Xã Xuân An có nhiều hồ, ao, trong đó, hồ thủy điện An Khê có nguồn nước ổn định. Tận dụng nguồn nước dồi dào, nhiều hộ dân đã phát triển nghề nuôi thủy sản, mang lại thu nhập ổn định. Trên cơ sở phân tích lợi thế, tháng 5-2023, Hội Nông dân xã Xuân An triển khai mô hình nuôi cá chạch trên địa bàn. Hội phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chạch cho hội viên nông dân có nhu cầu.
Sau khi tham gia lớp tập huấn và tham khảo kiến thức nuôi cá chạch từ sách báo, mô hình thực tế, tháng 6-2023, ông Nguyễn Hùng Hiệu xây dựng 9 bể nuôi có kích thước dài 8 m, rộng 2 m, sâu 50-70 cm, phần đáy lót bạt giữ nước rồi mua 10.000 con chạch sụn giống về thả. Để tìm hiểu cá chạch nuôi trong môi trường tự nhiên với nuôi trong bể lót khác nhau ra sao, ông thả 3.000 con chạch xuống ao, số còn lại nuôi trong bể lót bạt.
Vợ chồng ông Nguyễn Hùng Hiệu (thôn An Xuân 3, xã Xuân An, thị xã An Khê) bắt cá chạch sụn để bán. Ảnh: N.M |
Sau khi quan sát, ông Hiệu nhận thấy, chạch nuôi trong ao tự nhiên ăn sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ có thể 2-3 ngày mới phải cho ăn. Tuy nhiên, nuôi chạch trong ao khó quản lý, khó đánh bắt và thất thoát nhiều. Còn chạch nuôi trong bể lót bạt phải thường xuyên thay nước, nhất là vào mùa nắng nóng tảo sinh sôi, phát triển nhanh thì 3-4 ngày phải thay nước 1 lần. Nhưng nuôi trong bể lót thì dễ dàng theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của chạch, kịp thời phát hiện nấm bệnh gây hại và thu hoạch thuận lợi, tỷ lệ hao hụt thấp.
Để khắc phục những hạn chế khi nuôi chạch trong bể lót bạt, ông Hiệu tìm cách bổ sung một số khoáng chất để nước giống với môi trường tự nhiên, cân bằng độ pH và thả bèo cái vào bể nhằm tạo bóng mát, giúp chạch có chỗ ẩn nấp, hạn chế dịch bệnh lây lan. “Cá chạch thường mắc bệnh đầy hơi gây phình bụng do ăn quá no và bệnh nấm mang làm khả năng hấp thụ oxy kém, chậm lớn. Do đó, phải sử dụng nguồn nước sạch, môi trường nuôi thả đảm bảo thoáng đãng để chạch sinh trưởng và phát triển ổn định”-ông Hiệu chia sẻ.
Theo ông Hiệu, cá chạch giống mua về nuôi ươm khoảng 1 tháng sau đó lần lượt tách dần ra cho vào các bể nuôi theo từng độ tuổi. Với cá chạch lớn, ông Hiệu nuôi 200 con/m2, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn với lượng thức ăn vừa đủ. Thức ăn là cám tổng hợp và một số loại trái cây như chuối, đu đủ, bầu, bí. Nuôi 4-6 tháng, cá chạch đạt trọng lượng 20-30 con/kg là có thể xuất bán.
“Cá chạch thương phẩm được gia đình bán cho người dân và một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã với giá 100-120 ngàn đồng/kg. Cá chạch sụn có xương mềm, khi kho, chiên, nướng thịt dai, ngọt thơm chẳng thua kém nuôi trong tự nhiên, được người tiêu dùng đánh giá ngon tựa cá đá sông Ba. Do nuôi số lượng có hạn nên nhiều khi không đủ bán. Sắp tới, tôi xây thêm bể để mở rộng mô hình nuôi cá chạch sụn”-ông Hiệu thông tin.
Nuôi 4-6 tháng, cá chạch đạt trọng lượng 20-30 con/kg có thể xuất bán, giá bán 100-120 ngàn đồng/kg. Ảnh: Ngọc Minh |
Đầu tháng 2 vừa qua, anh Cao Minh Diện cũng mua 30.000 con cá chạch sụn giống và chia đều ra 2 bể lót bạt để nuôi. Ngoài cám tổng hợp và củ, quả, anh Diện còn cho chạch ăn trùn quế nên chúng khỏe mạnh, mau lớn.
“Cá chạch là loài ăn tạp nên tôi đa dạng thức ăn cho chúng bằng các loại nông sản có sẵn trên địa bàn, giảm bớt chi phí mua thức ăn. Ngoài thức ăn, tôi chú trọng đến nguồn nước nuôi thả. Tôi chỉ lấy nước từ hồ thủy điện An Khê vào bể nuôi hoặc bơm nước giếng đã qua xử lý. So với một số mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã, nuôi cá chạch có mức đầu tư ban đầu không lớn, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không mất nhiều thời gian chăm nom và không đòi hỏi diện tích lớn. Tôi thấy mô hình nuôi cá chạch rất có triển vọng”-anh Diện bộc bạch.
Đánh giá về mô hình nuôi cá chạch sụn trên địa bàn, bà Đặng Thị Thúy Đào-Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An-cho biết: “Đến nay, xã có 10 hộ tham gia mô hình nuôi cá chạch sụn. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với trình độ người nuôi và hộ có ít đất sản xuất. Hội tiếp tục theo dõi hỗ trợ những hộ nuôi chạch về kỹ thuật; tổ chức cho hội viên nông dân có nhu cầu tham quan học hỏi để nhân rộng mô hình, phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn”.