Nước mắt Tà Dơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đặt chân đến Tà Dơ tôi thật sự đắng lòng trước những cảnh đời khốn khổ ngoài sức tưởng tượng.
Những túp lều tạm bợ ở xóm Việt kiều Campuchia ẢNH: QUANG VIÊN
Những túp lều tạm bợ ở xóm Việt kiều Campuchia ẢNH: QUANG VIÊN
Mùa mưa này tôi đến Tà Dơ. Xóm Việt kiều Campuchia nằm heo hút ở cuối đoạn đường đất đỏ, ngay mép bờ hồ Dầu Tiếng thuộc xã Tân Thành, H.Tân Châu, Tây Ninh. Cơn mưa bất chợt đổ xuống, Tà Dơ càng thêm hắt hiu.
Cám cảnh an cư
Nghe nói xóm Việt kiều Campuchia này nghèo lắm, nhưng trước khi đến đây, tôi không thể hình dung họ nghèo mà có lẽ dùng câu “không bút mực nào tả hết” là đúng nhất. Những em bé tóc cháy vàng, da đen nhẻm, miệng cười toe, đón chúng tôi ngay từ ngoài đường. Đó là thói quen của chúng, vì chúng nghĩ người lạ đến sẽ có quà. Chúng tranh nhau dắt tôi về nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất đó là những túp lều tạm bợ, xiêu vẹo, rách nát, diện tích chỉ chừng 5 - 10 m2. Cừ tràm được dùng để chống đỡ và nâng túp lều lên cao như nhà sàn để phòng khi nước dâng cao.
Túp lều đầu tiên tôi đến là của cụ Lê Thị Hoàng (70 tuổi) chừng 5 m2. Ngồi trên những căn lều tạm bợ này, nghe từng cơn gió từ hồ Dầu Tiếng thốc vào, tôi thấy rờn rợn trong người. Đây chỉ mới là những cơn gió lành mà những căn lều kia còn rung bần bật, nếu gặp gió dữ, lốc xoáy thì làm sao? Cụ Hoàng bảo: “Gió thì có nhằm nhò gì chú. Dân ở đây khổ nhứt là nước lớn. Nhà nào có ghe hay chuẩn bị được bè ghép từ những thùng xốp thì lên đó mà vô bờ. Ai không có bè, có ghe thì bơi, thì lội”. Ngồi trong căn lều xiêu vẹo, chị Nguyễn Thị Ly (35 tuổi) dõi đôi mắt buồn xa xăm, tâm sự: “Chồng em đi làm thợ hồ mấy tuần rồi chưa về. Ổng ráng kiếm tiền về mua cây sửa lại nhà”. Còn vợ chồng chị Xuyến, anh Chiến và hai đứa con sống trong chiếc thuyền gỗ cũ nát được kéo lên bờ rồi chằng trên, chống dưới, che quanh... thành nhà.
Căn lều này là nơi sinh sống của 8 người trong gia đình
Căn lều này là nơi sinh sống của 8 người trong gia đình
Nếu không có tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, thì cuộc sống của người dân xóm Việt kiều Campuchia chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 5 km này hắt hiu như ở rừng sâu, núi thẳm. Cả xóm tìm đỏ mắt mới thấy vài chiếc ti vi từ thời “cổ lai hy”. Điện cũng le lói. Nhiều người không dám xài điện vì chẳng có tiền để trả. Với họ, có điện thắp sáng vừa chiếc bóng đèn, nấu nồi cơm và cắm chiếc quạt và trả nổi 150.000 tiền điện mỗi tháng là sang lắm rồi. Trưởng ấp Tà Dơ, Nguyễn Văn Tha (tên thường gọi là Mười Tha) cho biết: “Chỉ có mười mấy hộ được cung cấp điện, những hộ còn lại muốn sử dụng điện thì câu ké. Nước sinh hoạt cho cả xóm được bơm từ giếng khoan lên chiếc bồn chứa”. Nhưng có như vậy cũng sướng lắm rồi. Trước đây, dân trong xóm xài toàn nước hồ. Thậm chí, ngay bây giờ vẫn còn nhiều người tắm giặt... bằng nước hồ tự nhiên đó. Điều đáng ngại là hồ cũng là nhà vệ sinh “công cộng” của rất nhiều hộ dân.
Xót lòng chuyện lạc nghiệp
Hai mẹ con người phụ nữ này người thì chồng mất, người thì chồng bỏ đi
Hai mẹ con người phụ nữ này người thì chồng mất, người thì chồng bỏ đi
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó công an xã Tân Thành, trước đây xóm Việt kiều này có 301 hộ. Nhưng đến nay, 175 hộ đã được chính quyền di dời đến khu tái định cư Đồng Kèn 2, có cuộc sống ổn định hơn. Số hộ còn lại bám trụ ấp Tà Dơ thì cuộc sống nghèo khó, bấp bênh.
Hầu hết những người về ấp Tà Dơ đã từng sống tại Biển Hồ Campuchia, quen nghề chài lưới. Song khi về đây, nhiều người đã trắng tay không mua nổi chiếc ghe 5 - 10 triệu đồng để làm nghề. “Những năm gần đây tôm cá ở hồ Dầu Tiếng cũng cạn kiệt không dễ đánh bắt”, anh Mười Tha chia sẻ. Tôi hỏi mấy người có nghề đánh cá ở đây cũng đều nhận được cái thở dài ngao ngán. Họ cho biết, đi một đêm trúng quả thì được chừng trên dưới 100.000 đồng. Còn chuyện về tay không cũng là thường. Có khi còn đi tong một tấm lưới vì cây dưới lòng hồ. Ngoài nghề chài lưới, những người đàn ông còn khỏe mạnh đi làm thợ hồ, nhổ khoai mì, cạo mủ cao su... ở các địa phương khác, nhưng thu nhập thấp, bấp bênh. Một số người cùng trẻ em đi bán vé số. Bố con anh Chiến, mỗi ngày đi từ sáng đến tối mịt mới về, bán được vài trăm tấm vé số là vui như tết rồi.
Cụ Hoàng ngậm ngùi kể: “Tôi sống ở Biển Hồ, Campuchia từ nhỏ tới lớn. Chồng chết, phải sống nhờ vào những người cháu. Đến năm 2016, đứa cháu đánh cá trên Biển Hồ bị bắt và đi tù. Bán hết gia sản chuộc được cháu ra, 7 bà cháu về đây vì ở lại Campuchia thì không còn mần ăn gì được nữa. Về VN, đứa cháu lớn nhất đi làm mướn, nhưng thu nhập chẳng thấm tháp gì nên phải chạy cơm từng bữa”.
Chiếc ghe cũ nát trở thành nhà của chị Xuyến
Chiếc ghe cũ nát trở thành nhà của chị Xuyến
Khi tôi còn ngồi ở nhà cụ Hoàng thì nhiều người kéo đến để trút bầu tâm sự. Ai cũng bắt đầu bằng một câu “khổ quá chú ơi” và rơm rớm nước mắt. Ông Bùi Văn Hoành cùng gia đình sống ở Biển Hồ từ năm 1975, đến năm 2017 dắt díu về Tà Dơ tìm kế sinh nhai. Nhưng ông Hoành bị tai biến 5 năm rồi nên không làm gì được. Bà Ban, vợ ông Hoành nghẹn ngào: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa chú ơi! Ổng bệnh, tui sức khỏe yếu, lại phải chăm cháu nên không làm được gì hết. Bây giờ chỉ biết sống trông chờ vào cứu trợ”.
Nhưng chuyện sống nhờ tiền cứu trợ tôi nghe kể lại càng thêm đắng chát. Hỏi 10 người thì hơn 11 người “níu áo” tôi để giãi bày: Trước đây nhiều tổ chức, cá nhân đến trực tiếp phát quà thì bà con khá “dễ thở”. Từ khi chính quyền buộc quà từ thiện phải quy về một mối là UBND huyện để người ta “điều phối” thì quà đến tay của người dân không còn được so với trước. Họ còn kể với tôi, có những nhà hảo tâm đến thẳng cho tiền mà vừa phát vừa run vì sợ bị chính quyền làm khó dễ. Tôi lên tận xã hỏi trưởng công xã là đại úy Ngô Minh Đắc chuyện này. Anh trả lời đại ý: Các tổ chức từ thiện đến phát quà mà không thông qua chính quyền thì biết họ cho cái gì và món quà đó có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không... Vâng, cứ coi là anh nói có lý, nhưng không lẽ tiền thì cũng cần “đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”? (còn tiếp)
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.