(GLO)- Nhiều người quan niệm, cuộc đời là những chuyến đi. Cách nói này rất phù hợp với nữ phượt thủ Nguyễn Thị Mỹ Lệ (39 Lê Hồng Phong, phường Diên Hồng, TP. Pleiku). Chỉ sau 4 năm làm quen với môn xe đạp thể thao, chị cùng với chú “ngựa sắt” của mình đã in dấu trên quãng đường gần 7.000 km, từ trong cho tới tận ngoài nước.
Miên man những chuyến đi
Là nữ phượt thủ thuộc dạng có số má trong làng xe đạp cả nước, thế nên để gặp được chị… rất khó. Nhiều lần bắt sóng xin cái hẹn, lúc thì chị bảo đang lên rừng, xuống biển, ra Bắc vào Nam, có lần đang tận Myanmar. Mới đây, sau lần trở về từ chuyến công tác thiện nguyện ra vùng rốn lũ Quảng Bình, chị em mới có dịp hàn huyên.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ trong chuyến công tác thiện nguyện tới Quảng Bình. Ảnh: M.V |
Chị kể, chị đến với xe đạp như cái duyên trời định và cho đến bây giờ phải nói lời cảm ơn với môn thể thao này. Bởi lẽ, hơn 10 năm về trước, chị chơi cầu lông cũng khá cừ. Một lần rướn đánh cầu quá đà, chị bị lệch đĩa đệm cột sống. Suốt một thời gian dài chạy chữa, thuốc thang khắp nơi, dùng nhiều biện pháp điều trị khác nhau nhưng không bớt. Với hy vọng “còn nước còn tát”, chị vào Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh thì được một bác sĩ người Mỹ đã hướng dẫn động tác nằm đạp xe để phục hồi đĩa đệm…
Với cái khó ló cái khôn. Nằm đạp xe khác mấy với đạp xe đạp truyền thống? Và rồi chị Mỹ Lệ về nhà, nảy sinh ý tưởng mua hẳn con “ngựa sắt”, mỗi sáng sớm đạp ra ngã ba Hoa Lư hít thở không khí trong lành, vừa chữa bệnh, vừa nâng cao sức khỏe, rồi vòng về nhà chuẩn bị cho ngày mới. Vạn sự khởi đầu nan, sau đó chị cùng “ngựa sắt” của mình quyết định tăng dần độ dài quãng đường, dần dà ra tới Biển Hồ, lên Chư Pah, xuống Đak Đoa, Bàu Cạn, Chư Sê, Kon Tum, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột…
Để thử sức mình, đầu năm 2013, chị Lệ tham gia chương trình “Vòng quay mùa Xuân”, đạp xe từ TP. Hồ Chí Minh vòng qua tất cả các tỉnh ở miền Tây rồi đến Cà Mau, với cự ly 1.000 km. Ngày 30-4-2015, thông qua diễn đàn xe đạp cả nước, chị cùng một số đồng môn thực hiện hành trình xuất ngoại đầu tiên, từ Tây Ninh qua Campuchia và cán đích ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) với tổng thời gian 8 ngày đêm, cự ly trên 1.000 km. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2016, chị Mỹ Lệ kết hợp với các phượt thủ khác đến từ Lào, Campuchia và Thái Lan, tất cả hội tụ tại Myanmar rồi đạp xe qua nhiều tỉnh, thành phố nước bạn…
Phụ nữ thường được xem là phái yếu, nhưng để chứng minh không phải ai cũng… “yếu”, mùng 5 Tết Bính Thân, một mình chị sắm vai “lữ khách độc hành”, đạp xe từ Quy Nhơn vào tới tận TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày 200 km.
Để trị con “ngựa sắt” như trên, phải có “người đàn bà thép”. Mặc dù năm nay đã 53 tuổi, nhưng những yếu tố như quãng đường, thời tiết và những va đập trên từng cung đường… bây giờ đã không còn là vấn đề với nữ phượt thủ này. “Đi phượt, không bị áp lực về thành tích, trung bình mỗi giờ 20 km, lúc xuôi gió có thể lên tới 40 km/giờ, mỗi ngày đi qua một tỉnh, thích đâu nghỉ đó và kết hợp tham quan du lịch. Nhờ đạp xe, đến nay bệnh lệch đĩa đệm đã được chữa khỏi, đi đến địa phương nào cũng có bạn bè đồng môn ở đó. Bây giờ, mỗi ngày đạp xe là một niềm vui, không thể nào dứt ra được…”-chị Mỹ Lệ tâm sự.
Trở về từ rốn lũ Quảng Bình
Vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua, những phượt thủ trong cả nước đã quyên góp được gần 300 triệu đồng thông qua chương trình “Đạp xe kết nối, thương về miền Trung” để ủng hộ đồng bào Quảng Bình bị lũ lụt.
Từ Pleiku, chị Mỹ Lệ cùng với các phượt thủ ở các địa phương khác đạp xe, đi thuyền, trèo đèo, lội suối ra tận bản Rào Con (huyện Bố Trạch) và xã Thạch Hóa, Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa) của tỉnh Quảng Bình để trao tặng những phần quà đầy ý nghĩa cho bà con vùng lũ.
Sau 3 ngày làm công tác thiện nguyện tại Quảng Bình, trong chị đong đầy những kỷ niệm không thể nào quên về vùng đất này. Chị kể, sau nhiều ngày mưa như thác đổ, bầu trời Quảng Bình trở nắng. Ngày đầu đặt chân tới TP. Đồng Hới, lần đầu tiên chị mới thấu hiểu như thế nào là “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, trong bài Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu.
Ngày hôm sau cả đoàn đi bộ, băng rừng với quãng đường 9 km để đến bản Rào Con, tặng quà cho 54 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Để đến được nơi đây, không ít người bị vắt cắn. Ngày cuối, cả đoàn đến với bà con ở bản Nước Đắng và bản Hôi Ráy, mọi người phải ngồi xuồng với 6 tiếng đồng hồ đi về. Trên đường đi, mưa to gió lớn, nước chảy xiết, lại qua nhiều thác ghềnh, không ít lần thuyền gặp trục trặc. “Mặc dù ai cũng biết bơi và mặc áo phao trên người, nhưng những lần thuyền rung lắc dữ dội, chúng tôi chỉ còn biết cách cầu nguyện, mong được an toàn”-chị kể lại.
Đối với chị Mỹ Lệ, cuộc đời là những chuyến đi, nếu không đi được còn gì là đời. Riêng chuyến phượt tới Quảng Bình, đây là lần đi nguy hiểm nhất nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa nhất.
Minh Vỹ