Ông chủ Vườn Mai và bộ sưu tập đầu băng cối Akai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong một góc nhỏ của quán cà phê Vườn Mai (hẻm 230 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), những đầu băng cối Akai huyền thoại thập niên 60, 70, 80 thế kỷ XX vẫn quay đều chậm rãi phát ra thanh âm xưa cũ, mộc mạc.

Để rồi, biết bao ký ức bất chợt ùa về trong từng giai điệu đẹp đến nao lòng của một thú chơi tao nhã, đượm màu thời gian.

Đưa huyền thoại đầu băng cối Akai về Phố núi

Trong thời đại công nghệ 4.0, làn sóng âm thanh kỹ thuật số không ngừng phát triển phù hợp với nhu cầu, thị hiếu âm nhạc đương đại thì thú chơi thiết bị điện tử cổ điển, sưu tập đầu băng cối, băng cassette, đĩa than của ông Võ Văn Hiền-Chủ quán cà phê Vườn Mai đã tạo một lối rẽ ngược dòng cho những người yêu thích dòng thiết bị âm thanh chất chứa hoài niệm.

Ngay khi bước vào quán cà phê Vườn Mai, thực khách đã cảm nhận được sự lắng đọng của thời gian trên 120 đầu băng cối, chủ yếu là thương hiệu Akai. Kể về mối nhân duyên kết nối niềm đam mê sưu tầm đầu băng cối, ông Hiền hồi nhớ: “Khoảng năm 1984-1985, tôi đang học cấp III ở An Nhơn, Bình Định. Trong một lần đến nhà thầy chủ nhiệm chơi, tôi đã nhìn thấy và được nghe âm thanh rất hay, vô cùng thu hút từ đầu máy Akai. Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đó, ca sĩ Bảo Yến rất nổi tiếng. Cho đến năm 2018, khi bắt đầu sưu tầm đầu băng cối, tôi liên lạc với thầy để xin phép mua lại đầu máy đó nhưng tiếc là gia đình đã bán từ lâu rồi”.

Bộ sưu tập các dòng máy đầu băng cối Akai của ông Võ Văn Hiền có gần đủ các model sản xuất từ thập niên 60, 70, 80. Ảnh: S.C

Bộ sưu tập các dòng máy đầu băng cối Akai của ông Võ Văn Hiền có gần đủ các model sản xuất từ thập niên 60, 70, 80. Ảnh: S.C

Thế giới âm thanh, thiết bị điện tử cổ điển vốn dĩ rất rộng lớn và đa dạng về chủng loại, phân khúc. Khi đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử phát triển các dòng máy, ông Hiền tập trung sưu tầm đầu băng cối Akai-một thương hiệu nổi tiếng ra đời năm 1929 tại Tokyo, Nhật Bản. Trong hơn 8 thập kỷ phát triển, Akai đã khẳng định được vai trò của nhà sản xuất có tầm nhìn và đổi mới hàng đầu cho thiết bị điện tử tiêu dùng với các sản phẩm nổi bật. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Akai đã áp dụng các công nghệ “cross-field” của Tandberg (sử dụng đầu băng phụ) để tăng cường ghi âm tần số cao và chuyển sang đầu từ sắt và đầu từ thủy tinh (Xtal, GX) vài năm sau đó. Các sản phẩm phổ biến nhất của Akai có thể kể đến như: GX-630D, GX-635D, GX-747/GX-747DBX và GX-77 (sau này có chức năng tải tự động), 3 đầu từ, close-loop GX-F95, GX-90, GX-F91, GX-R99, băng cassette và các amplifiers AM-U61, AM-U7 và AM-93.

Với mong muốn đưa đầu băng cối Akai về với người yêu mến âm thanh hoài cổ ở phố núi Pleiku, trong 6 năm, ông Hiền đã sưu tập bộ đầu băng cối Akai được giới chơi âm thanh analog đánh giá cao về yếu tố chất lượng lẫn giá trị. Chưa dừng lại ở đó, hành trình sưu tầm càng về sau càng tăng mức độ khó, thôi thúc bản thân ông phải tìm mọi cách đưa được một số dòng máy, seri máy Akai còn thiếu để hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong hệ thống sưu tập.

Ông tâm sự: “Để sở hữu những dòng máy Akai sản xuất từ thập niên 60, 70 trở về trước thực sự không hề dễ dàng bởi có một số seri gần như vắng bóng trên thị trường. Vì vậy, việc tìm kiếm kéo dài trong vài năm. Tôi gần như có đủ bộ model Akai 1700, 1710, 1710W, 1721L, 1721W, 1722W, 1722III. Hiện tại, tôi đang tìm kiếm Akai 1710L, 1720L, thậm chí in sẵn tên cho bộ sưu tập và đặt hàng gần 3 năm mà vẫn chưa tìm ra”.

Không chỉ sưu tầm các dòng máy sản xuất theo phương thức lũy tiến (Akai M-7, M-8, M-9, M-10); các dòng phổ biến (Akai GX-630DB, GX-630D, GX-630D-SS) hay bám sát theo seri như X-100D, X-150D, X-165D, X-200D, X-201D; ông Hiền còn bổ sung vào bộ sưu tập Akai các cặp máy phân loại độc đáo theo màu sắc như bộ đôi Akai GX 400D-SS mắt vàng và mắt ngọc; bộ đôi Akai 747 dbx màu đen và màu trắng kem sản xuất năm 1980. Ngay khi đã sở hữu Akai X355 thì tâm trí ông lại thôi thúc tìm cho bằng được Akai X355D để đủ bộ đôi tự hành và đầu không tự hành (đầu câm). Ngoài ra, ông Hiền còn bổ sung vào bộ sưu tập thêm 12 đầu đĩa than, trong đó có 10 đầu đĩa than tự hành và 2 đầu đĩa than không tự hành (đầu câm).

Thế giới âm thanh nhuốm màu thời gian

Khác với âm thanh kỹ thuật số digital audio, âm thanh analog đã có từ lâu đời, được lưu trữ dưới dạng băng cối, băng cassette, đĩa than. Mặc dù trải qua 50-60 năm nhưng hầu hết đầu băng cối Akai ở quán cà phê Vườn Mai vẫn hoạt động với chất lượng âm thanh chân thực, mộc mạc, dễ đi vào lòng người nghe, đặc biệt là thế hệ 6X, 7X.

Khác với âm thanh kỹ thuật số digital audio, âm thanh analog đã có từ lâu đời, được lưu trữ dưới dạng băng cối, băng cassette, đĩa than. Ảnh: S.C

Khác với âm thanh kỹ thuật số digital audio, âm thanh analog đã có từ lâu đời, được lưu trữ dưới dạng băng cối, băng cassette, đĩa than. Ảnh: S.C

Vừa tận hưởng không gian yên bình, vừa trải lòng theo tiếng nhạc xưa dìu dặt, ông Hồ Văn Sơn (SN 1964, trú tại số 435 Hùng Vương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thời trước, nhà nào có được đầu máy Akai là thuộc dạng có điều kiện vì giá trị quy đổi tính bằng mấy cây vàng. Tôi còn nhớ, tại Khách sạn số 1 thuộc Công ty Ăn uống Gia Lai-Kon Tum (bây giờ là Khách sạn Hùng Vương), một khách sạn lớn thời đó mà chỉ có 1 đầu máy Akai đặt tại quầy cà phê”. Yêu mến không gian đậm chất đời sống văn hóa xưa, yêu mến âm thanh hoài cổ nên mỗi khi có bạn hữu, khách quý phương xa đến Pleiku, ông Sơn đều mời đến thưởng thức, tham quan bộ sưu tập đầu băng cối Akai tại quán Vườn Mai.

Ông Võ Văn Hiền-Chủ quán cà phê Vườn Mai: “Không phải ai cũng đồng điệu thấu hiểu những giá trị bên trong của thế giới âm thanh cổ điển này. Nhưng với niềm đam mê của mình, tôi vẫn sẽ tiếp tục vượt qua những áp lực, trở ngại để hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong bộ sưu tập Akai”.

Sinh ra và lớn lên ở Pleiku, từ thuở niên thiếu đến khi trưởng thành, ông Lê Đình Hiệp (SN 1970, trú tại số 42/2 Hai Bà Trưng) luôn khắc ghi những kỷ niệm khó quên một thời đầu băng cối. Ông tâm sự: “Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, gia đình tôi đã có đầu máy Akai. Ba tôi rất mê nhạc nên gần như ngày nào cũng mở nghe. Đến thập niên 80, gia đình tôi mở quán cà phê Phượng, quán Kơnia trên đường Hùng Vương, đầu máy Akai giữ vai trò giải trí cho quán. Thanh niên thời đó muốn nghe nhạc thì phải tới quán cà phê”. Từ những trải nghiệm cá nhân, ông Hiệp cho rằng ngay bản thân các thiết bị phát nhạc Akai đã có chất lượng tốt rồi. Cùng với đó, cọng băng lớn hơn băng cassette, chất lượng băng từ xịn nên âm thanh hay. Có điều ngày trước, người chơi Akai gặp khó khăn vì thiếu hụt nguồn băng nội địa, bộ phận đầu từ, motor khi hư hỏng thì không có linh kiện để thay thế sửa chữa. Thậm chí, có giai đoạn, người chơi Akai còn xẻ cọng băng cối ra làm 2 để tận dụng làm băng cassette.

Trong vòng quay của cuộc sống hiện đại, đôi lúc, người ta có mong muốn được sống chậm lại, dù chỉ trong giây lát. Đối với những người yêu mến âm thanh hoài cổ, sự hiện hữu bộ sưu tập đầu băng cối Akai của ông Hiền không chỉ góp phần lưu giữ một phần ký ức đẹp trong đời sống tinh thần của họ mà hơn hết, bộ sưu tập thiết bị âm nhạc được trưng bày trong không gian đậm chất văn hóa như một trạm dừng chân kết nối các thế hệ. Trò chuyện cùng P.V, ông Trần Quang Trường-Chủ cửa hàng điện tử Trường Sơn (47 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) chia sẻ: “Ở góc độ người chơi đầu băng cối, tôi nhận thấy không nhiều người có được bộ sưu tập quy mô, chất lượng tập trung gần đủ các seri thương hiệu Akai như của ông Hiền. Một số người bạn được tôi đưa đến tham quan, họ đánh giá cao sự đầu tư bài bản, chất lượng, giá trị của bộ sưu tập. Bởi vì sưu tầm đầu băng cối Akai phải thực sự đam mê mới dám đầu tư tiền bạc, công sức, trí tuệ để xây dựng bộ sưu tập bài bản, đặt để ở không gian phù hợp, lan tỏa niềm yêu thích đến những người cùng sở thích”.

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
“Đánh thức” An Phú

“Đánh thức” An Phú

(GLO)- An Phú là cửa ngõ phía Đông của TP. Pleiku với tên đất, tên người thân quen gắn với bao đời. Tạo hóa ưu ái ban tặng cho vùng ven đô hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan hữu tình; đồng thời cũng là nơi in dấu những trầm tích văn hóa lịch sử.

“Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ

“Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ

(GLO)- Vì cảm cái dễ thương của đất và người phố núi, họa sĩ Đinh Nhật Tân đem lòng thương mến nơi này ngay lần đầu gặp gỡ. Chút tình “để nhớ để thương” của người nghệ sĩ đọng lại trong không gian của Lem coffee (169 Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku) ở gần “mắt ngọc” Biển Hồ.
Đưa phong trào trồng cây thành nét đẹp văn hóa

Đưa phong trào trồng cây thành nét đẹp văn hóa

(GLO)- Để giữ màu xanh buôn làng, nhiều người ở Gia Lai đã thầm lặng gìn giữ và trồng thêm thật nhiều cây trên khắp các con đường, ngõ nhỏ. Họ đã góp phần đưa phong trào trồng cây trở thành nét đẹp văn hóa và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Đổi thay làng Têng 1

Đổi thay làng Têng 1

(GLO)- Nhờ sự chung sức của hệ thống chính trị và người dân, làng Têng 1 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) không ngừng đổi thay, khởi sắc. Hiện nay, làng đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống của bà con ngày càng ấm no.

Pleiku đầu tư nguồn lực xây dựng phố xanh, hè thoáng

Pleiku đầu tư nguồn lực xây dựng phố xanh, hè thoáng

(GLO)- Bên cạnh huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cũng tranh thủ sự đồng thuận của người dân để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Nhờ đó, phố phường thêm sáng-xanh-sạch-đẹp và hướng đến đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Trạm sách 5S kết nối những người thích đọc

Trạm sách 5S kết nối những người thích đọc

(GLO)- Với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người, anh Vũ Văn Tuyền (SN 1989) đã xây dựng Trạm sách 5S tại số 79A đường Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế, TP. Pleiku. Trạm mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trở thành điểm đến kết nối những người thích đọc sách.
Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

(GLO)- Từ lâu, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách khi đặt chân đến Gia Lai. Riêng tôi, mỗi lần có dịp về lại Pleiku-nơi gắn bó trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, thế nào cũng ghé thăm ngôi làng văn hóa du lịch này cùng bao kỳ vọng.
Món ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

E-magazineMón ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

(GLO)- Trải nghiệm ẩm thực đặc trưng địa phương là phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của mỗi người. Tại Pleiku, du khách có thể thưởng thức những món ăn “gây thương nhớ” đã tồn tại qua nhiều thập kỷ gắn liền với nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất này.