Nguyên nhân chính là do còn đất của hàng trăm hộ dân chưa được thu hồi để bàn giao cho đơn vị thi công. Bên cạnh đó, toàn tuyến đi qua Bình Thuận có hơn 51 ha đất rừng phải chờ HĐND tỉnh ra nghị quyết đưa ra khỏi quy hoạch đất rừng 3 loại theo quy định.
Để tháo gỡ khó khăn, ngày 2.4 vừa qua, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua nghị quyết cho phép chuyển đổi diện tích đất rừng nêu trên ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở pháp lý bàn giao cho đơn vị thi công QL28B. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn yêu cầu UBND H.Bắc Bình phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước ngày 30.4.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là xem xét tính pháp lý và ra quyết định bồi thường cho các hộ dân để bàn giao mặt bằng. Công tác này hiện đang thực hiện rất chậm.
Trao đổi với người viết, một số cán bộ cơ sở cho hay, việc kiểm kê đất để lập phương án đền bù ở Bắc Bình chậm một phần do số hộ dân có đất bị thu hồi khá lớn. Ngoài ra, nhiều chủ đất không phải dân địa phương, không sinh sống tại đó nên chính quyền phải mất nhiều thời gian liên lạc, tìm kiếm…
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Bình Thuận và Lâm Đồng thúc giục sớm bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công nâng cấp, sửa chữa QL28B. Dự kiến cuối năm 2025, tuyến đường này phải hoàn thành.
Đặc biệt, trong bối cảnh đề án sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận đang được gấp rút hoàn thiện trước ngày 22.4, QL28B sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng Tây nguyên với biển Bình Thuận; hứa hẹn tạo ra trục kinh tế đông - tây, phát huy thế mạnh của từng địa phương, từ nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, khoáng sản ở Đắk Nông đến công nghiệp năng lượng và du lịch biển ở Bình Thuận. Vì vậy, sớm bàn giao mặt bằng để nâng cấp và thi công tuyến quốc lộ này không chỉ là yêu cầu cấp thiết về hạ tầng giao thông mà còn là mệnh lệnh mang ý nghĩa chiến lược.
Theo Quế Hà (TNO)