Chủ đầu tư thủy điện hứa hẹn hỗ trợ, đền bù cho người dân nhường đất phục vụ dự án, nhưng 10 năm trôi qua, câu chuyện đền bù cho người dân vẫn chẳng được thực hiện.
Khoảng tối ở “công trình ánh sáng”
Cách trung tâm huyện lỵ Kon Plông (Kon Tum) 60 km, Đăk Nên là xã cuối cùng của huyện. Mới đây, chúng tôi ngược về vùng đất Đăk Nên sau gần 10 năm người dân nhường đất cho thủy điện Đăk Đrinh. Những tưởng cuộc sống của người dân sẽ sung túc hơn khi sinh sống bên cạnh “công trình ánh sáng”, thế nhưng trước mắt chúng tôi chỉ toàn là những căn nhà sàn vách gỗ xập xệ.
Một trong những cư dân ít ỏi còn trụ lại ở khu tái định cư |
Ông Đinh Văn Non, cựu Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nên, là người từng nhường 15 ha đất cho thủy điện. Ở cái tuổi 65, ông vừa trải qua cơn đột quỵ thập tử nhất sinh. Ông Non bảo rằng từ xa xưa, làng Vương và làng Xô Luông (xã Đăk Nên) nằm sát bên bờ suối Tả Mèo. Người Ca Dong ở đây đã trồng lên những vườn cau, vườn keo trù phú. Cuối năm 2008, nhìn thấy tiềm năng thủy điện ở con suối Tả Mèo, Công ty CP thủy điện Đăk Đrinh bắt đầu khảo sát và xây dựng nhà máy thủy điện. Cuộc sống người dân đảo lộn từ đây.
Dự án Thủy điện Đăk Đrinh được khởi công từ tháng 9.2009. Nhà máy có công suất 125 MW, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, do Công ty CP thủy điện Đăk Đrinh - Tổng công ty điện lực dầu khí VN (thuộc Petro VN) làm chủ đầu tư. |
“Để thực hiện công trình, chủ đầu tư thủy điện đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương cùng người dân để thỏa thuận mức đền bù, hỗ trợ khi người dân nhường đất. Họ hứa hẹn xây nhà tái định cư, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ nghề nghiệp cho con em người dân…”, ông Non nhớ lại.
Trước những lời hứa có cánh của thủy điện, người dân 2 làng Vương và Xô Luông gật đầu đồng ý. Năm 2013, thủy điện hoàn thành và bắt đầu tích nước. Hàng trăm hộ dân được di dời đến nơi ở mới tại khu tái định cư Vương - Xô Luông nằm trên đỉnh đồi làng Tu Rét. “Khi thủy điện tích nước, cả 15 ha đất của gia đình tôi đều nằm trong khu vực lòng hồ. Thủy điện đền bù cho gia đình 300 triệu đồng cùng 1 căn nhà tái định cư ở tít trên núi cách làng cũ hơn 10 km”, ông Non nói.
Xung đột vì đất
Để có đất hỗ trợ người dân 2 làng Vương và Xô Luông, thủy điện Đăk Đrinh đã tiến hành thu hồi đất của người dân tại làng Tu Rét, hứa hẹn trong 5 năm sẽ đền bù hết số tiền từ diện tích đất đã thu hồi, đồng thời dành ra một khoản tiền đề hỗ trợ nghề nghiệp cho người dân Tu Rét. Thế nhưng, đến nay sau gần 10 năm tích nước và vận hành, câu chuyện đền bù cho người dân làng Tu Rét vẫn chẳng được thực hiện.
Dắt chúng tôi đi thăm ngôi làng đã từng rất trù phú, anh A Hrum, Trưởng thôn Tu Rét, tâm sự rằng nhiều năm nay giữa người làng Tu Rét và người làng Vương - Xô Luông liên tục xảy ra xung đột, bất hòa. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thủy điện lấy đất của người làng Tu Rét giao cho người làng Vương - Xô Luông nhưng đến nay vẫn không chịu đền bù.
“Ngày thủy điện mượn đất giao cho người làng khác, họ hứa hẹn đủ kiểu. Thấy thương dân làng Vương - Xô Luông không có đất canh tác nên làng mình đồng ý giao đất. Thế mà gần 10 năm nay, tiền hỗ trợ, đền bù thì không thấy mặt. Làng mình nhiều người tìm dân làng Vương - Xô Luông đòi lại đất. Những nhà không đòi được, không có đất sản xuất thì con em phải bỏ xứ đi làm ăn xa”, anh Hrum kể.
Buổi trưa, khu tái định cư Vương - Xô Luông đìu hiu khi chỉ có vài nóc nhà mở cửa. Sau buổi làm đổi công với hàng xóm, anh A Tập (31 tuổi) ngồi trên bậu cửa nhìn ra khoảng trời nắng cháy. Anh bảo rằng gia đình anh trước đây ở làng Xô Luông. Với 3 ha đất vốn có, vợ chồng anh được đền bù 1 căn nhà, vài chục triệu đồng cùng 1 ha đất rẫy với 2 sào ruộng. Thế nhưng đất rẫy cằn cỗi, bạc màu. Hai sào ruộng thì luôn thiếu nước. Kinh tế khó khăn khiến 2 vợ chồng A Tập nhiều lúc cơm chẳng lành, canh không ngọt. A Tập tìm quên trong rượu. Vợ anh bỏ đi sau đó vài năm, để lại 2 cha con anh Tập với căn nhà tái định cư 4 mùa thiếu nước.
Khu tái định cư ngủ quên giữa cỏ dại. Ảnh: Đức Nhật |
Khu tái định cư bị chối bỏ
Không nhiều người trụ lại như A Tập, hầu hết mọi người đều tìm cách “trốn chạy” khỏi khu tái định cư. Bởi vậy mà hàng chục căn nhà tại khu tái định cư Vương - Xô Luông đang “ngủ quên” trong cỏ dại. Cách đó 10 km, 14 nóc nhà xập xệ của người Ca Dong được dựng lên bên mép nước lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh. Chiều muộn, anh Đinh Văn Lua (33 tuổi) đem 2 con cá rô phi mới câu được trở về làm bữa tối cho cả nhà. Ở trong nhà, chị Y Sa (30 tuổi, vợ anh Lua) uể oải dẹp gọn mớ áo quần nhàu cũ treo trên dây phơi.
Năm 2013, như bao hộ dân khác trong làng, vợ chồng chị Y Sa phấn khởi chuyển về nơi ở mới. Thế nhưng cuộc sống ở khu tái định cư không đẹp như tưởng tượng, phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, diện tích đất rẫy được cấp lại liên tục xảy ra tranh chấp với chủ cũ.
“Chủ đất cũ không được thủy điện đền bù nên tìm đến chúng tôi đòi lại đất. Những hôm chúng tôi đi vắng, họ còn trồng cà phê, keo lên mảnh đất ấy. Khi tôi tìm đến nói chuyện thì họ bảo có giỏi thì múc hết đất được cấp rồi cõng xuống làng cũ mà trồng cây. Hết cách, vợ chồng tôi phải đến nhờ UBND xã can thiệp”, chị Y Sa kể.
Năm 2017, chị Y Sa đổi lô đất được cấp cho một cán bộ xã lấy một lô đất gần làng cũ. Kể từ đây, vợ chồng chị dắt díu con cái về lại lòng hồ thủy điện dựng căn nhà vách gỗ lấy chỗ chui ra chui vào. “Chúng tôi đã hiến đất cho thủy điện với mong muốn cuộc sống khấm khá hơn. Thế mà thủy điện làm xong, chúng tôi còn khổ hơn trước…”, chị Sa buồn bã nói.
Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết năm 2013 có 72/83 hộ dân đồng ý nhận nhà tái định cư. Tuy nhiên, đến nay đã có 37 hộ rời khu tái định cư quay về làng cũ. Theo ông Minh, hiện chủ đầu tư chưa chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên là hơn 33 tỉ đồng; đồng thời chưa nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Chính quyền nhiều lần có ý kiến nhưng chưa có phản hồi.
Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, cho hay vấn đề đền bù cho người dân ở dự án thủy điện Đăk Đrinh đã tồn tại gần 10 năm nay. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có nhiều chỉ đạo huyện phối hợp với các sở ngành có liên quan để kiến nghị ra Bộ Tài chính, Bộ Công thương để tham mưu cho Chính phủ. Từ nay cho đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục kiến nghị ra Trung ương để giải quyết việc đền bù cho người dân. Ngoài ra, cũng theo ông Khánh, huyện sẽ rà soát lại những khó khăn của người dân để kịp thời hỗ trợ.
Theo Đức Nhật (TNO)