Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận: Trục kinh tế vươn ra biển lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các chuyên gia nhận định, nếu sáp nhập các tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận sẽ tạo ra trục kinh tế đông - tây, tương hỗ nhau cùng vươn ra biển lớn.

Trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính, nhiều khả năng Đăk Nông - Lâm Đồng và Bình Thuận sẽ sáp nhập với nhau để trở thành một đơn vị hành chính mới. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, sự sáp nhập này sẽ trở thành trục liên kết vùng kinh tế đông - tây, phát huy thế mạnh của nhau cùng vươn mình ra biển lớn.

Trục kinh tế liên kết tạo dư địa phát triển mạnh mẽ hơn

Theo TS Đinh Kiệm (chuyên gia kinh tế ở TP.HCM) sự sáp nhập trên sẽ tạo ra thực thể hành chính mới; là sự tập hợp đa dạng và tạo ra dư địa của nguồn tài nguyên phong phú từ các vùng đất ở Tây nguyên đến vùng biển Bình Thuận. Với cơ sở hạ tầng hiện có, thì sự liên kết vùng giữa 3 tỉnh sẽ tương hỗ về sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy mục tiêu chung.

"Cụ thể, Đắk Nông giáp với Lâm Đồng, xuống hướng đông là Bình Thuận. Đây là trục liên kết giữa Tây nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ và cũng là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ", TS Kiệm nhận định.

Bình Thuận phát triển mạnh công nghiệp năng lượng và có cảng biển nước sâu Vĩnh Tân
Bình Thuận phát triển mạnh công nghiệp năng lượng và có cảng biển nước sâu Vĩnh Tân

Trong đó, Đắk Nông và Lâm Đồng có thế mạnh về tài nguyên, hệ sinh thái nông nghiệp với "5 thế mạnh" như phát triển cây công nghiệp dài ngày, hoa quả ôn đới, lâm nghiệp, khoáng sản, dịch vụ - du lịch và chăn nuôi.

Còn vùng đất Duyên hải Nam Trung bộ Bình Thuận có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; nguồn lực vững chắc để phát triển chuyên sâu các ngành như kinh tế biển, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo vì Bình Thuận đầy nắng và gió. Tiếp theo là ngành du lịch và khoáng sản, đặc biệt là có trữ lượng titan lớn nhất cả nước.

"Hiện nay, Bình Thuận nổi lên 3 trụ cột quan trọng trong các lĩnh vực: Công nghiệp (năng lượng, chế biến) - du lịch - nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với sự tập trung đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, kết nối liên vùng của 3 tỉnh này, tôi tin rằng nền kinh tế của thực thể địa lý mới Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận sẽ tạo nên dư địa phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh địa phương; tạo được sự kết nối và hội tụ giữa các tỉnh trong khu vực", TS Đinh Kiệm nhấn mạnh.

Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời được xây dựng ở Bình Thuận nhờ khí hậu nắng và gió quanh năm
Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời được xây dựng ở Bình Thuận nhờ khí hậu nắng và gió quanh năm

Riêng lĩnh vực du lịch, chuyên gia Đinh Kiệm đánh giá, với tiềm năng tự nhiên và phong phú của vùng đất Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, một khi được liên kết thành thực thể địa lý hành chính thống nhất, sẽ tạo lợi thế tổng lực khai thác hiệu quả tài nguyên; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn.

Cụ thể, sự kết hợp trong du lịch khi xem xét, đánh giá ưu điểm của các điểm, tuyến du lịch hiện nay ở mỗi tỉnh, sẽ hình thành trục du lịch động lực bắc - nam nối liền từ Tà Đùng, Đơn Dương - Đà Lạt xuống Phan Thiết.

"Dọc tổng lộ tuyến có thể khai thác các điểm nhánh du lịch hỗ trợ như Bảo Lộc, Di Linh, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi… để tạo liên kết ngoại vùng, phía bắc nối trục với Cam Ranh và Phan Rang; phía nam nối đến Bà Rịa - Vũng Tàu… Theo tôi, đây là trục liên kết phong phú, sẽ phát huy hiệu quả nếu được tổ chức khoa học nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng và phát triển bền vững", TS Đinh Kiệm nhận định.

Thỏa chí… ra biển lớn

Lâm Đồng có tổng diện tích hơn 9.781 km², xếp thứ 7 cả nước về diện tích. Địa hình của tỉnh đa dạng, nằm ở độ cao từ 200 đến 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 18°C đến 25°C. Đây là tài nguyên vô giá của vùng đất Tây nguyên. Lâm Đồng tiếp giáp với nhiều tỉnh: Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Khánh Hòa và Ninh Thuận, tức tiếp giáp với cả vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Hồ Xuân Hương, tài sản vô giá của Đà Lạt
Hồ Xuân Hương, tài sản vô giá của Đà Lạt

Thế mạnh nổi bật của Lâm Đồng, dẫn đầu cả nước đó là sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, bao gồm rau, hoa, chè, lụa tơ tằm, cà phê và cá nước lạnh. Mô hình phát triển mạnh mẽ là nông nghiệp sinh thái hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và tuần hoàn. Đến nay, tỉnh có 69.637 sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Cao Thế Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, nhận định, thế mạnh du lịch của Lâm Đồng chính là Đà Lạt, thành phố Festival Hoa, thành phố lễ hội châu Á và thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc..

Lâm Đồng cũng là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, bao gồm không gian văn hóa cồng chiêng, mộc bản triều Nguyễn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang.

"Nếu Lâm Đồng được sáp nhập cùng Bình Thuận và Đắk Nông, sẽ mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố Festival Hoa Đà Lạt nếu được kết nối với biển Mũi Né và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sẽ tạo sự đột phá trong thu hút du khách", ông Cao Thế Anh nhấn mạnh.

Thế mạnh về khoáng sản của Đắk Nông hiện nay là trữ lượng bô xít
Thế mạnh về khoáng sản của Đắk Nông hiện nay là trữ lượng bô xít

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ, cho rằng Đắk Nông với Lâm Đồng là 2 tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước. Giả sử khi sáp nhập với Bình Thuận, nơi có nhiều mỏ ti tan cũng sẽ tạo nên sự thuận lợi trong chuỗi liên kết phát triển ngành khai thác khoáng sản và luyện nhôm.

Một chuyên gia kinh tế kỳ vọng, khi sáp nhập, ngoài việc thúc đẩy logistics phát triển, vận chuyển khoáng sản xuống cảng quốc tế Vĩnh Tân (Bình Thuận) thuận tiện thì còn kéo theo nhiều ngành nghề khác cùng vươn ra... biển lớn.

"Hiện nay ai cũng biết Lâm Đồng là một vựa rau quả lớn nhất phía nam. Tuy nhiên, chỉ mới đáp ứng được khoảng 30 - 40% cho vùng "tứ giác" phát triển (Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương). Như vậy, sự liên kết với Bình Thuận - Lâm Đồng sẽ mở ra cơ hội lớn cho Đắk Nông trở thành thủ phủ về rau, chỉ sau Lâm Đồng. Ngoài ra sản phẩm như hồ tiêu, cà phê, ca cao và các loại trái cây khác sẽ về các KCN của Bình Thuận một cách dễ dàng để chế biến xuất khẩu", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ nêu.

Theo QUẾ HÀ-LÂM VIÊN-THANH QUÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm