Phố núi ngập nước, nghĩ về phát triển đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tối 23-8, một cơn mưa to ập đến trong khoảng 1 giờ, nước ngập tràn Phố núi Pleiku, nhiều tuyến đường bị tắc, nhiều nhà dân nước tràn vô, gây thiệt hại nặng nề. Đoạn đường Hoàng Văn Thụ từ Hùng Vương đến Wừu có nhà nước ngập cả mét. Quán bar SEF (14 Hoàng Văn Thụ), theo phản ánh của chị Lê Thúy Hằng-chủ quán, bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều người ở Tây Nguyên khá lâu, chứng kiến cảnh mưa ngập đã thảng thốt: Chưa bao giờ nhìn thấy cảnh Phố núi nước ách tắc như thế, thật khủng khiếp!
 Nước ngập gây thiệt hại lớn cho hộ dân Nguyễn Phí Hiển (chủ quán thuốc tây Nga, trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.Pleiku) . Ảnh: Q.T
Nước ngập gây thiệt hại lớn cho hộ dân Nguyễn Phí Hiển (chủ quán thuốc tây Nga, trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.Pleiku) . Ảnh: Q.T
Mưa lũ ngập nhà bây giờ không chỉ vùng ven sông suối. Từ những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến vùng đất trên quả đồi cách mặt biển 800 m  như TP. Pleiku mà khi mưa to, nhiều tuyến đường vẫn đầy nước thì lý do ngập không chỉ do... mưa. Thiên nhiên cộng với sự đồng lõa con người tạo ra thiên tai. Ví như đoạn đường Hoàng Văn Thụ này, nguyên thủy nó là... khe suối. Khi đô thị Pleiku ra đời, người Pháp làm quy hoạch đã cố tình để lại hợp thủy mà không mở đường phát triển dân cư nối thông Hoàng Văn Thụ-Wừu như chúng ta làm từ hơn 20 năm nay. Đồng ý rằng từ lúc nối thông đường Hoàng Văn Thụ đoạn Hùng Vương đến Wừu, cũng như nhiều tuyến đường khác ở Pleiku, phố xá sạch đẹp, thông thoáng hơn, song Phố núi mất dần hồn cốt thuở nào. Hợp thủy ngày xưa để nước chảy tự nhiên, giờ cấp đất cho dân, xây kín nhà cửa. Đường dẫn nước thoát âm dưới lòng đất, song ống cống không đủ lớn, không dọn dẹp vệ sinh, thu dọn rác thải thường xuyên nên thi thoảng nước ách tắc, dâng lên, chống lại con người.
Bây giờ mỗi khi có sự cố, nhất là thiên tai, người ta thường đổ do... thiếu tiền. Thiếu tiền không thể làm cống to, thoát nước cho nhanh; thiếu tiền không đủ xây kè chống sạt lở nên đất trụt, sập nhà; thiếu tiền nên đường vừa làm xong mưa xuống đã hỏng. Nhưng thử hỏi công tác quy hoạch, vì sao lại cho xây dựng các công trình cản trở dòng chảy? Làm quy hoạch mà không tính toán cho hết các yếu tố biến động của thiên nhiên, cố tình thay đổi quy hoạch cũ, nhưng phương thức không đảm bảo, để lại hậu quả lâu dài, như một bạn đọc báo Gia Lai phản ánh: “Từ năm 1994 tới giờ, đoạn đường này cứ mưa là ngập. Tôi đã nhiều lần ý kiến lên phường, UBND phường Ia Kring đã cử đoàn khảo sát xuống thực địa. Mới đây, họ đã tiến hành sửa chữa và lắp cống nhưng đâu vẫn vào đó. Bây giờ, mới một trận mưa to mà nước đã vào đến nhà”. Như vậy, sự ngập nước ở hợp thủy này là liên tục và chưa khắc phục được.
Các công trình xây dựng, nhà cửa mọc lên hai bên đường, che chắn dòng chảy, vô tình trở thành đập tích nước. Khi hệ thống nước ngầm quá tải, nước sẽ tràn lên ngập ngụa công trình chúng ta xây dựng. Biến đổi khí hậu, thiên nhiên ngày càng thất thường, không theo một quy luật nào. Con người không nương theo tự nhiên, ép thiên nhiên phục vụ mình thì có lúc phải trả giá!
Hiện nay, đô thị Pleiku cũng như một số địa phương, trong quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm được chấn chỉnh, nhất là xây dựng thiếu quy hoạch và khu dân cư tự phát. Hầu hết các đô thị phát triển trên thế giới đều xây dựng dựa trên quy hoạch tổng thể; nhà cửa làm xong mới bán cho dân, không giống như ta hiện nay, nhà cửa, công trình hầu hết người dân tự làm không theo quy hoạch nào. Đặc biệt, không ít trường hợp tự quy hoạch đất của mình, san lấp, xây cất không đảm bảo an toàn, không tính đến yếu tố tác động tổng thể và những biến động bất thường của thiên nhiên.
Thành phố Pleiku nằm trên những quả đồi, song chúng ta không phát triển đô thị theo kiểu Đà Lạt là giữ nguyên hiện trạng xây dựng, mà thường đào bên này, đắp bên kia, dẫn đến rất dễ xảy ra sạt lở. Hàng năm, khi mùa mưa đến, tình trạng ngập vì nước mưa không thoát, sụt đất, mức độ tùy thuộc vào thiên nhiên. Đã đến lúc cần giải pháp căn cơ khắc phục cho bằng được những điểm thường xuyên sạt lở và ngập nước này, trước khi nó phức tạp thêm.
Vùng ven Pleiku đang phát triển khá tự phát và có vẻ như chính quyền “chạy theo” người dân trong quá trình xây dựng đô thị. Sự phát triển không theo quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch không tính toán đầy đủ chặt chẽ, có tầm nhìn trước những biến động cả tự nhiên lẫn xã hội thì nguy cơ phải  trả giá cho sự sai lầm hoặc sao nhãng này là cực lớn.
Thiết nghĩ, các cấp thẩm quyền TP. Pleiku cần gấp rút rà soát quy hoạch tổng thể, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, đầu tư xử lý ngay những điểm nghẽn trong hệ thống thoát nước đô thị. Không thể chấp nhận một đô thị trên sườn đồi lại để dân bị ngập lụt vì nước mưa. Trong quá trình tổ chức quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần lắng nghe ý kiến người dân, nhất là những nơi thường xảy ra sự cố do phát triển đô thị gây ra.
Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.