Phường Ia Kring: Thiếu kinh phí sửa chữa đường hẻm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một số hộ dân sinh sống tại hẻm 125 Hoàng Sa (tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) mong chính quyền địa phương sớm tiến hành sửa chữa, dặm vá những điểm hư hỏng trên tuyến đường này để đảm bảo an toàn giao thông.
Đường hẻm 125 Trường Sa (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có nhiều đoạn bị hư hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: M.P

Đường hẻm 125 Trường Sa (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có nhiều đoạn bị hư hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: M.P

Tuyến đường hẻm 125 nối từ đường Hoàng Sa đến phía trước cơ quan Tòa án nhân dân TP. Pleiku (gần với đường Lê Thánh Tôn) hơn 1 năm nay đã bị xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tại một số đoạn, mặt đường bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đáng chú ý là đoạn đường gần 100 m từ nhà số 37/125 đến nhà số 73/125 xuất hiện nhiều ổ gà liên hoàn rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là vào thời điểm chiều tối. Điểm hư hỏng này nằm ở vị trí có độ dốc cao, nước mưa các nơi đổ về gây xói mòn, bong tróc mặt đường. Đặc biệt, khi có mưa lớn, người dân lưu thông trên đoạn đường này rất vất vả và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Một người dân (đề nghị giấu tên) sinh sống tại khu vực này cho hay: Tuy là đường hẻm chỉ dài gần 1 km nhưng mật độ xe tải chở hàng lưu thông cao nên mặt đường vốn đã xấu lại ngày càng thêm hư hỏng nặng. Nhiều tài xế chọn tuyến đường này để đi tắt từ đường Hoàng Sa qua Lê Thánh Tôn nên lượng xe tải lớn rất đông, có cả xe đưa đón học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Thuyết-Tổ trưởng tổ dân phố 10, tuyến đường xuống cấp hơn 1 năm qua. Mùa mưa năm nay đã phát sinh thêm nhiều điểm hư hỏng. Bà con ở đây cho rằng nếu là đường hẻm phục vụ dân sinh thì họ sẵn sàng đóng góp kinh phí sửa chữa. Nhưng nhiều xe lớn qua lại nên đường rất nhanh xuống cấp vì thế họ không thống nhất việc đóng góp kinh phí. Mặt khác, tuyến đường này đã được UBND phường Ia Kring đề nghị thành phố đặt tên.

Tổ trưởng tổ dân phố 10 thông tin thêm: “Khi bà con kiến nghị đường xấu ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân, lãnh đạo phường đã xuống khảo sát và thống nhất việc bố trí kinh phí sửa chữa để người dân đi lại an toàn. Bên đơn vị thi công cũng đã xuống khảo sát, tính toán việc sửa chữa, dặm vá lại các điểm hư hỏng nhưng do đang trong mùa mưa nên chưa triển khai được”-ông Thuyết nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Phi Hải-Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring-cho biết: Trước phản ánh của người dân về tuyến đường hẻm 125 Hoàng Sa xuống cấp, phường đã tiến hành kiểm tra và thông qua HĐND phường để bố trí kinh phí sửa chữa, dặm vá những điểm hư hỏng. Trước đó, phường cũng mời đơn vị thi công khảo sát nhưng kinh phí dự kiến cao trong khi nguồn kinh phí của phường hạn hẹp.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring, mỗi năm, phường chỉ được phân cấp kinh phí gần 70 triệu đồng dành cho việc duy tu, sửa chữa tất cả các con hẻm trên địa bàn. “Tuy nguồn kinh phí rất ít nhưng phường đã dành hơn 40 triệu đồng để sửa chữa, dặm vá lại tuyến đường hẻm này. Trong tháng này, phường sẽ phối hợp với đơn vị thi công tiến hành việc sửa chữa để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa tạo thuận lợi cho người dân đi lại thông suốt”-ông Hải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Các đơn vị khẩn trương thi công hồ thị trấn Phú Hòa theo tiến độ. Ảnh: N.D

Dự án hồ thị trấn Phú Hòa: Kỳ vọng phát triển du lịch sinh thái

(GLO)- Dự án hồ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được khởi công vào cuối tháng 12-2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Công trình được kỳ vọng làm thay đổi cảnh quan môi trường, kết hợp du lịch sinh thái khu vực trung tâm huyện và mang lại nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông ở buôn Bluk (xã Phú Cần) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: L.N

Krông Pa ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông

(GLO)-Huyện Krông Pa ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo động lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa phát triển.

Người dân Ia Hlốp mong mỏi con đường bê tông

Người dân Ia Hlốp mong mỏi con đường bê tông

(GLO)- Nhiều năm qua, người dân một số làng thuộc xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) phải đi trên con đường mưa lầy, nắng bụi. Mong mỏi lớn nhất của người dân là tuyến đường huyết mạch này sớm được quan tâm đầu tư để thuận lợi hơn trong đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.