"Hoa vông rụng tuyết trắng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1969, gia đình tôi chuyển từ Sài Gòn về Pleiku sinh sống. Tôi học tiếp chương trình lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đang dở dang một nửa ở Trường Tư thục Bồ Đề. Lần đầu tiên tôi gặp thầy là trong tiết Anh văn. Hỏi bạn, bạn bảo đó là thầy Vĩnh Khuê, ở trường thường gọi thầy Kim Tuấn, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai cho tôi biết thầy có làm thơ. Da ngăm đen, người đậm thấp là nhân dáng rất riêng của thầy, không lẫn vào đâu được. Thầy nói giọng Nam của một người gốc Huế, nghe hiền lắm. Dạy học là việc làm thêm, còn nghề chính của thầy là thông dịch viên tiếng Anh. Thuở ấy, sức học tôi bình thường nếu không nói là kém, nhưng đặc biệt rất xuất sắc với 2 môn Ngoại ngữ và Giáo lý nhà Phật. Có lẽ vì thế mà tôi được thầy để ý và trở thành học trò cưng của thầy.
  Hoa vông. Ảnh: internet
Hoa vông. Ảnh: internet
Liên hoan Tất niên năm ấy, nhằm khoe chút giọng hát nghe được của mình, tôi xung phong hát mở màn bài “Anh cho em mùa xuân”. Ngồi dưới, nghe tôi hát xong, thầy kéo tôi xuống ngồi cạnh rồi bảo bài này là do nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thầy. Thế đấy, phải 2 tháng sau khi gặp thầy Kim Tuấn, tôi mới biết thầy còn là một nhà thơ, tác giả ca từ của nhiều ca khúc nổi tiếng. Sau này, tôi và nhà thơ Kim Tuấn gần như trở thành hai người bạn vì thầy muốn thế. Hơn tôi 16 tuổi, thầy cứ gọi tên và xưng “mình”, giản dị và thân tình. Hay uống cà phê với nhau, tôi còn trẻ, lứa học trò năm cuối đệ nhất cấp nên lúc đá chanh, lúc yaourt, thỉnh thoảng mới nhâm nhi cà phê sữa, còn thầy luôn là một ly đen rất ít đường. Một kỷ niệm không thể nào quên của tôi với thầy Kim Tuấn là khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ xong bài thơ “Những điều ghi trong giấc ngủ” với tựa nhạc phẩm là “Khi tôi về”, thầy đưa bài bảo tôi tập và hát trong đêm sinh hoạt âm nhạc ở Sở Học chánh Pleiku. Tôi là người đầu tiên hát ca khúc này trước khán giả, thầy Kim Tuấn bảo thế.
Qua thầy mà tôi thành lớn trước tuổi, giao du với nhiều văn nghệ sĩ đàn anh thời đó. Lý giải chuyện Pleiku bỗng trở thành nơi “chứa chấp” không ít nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, thầy bảo dân văn thơ nhạc vốn bướng bỉnh, vì thời thế mà phải đi lính, nhưng cứ vẫn “ba gai”, chống đối nên bị đày lên xứ nắng bụi mưa bùn này. Những bài thơ hay nhất của Kim Tuấn hầu hết được viết trong thời gian sống và làm việc ở Pleiku. Ai đã từng ở đây quãng thập niên 60, 70 của thế kỷ trước giờ đọc lại “Buổi chiều ở Pleiku” sẽ nhớ quay quắt không thôi: “Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù/Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng/Anh còn phút nào để nói yêu em/Buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời/Chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi... /Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền/Có Biển Hồ nước trong có lúc buồn soi mặt”.
Thầy Kim Tuấn thích và làm thơ từ năm 13 tuổi, đến năm 22 tuổi thì chắt lọc cho ra mắt tập thơ đầu tiên có tên “Hoa mười phương”. Rồi tiếp tục “Ngàn thương” (in chung với Định Giang, năm 1969), “Dấu bụi hồng” (1971), “Tuyển tập thơ Kim Tuấn” (1974). Sau năm 1975 là những ấn phẩm “Thời của trái tim hồng”, “Tuổi phượng hồng”, “Tạ tình phương Nam”, “Thơ lý và thơ ngắn”.
Tôi dùng một câu trích trong bài “Kỷ niệm” được nhạc sĩ Y Vân phổ thành ca khúc “Những bước chân âm thầm” đặt tựa cho bài viết này cũng không ngoài chủ ý thay thầy-nhà thơ Kim Tuấn-nói cho đúng ý thơ. Chẳng phải “hoa vọng rừng tuyết trắng” hay “hoa vông rừng tuyết trắng” như nhiều người lầm tưởng, mà là “hoa vông rụng tuyết trắng”. Thầy giải thích: Cây vông mọc nhiều ở cao nguyên, nhưng chưa bao giờ thành rừng cả, khi hoa nở bông trắng rụng bay, tức cảnh mà nhà thơ tưởng tượng thành tuyết rơi.
Đất nước hết chiến tranh, “Những điều ghi trong giấc ngủ” của thầy đã thành hiện thực: “Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh...”.
Rời Pleiku, nhà thơ Kim Tuấn trở lại Sài Gòn tiếp tục dạy học. Thầy tôi mất vào tháng 9-2003. Biết tin muộn, tôi đã không kịp thắp một nén hương trước vong linh thầy.
Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Những mùa lá hình tim

Thơ Phạm Đức Long: Những mùa lá hình tim

(GLO)- Ngày đất nước hòa bình, những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ. Lá cây mang hình trái tim như sự tri ân muôn đời đến những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Mỗi chiếc lá xanh là một lời nhắc nhở, nguyện ước về một cuộc sống bình yên, ấm no, mãi mãi trường tồn...
Thơ Hà Hoài Phương: Cảm thu

Thơ Hà Hoài Phương: Cảm thu

(GLO)- Ai đó từng nói: “Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của trời đất”. Vẻ đẹp của đất trời lúc sang thu luôn làm xao xuyến những tâm hồn lãng mạn. Bài thơ Cảm thu của tác giả Hà Hoài Phương có lẽ đã được ra đời trong sự cộng hưởng ấy...
Khai mạc hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2024

Khai mạc hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2024

(GLO)- Sáng 27-8, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khai mạc hội nghị tập huấn với chủ đề "Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm".
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Lời ru xưa

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Lời ru xưa

(GLO)- Lời ru à ơi ngọt ngào của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta từ thuở còn nằm nôi cho đến lúc trưởng thành. Để rồi, khi mùa Vu Lan báo hiếu đến, chúng ta lại nhớ về mẹ cùng lời ru xưa đầy yêu thương và nguyện khắc ghi trên mỗi bước đi cuộc đời...
U80 vẫn mê đọc sách

U80 vẫn mê đọc sách

(GLO)- Do là chỗ thân tình nên tôi vẫn gọi người phụ nữ U80 Nguyễn Thị Hồng Hợp (trú tại tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) là chị. Mặc dù tuổi đã cao nhưng chị vẫn giữ cái tính mê đọc sách từ ngày còn son trẻ.
Văn hóa người làm báo

Văn hóa người làm báo

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với một đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh (đã nghỉ hưu) sáng nay về ứng xử của một phóng viên trẻ công tác ở một tờ báo bạn làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Rõ ràng là vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong xây dựng văn hóa người làm báo.
Thơ Bút Biển: Hoài niệm

Thơ Bút Biển: Hoài niệm

(GLO)- Hoài niệm không đơn thuần là xúc cảm thoáng qua về quá khứ mà có sự hòa lẫn nhiều cung bậc. Trong "Hoài niệm" của mình, nhà thơ Bút Biển đã nhớ về những mùa thu cũ với bao cảm xúc ngây ngô thuở thiếu thời. Để rồi, "chợt tỉnh gặp mình trong thực tại/Mỉm cười nhìn vạt nắng ngát hương".

Ra mắt sách 'Theo dấu chân Người'

Ra mắt sách 'Theo dấu chân Người'

Ngày 16-8, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã tổ chức buổi ra mắt sách "Theo dấu chân Người" (NXB Hội Nhà văn) của GS-TS - nhà văn Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. "Theo dấu chân Người" là tập truyện ký viết về 30 năm đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ.
Bàn tay

Thơ Đại Dương: Bàn tay

(GLO)- Chỉ qua hình ảnh "Bàn tay", tác giả Đại Dương đã thổi hồn vào đó bao cung bậc cảm xúc khác nhau; lúc hân hoan tươi mới, khi lại đau đáu, nhạt nhòa: "bàn tay mơ giọt sương", "bàn tay khóc phận người", "bàn tay xây nấm mộ", "bàn tay đếm thời gian", "bàn tay gầy ngơ ngẩn"...

Rót đầy một giấc tôi

Rót đầy một giấc tôi

(GLO)- "Rót đầy một giấc tôi" - Cơn mê men chếnh choáng hư hao của kẻ hay hoài niệm, chênh vênh giữa hai bờ hư thực. Một hình dung cũ, một chút hương lúa chín giữa ngày thu se sẽ như kéo người về khoảng nào xao xác, để ngồi lại tình tự riêng mình, tự ủ ấm mình trong men thơm ký ức...

Gương mặt thơ: Đỗ Trung Lai

Gương mặt thơ: Đỗ Trung Lai

(GLO)- Ông là Đại tá quân đội, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam), nguyên Trưởng phòng Biên tập Báo Cuối tuần (Báo Quân đội nhân dân), hiện sống ở Hà Nội. 
Họa mi HBlơng kể chuyện thời chiến

“Họa mi” H’Blơng kể chuyện thời chiến

(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi lần đi ngang qua khuôn viên Ty Văn hóa-Thông tin, tôi lại bị mê hoặc bởi một giọng nữ trong trẻo, vút cao. Sau này, tôi mới biết tiếng hát đó là của chị Rơmăh H’Blơng-một “họa mi” có thâm niên 10 năm cất cao tiếng hát giữa đạn bom.