Non nước Tràng An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 2 ngày ở Ninh Bình, chúng tôi không chỉ được thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này mà còn được chiêm bái những công trình kỳ vĩ do con người nơi đây dựng lên.

Đi trong mưa rừng Cúc Phương

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi ở Ninh Bình là rừng Cúc Phương. Đi trên con đường mòn ngập lá khô lẫn với bùn đất, chúng tôi nghe tiếng mưa rơi trên lá lách tách như tiếng nhạc. Mưa nhưng vẫn không ướt áo.

 

Phong cảnh Tràng An. Ảnh: internet
Phong cảnh Tràng An. Ảnh: internet

Qua hết rìa rừng với những vạt cỏ cao, những con đường mòn chất đầy xác lá, trước mắt chúng tôi hiện ra con dốc dựng đứng. Nhưng chúng tôi không kịp bận tâm chuyện leo dốc vì mắt đã bị thu hút bởi dòng chữ trên tấm bảng lớn: “Đến với thiên nhiên Cúc Phương, bạn không để lại gì ngoài những dấu chân. Bạn không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp. Bạn không giết gì ngoài thời gian. Thế là bạn đã cùng chúng tôi giữ gìn di sản thiên nhiên này”. Như được tiếp thêm sức mạnh, chúng tôi vững vàng bước tiếp.

Đi một đoạn đường dốc, băng qua chiếc cầu dài hơn 100 m, đến dãy núi đá vôi, lên tiếp cao độ 45 m, vượt qua hơn 200 bậc thang đá và sắt, chúng tôi đến Động Người Xưa. Động Người Xưa (Hang Đắng) là nơi cư trú và mộ táng của người tiền sử. Động tối, chúng tôi phải dùng pin. Động có ba ngăn, ngăn ngoài cùng rộng, sáng, thoáng. Các nhà khảo cổ học khẳng định con người đã sống tại nơi đây từ 7.000 đến 12.000 năm trước. Cảnh đây, người đã thành thiên cổ. Chút cảm xúc len lỏi vào, tự dưng rụt tay lại vì thấy run. Không! Không phải lạnh! Chắc vì “ngán” luật sinh-diệt của vũ trụ…

Men theo con đường mòn ngoằn ngoèo trong rừng già, chúng tôi tìm đến cây chò ngàn tuổi. Vừa đi vừa quan sát xung quanh, chúng tôi bị thu hút bởi tấm bảng có nội dung vô cùng sâu sắc, có giá trị giáo dục cao. Đó là tấm bảng vẽ một người đàn ông đang cầm súng hướng về một con thú và minh họa bằng phép tính 2-1=0. Chao ôi, một thông điệp hay đến vậy nhưng phải vào sâu trong rừng già mới thấy. Nhớ đến ngọn núi nơi chúng tôi đang sống với những mảng đất lở lói như da beo, cây rừng bị chặt đốt và thay vào đó là những đám mì, mía còn thú rừng thì khỏi nói, tìm mỏi mắt không thấy. Giá trước cửa mỗi cánh rừng người ta đều treo hai tấm biển như ở rừng Cúc Phương thì hay biết mấy. Vừa nghĩ, vừa bước tiếp... Trong một không gian vô cùng yên tĩnh, trước mắt chúng tôi là cây chò ngàn tuổi. Thân cây cao trên 50 m với ba nhánh, bộ rễ ngoằn ngoèo (có người bảo dây leo) nổi trên mặt đất quấn quanh gốc cây như một con trăn khổng lồ. Cây chò có hình thái đẹp, đường kính khoảng 5 m và chu vi chừng hai chục người ôm.

Đứng ở Động Người Xưa rồi dưới gốc chò ngàn tuổi, chúng tôi có cảm giác như mình đang về nguồn. Và chúng tôi nhớ lại một chi tiết, lúc soi đèn pin ở Động Người Xưa, chúng tôi nhìn thấy những bó hoa tươi trên mộ, bèn nghĩ ngay đến cô gái vào rừng từ sáng sớm. Đứng nhìn vẻ đẹp kỳ vĩ và linh thiêng của Cúc Phương, trong chúng tôi hiện lên ý niệm sơ khai về tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy, về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Sững sờ trước vẻ đẹp của Tràng An-Bái Đính

Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm quần thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tràng An-Bái Đính được kết nối bởi những khối núi đá vôi và những sông, hồ, đầm với diện tích lớn. Núi và nước làm nên Tràng An. Trên thì trời cao xanh, dưới thì nước trong xanh, xung quanh là núi đá vôi với những chòm cây gầy guộc mọc kiên cường trên đá. Thuyền lướt trên dòng nước xanh mát, cảnh rất tình, rất thơ.

Thuyền đưa chúng tôi qua những hang động. Tràng An là nơi có nhiều hang động xuyên thủy nhất Việt Nam, có hang dài tới 2 km. Hệ thống hang động nối tiếp nhau tạo thành một vòng tròn. Trong động, thạch nhũ lấp lánh. Cô chèo đò xinh xinh, tay khua chèo, miệng không ngưng giới thiệu với chúng tôi về các động. Dù áo mướt mồ hôi song cô vẫn cười nói mỗi khi thuyền vô động.

Tràng An có 48 hang động tất cả với các tên gọi gắn với nhiều câu chuyện: hang Nấu Rượu với tích người xưa lấy nước ở đây về nấu rượu thì rất nồng rất thơm; hang Ba Giọt với câu chuyện một cô gái vì tình duyên bị chia cắt, vào hang ngồi khóc… Và còn nhiều cái tên nữa: hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Seo, hang Quy Hậu…

Sơn thủy hữu tình là vẻ đẹp mà mẹ tạo hóa đã ưu đãi cho Ninh Bình-đó là vẻ đẹp mặc nhiên của vùng đất được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm kinh đô.

Điểm dừng của cuộc hành trình là chùa Bái Đính. Đây là một quần thể được biết đến với nhiều kỷ lục: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.

Kết thúc một ngày du ngoạn Tràng An-Bái Đính, chúng tôi thỏa thê vì được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình như bức tranh thủy mặc-núi, nước, cây, động giao thoa. Đặc biệt, đọng lại trong tôi là hình ảnh cô lái đò, nhỏ nhắn, mảnh dẻ. Với số tiền thù lao ít ỏi là 150 ngàn đồng, cô đưa 5 vị khách du qua các động, cuộc hành trình khép kín kéo dài 3 giờ đồng hồ. Một công việc vất vả nếu so với thu nhập của cô. Lưng áo đẫm mồ hôi, hai tay chèo liên tục, lát lại trở hai chân đạp. Anh bạn ngồi bên chúng tôi, dù bã cả chân vì những cấp dựng đứng khi leo lên đền Trần nhưng vẫn cầm chèo khua hộ cô gái nhỏ. Hình ảnh này làm tôi cực kỳ xúc động. Nếu trên đời này có cái gọi là nhân ái, thì đây chính là lòng nhân ái vậy.

Rời Ninh Bình, tôi thấy yêu hơn đất nước mình.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.