Nói giá xăng trong nước còn đang rẻ hơn một số nước chỉ là nguỵ biện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi khi bị điểm kém, các em học sinh thường tìm ngay được một người bạn nào đó có điểm thấp hơn mình để chứng minh mình vẫn là điểm cao, mình vẫn ổn. Đó là nguỵ biện. Cái cách mà Bộ Tài chính nói giá xăng Việt Nam dù liên tục tăng cao nhưng vẫn thấp hơn một số nước hệt như vậy.
Vừa qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển sang, phản ánh hiện nay, Bộ Tài chính áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao như: Thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít. Bốn loại thuế chiếm 38% giá xăng dầu. Chi phí khác như chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI cao.
Trả lời vấn đề này, trên trang web chính thức của mình, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. 
Bộ này viện dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Trong khi tại Việt Nam, giá xăng E5 RON92 bán ra trên thị trường trong nước ngày 7/2/2022 là 23.590 đồng/lít và xăng RON95 là 24.360 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).
Ngay sau đó, đến ngày 21/2, giá xăng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng cao nhất trong lịch sử, lên đến 26.287 đồng/lít (RON95).
Cách trả lời của Bộ Tài chính chỉ là nguỵ biện vì viện dẫn không hề đầy đủ. Việc lựa chọn quốc gia để so sánh như vậy là không thỏa đáng.
Theo bảng đánh giá trên chính trang Global Petrol Prices mà Bộ Tài chính viện dẫn, tại thời điểm ngày 22/02/2022, giá xăng của Việt Nam xếp thứ 104/168 quốc gia theo thứ tự từ đắt nhất đến rẻ nhất. Tức là giá xăng Việt Nam hiện tại cao hơn 64/168 nước. Có nhiều quốc gia có giá xăng rẻ hơn chúng ta cần phải được nêu tên như: Mỹ, Mông Cổ, Indonesia...

Ảnh chụp thống kê giá xăng trên trang Global Petrol Prices sáng ngày 24/02. Giá xăng Việt Nam đã cao hơn nhiều nước và vùng lãnh thổ như Campuchia, Đài Loan...
Ảnh chụp thống kê giá xăng trên trang Global Petrol Prices sáng ngày 24/02. Giá xăng Việt Nam đã cao hơn nhiều nước và vùng lãnh thổ như Campuchia, Đài Loan...
Giống hệt như một học sinh bị điểm kém, Bộ Tài chính đã tìm ngay ra được các quốc gia có giá xăng đắt hơn mình để "an ủi" rằng giá xăng của chúng ta vẫn còn rẻ chán.
Trong một sự logic rất "thị trường", giá xăng trong nước còn rẻ thì còn có thể tăng giá trong tương lai.
Chưa rõ Bộ Tài chính có sẽ tiếp tục để xăng tăng giá nữa hay không nhưng cách trả lời của Bộ này thực sự khiến người dân lo lắng. Giá xăng tăng dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa tăng, đương nhiên kéo theo giá cả thị trường cũng tăng. Cuối cùng, gánh nặng vẫn là người dân. Mọi mặt hàng đều tăng giá, chỉ trừ lương là không thay đổi.
Vai trò của Bộ Tài chính là quản lý về giá, là điều tiết giá cả thị trường để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Các thắc mắc mà Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đưa ra về giá xăng là mang theo cả kỳ vọng về sự quản lý điều hành, đưa ra giải pháp để bình ổn giá xăng, chứ không phải đợi chờ một lí do để hợp lí hóa chuyện giá xăng tăng cao kỉ lục. 
Vừa rồi, giá xăng tăng 4 lần liên tiếp trong vòng 2 tháng mà không hề thấy Bộ Tài chính có phương án gì để xử lý. Nếu chỉ nêu lí do là giá xăng tăng theo thị trường thế giới thì câu hỏi đặt ra là vai trò của Bộ Tài chính ở đâu? Cũng đã có những lần giá xăng thế giới giảm mà giá xăng trong nước có giảm đâu? Một khi Bộ Tài chính đã đánh mất vai trò điều tiết của mình thì trong thời gian ngắn tới, chắc chắn giá xăng sẽ lại tăng vì "chúng ta vẫn rẻ hơn nhiều nước".
Ở một diễn biến khác, ngay khi có điều chỉnh tăng giá xăng từ Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã ngay lập tức có văn bản xin ý kiến về việc bán đấu giá hơn 101 triệu lít xăng RON92 thuộc danh mục tài sản quốc gia.
Khi Bộ Tài chính còn đang loay hoay với giá xăng kỉ lục trong nước mà vẫn thấp hơn nhiều nước khác thì Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu. Công điện nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tại công điện, trong hàng loạt các biện pháp yêu cầu các bộ, ngành thực hiện, Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Yêu cầu này của Thủ tướng rất hợp lòng dân, đúng như mong mỏi và kỳ vọng mà kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển sang Bộ Tài chính.
Trở lại ví dụ về cậu học sinh điểm kém cố thanh minh bằng cách lấy ví dụ có bạn điểm kém hơn mình, thường ngày, sự ngụy biện này kiểu gì cũng bị phụ huynh bực tức, thậm chí bị phạt roi. Bởi vì ai cũng hiểu rằng muốn tiến bộ, muốn phát triển thì phải luôn nhìn lên trên, nhìn về phía trước.
Theo Vũ Chương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...