về sau, tôi cố gắng tìm hiểu thì biết rằng do người dân ở đó bị lừa đảo quá nhiều lần nên rất cảnh giác và không tin vào người lạ nữa”. Dù là một trải nghiệm không vui, song cũng giúp cho anh Nhật có thêm kinh nghiệm tiếp xúc với mọi người mỗi khi đi tác nghiệp ở cơ sở.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.