Ôm nợ vì đăng ký xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục lao động trên địa bàn H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) nộp hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên sau 12 năm, họ vẫn mòn mỏi đợi chờ ngày xuất ngoại, còn số tiền đã nộp thì không thể lấy lại.
Xuất ngoại làm… con nợ
Năm 2010, Công ty LEESCO (trụ sở tại Thanh Hóa) được Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum giới thiệu vào địa bàn H.Tu Mơ Rông tuyển công nhân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Malaysia. Thấy vậy, bà Y Sơn (53 tuổi, ở xã Đăk Tờ Kan) đã đứng ra vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội H.Tu Mơ Rông cho người con trai là A Vah (32 tuổi) đi XKLĐ với mong muốn thoát nghèo.

Bà Y Sơn vay tiền ngân hàng cho con đi XKLĐ để đổi đời nhưng rồi ôm nợ. Ảnh: Đức Nhật
Bà Y Sơn vay tiền ngân hàng cho con đi XKLĐ để đổi đời nhưng rồi ôm nợ. Ảnh: Đức Nhật
Theo bà Sơn, khi vào tuyển lao động, Công ty LEESCO hứa hẹn khi ra nước ngoài sẽ được trả lương cao, hằng tháng sẽ có tiền gửi về cho gia đình. “Con trai tôi khi đó mới 20 tuổi, không có việc làm nên gia đình mong muốn cho con đi để phát triển kinh tế. Ai muốn đi phải nộp cho công ty 20 triệu đồng làm thủ tục. Nhà nghèo, không có tiền để con đi XKLĐ nên gia đình tôi phải vay ngân hàng”, bà Y Sơn kể.
Đóng tiền xong, A Vah được đi ra Thanh Hóa học ngoại ngữ 1 tháng thì bà Y Sơn nhận được thông báo gửi thêm 500.000 đồng để đón con về chờ thông báo tiếp theo. Đến nay, 12 năm đã trôi qua, con trai bà Sơn vẫn chưa được gọi đi làm. Số tiền đã nộp cho Công ty LEESCO cũng không được trả lại.
Trong số những người dân đăng ký XKLĐ, có anh A Thúi (ở thôn Đăk Prông, xã Đăk Tờ Kan) là “may mắn” được đi máy bay sang Malaysia để XKLĐ. Những tưởng sẽ kiếm được tiền nơi đất khách, thì anh A Thúi lại bước chân vào bi kịch. Anh A Thúi kể lại sau khi đặt chân xuống sân bay Malaysia, anh không hề được công ty đón tiếp như lời hứa. Anh Thúi cũng chẳng biết vì nguyên nhân gì mà mình liền bị cảnh sát Malaysia bắt giữ. Sau đó, có một người Việt làm trong công ty trên đã gọi điện yêu cầu gia đình gửi 7 triệu đồng để giải cứu A Thúi.
“Họ gọi cho già làng, sau đó già làng yêu cầu anh trai tôi ra ngân hàng để gửi tiền chuộc tôi về. Tất cả khoản tiền là do mẹ tôi đứng ra vay, giờ đây bà đã mất, nhưng khoản nợ vẫn chưa trả được. Anh em tôi không có khả năng trả, nên chỉ biết nhờ cậy chính quyền địa phương đòi giúp”, anh A Thúi nói.
Hỗ trợ người dân khởi kiện
Ông Hoàng Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, cho biết Công ty LEESCO không thực hiện đúng cam kết và không hoàn trả số tiền cho người dân, khiến nhiều gia đình phải ôm nợ ngân hàng.
“Mới đây, tôi cùng đại diện các hộ dân, cùng lãnh đạo các phòng liên quan của huyện đi ra TAND tỉnh Thanh Hóa để giải quyết. Nhưng ra đó lại không được việc gì, bên phía TAND tỉnh Thanh Hóa thông báo chưa củng cố được hồ sơ, chỉ hướng dẫn các thủ tục hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện”, ông Thắng cho biết thêm.
Còn ông Phạm Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho hay trên địa bàn huyện có 15 công dân ở xã Đăk Tờ Kan và xã Đăk Na bị mất tiền sau khi đăng ký XKLĐ do Công ty LEESCO tuyển dụng. Thời điểm này, công ty trên được tỉnh giới thiệu đến địa phương tuyển dụng lao động. Nhưng do không thỏa thuận được với nơi sử dụng lao động ở Malaysia nên không đưa lao động đi được.
Về hướng xử lý, ông Quang cho biết huyện đang hỗ trợ người dân khởi kiện Công ty LEESCO ra tòa. Tuy nhiên, việc khởi kiện gặp nhiều khó khăn do vụ việc liên quan nhiều người, người dân phải di chuyển ra Thanh Hóa để tham dự phiên tòa. Ngoài ra Công ty LEESCO cũng nhiều lần tìm cách vắng mặt, thoái thác.
“Vừa qua, UBND huyện đã hỗ trợ 40 triệu đồng để đại diện lãnh đạo xã, Phòng LĐ-TB-XH huyện cùng đại diện 15 hộ dân ra Thanh Hóa giải quyết. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc”, ông Quang nói.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.