Nỗ lực vượt qua nỗi đau bệnh tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả song không ít nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh vẫn kiên cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngồi trong căn nhà xây kiên cố sau bao năm nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, nhiều lúc ông Lê Văn Kỳ (thôn Tơ Nung, xã Hbông, huyện Chư Sê) không tin rằng mình có thể làm được. Bởi người bình thường làm kinh tế đã khó, nạn nhân chất độc da cam làm kinh tế còn khó khăn gấp trăm lần.

 

Ông Trần Trọng Bình (bên phải) và ông Lê Văn Kỳ (bên trái) được Hội Nạn nhân chất độc da cam tôn vinh là những tấm gương da cam vượt khó vươn lên nỗi đau. Ảnh. Đ.Y
Ông Trần Trọng Bình (bên phải) và ông Lê Văn Kỳ (bên trái) được Hội Nạn nhân chất độc da cam tôn vinh là những tấm gương da cam vượt khó vươn lên nỗi đau. Ảnh. Đ.Y

Ông Lê Văn Kỳ kể: “Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bố tôi tham gia hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây là những vùng bị Mỹ rải chất độc da cam/dioxin. Hậu quả, cả 5 anh em tôi sinh ra đều bị ảnh hưởng di chứng da cam gián tiếp từ bố tôi. Và sau này, các con chúng tôi cũng bị ảnh hưởng”.

Khi ông Kỳ xây dựng gia đình, sinh được 2 người con thì cả hai đều bị ảnh hưởng gián tiếp di chứng da cam. Ông Kỳ chua xót kể lại: “Trong suốt thời gian dài, vợ chồng tôi cố gắng chạy chữa cho các con nhưng vô vọng. Các bác sĩ cho biết, bệnh của các con tôi đều do ảnh hưởng của di chứng da cam để lại, không có “thần dược” nào chữa khỏi. Từ đó, hai vợ chồng tôi nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận số phận”.

Năm 1994, do ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) làm ăn khó khăn, gia đình ông Kỳ chuyển lên huyện Chư Sê kiếm kế sinh sống. Tại đây, được sự quan tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cùng sự động viên, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, gia đình ông đã dần vơi đi nỗi đau để nỗ lực vượt qua đói nghèo. Năm 2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê hỗ trợ cho gia đình ông Kỳ 9 triệu đồng. Từ chỗ phải đi chăn bò thuê, với số tiền này, ông đã mạnh dạn thuê 5 sào đất trồng mì và mua được một con bò giống. Năm 2013, Hội tiếp tục hỗ trợ cho gia đình ông 15 triệu đồng để làm ăn. “Bằng sự nỗ lực của hai vợ chồng, 5 sào mì đã không phụ công người, sản lượng đạt cao, bán được giá. Nhờ đó, vợ chồng tôi có tiền mua 3 sào đất rẫy và 5 con bò giống. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 85-90 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi”-ông Kỳ cho biết.

Gia đình ông Trần Trọng Bình (Chi hội trưởng Nông dân tổ dân phố 2, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cũng là một trường hợp chịu nhiều đau đớn khi 4 người con của vợ chồng ông sinh ra thì 3 người bị di chứng da cam. Song không vì thế mà vợ chồng ông Bình gục ngã trước số phận. Ông luôn động viên vợ: “Gia đình mình cũng chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn gia đình khác trên khắp đất nước phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam nên phải cùng nhau cố gắng để chăm sóc con cái”.


Được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đức Cơ cho mượn 6 triệu đồng không tính lãi để phát triển kinh tế, gia đình ông Bình đầu tư vào chăn nuôi gà ta lấy trứng. Sau 3 năm, không chỉ có vốn trả lại cho Hội, gia đình ông còn để dành được 5 triệu đồng. Thấy gia đình ông Bình biết làm ăn, Hội tiếp tục cho mượn thêm 10 triệu đồng. Ông Bình đã dùng số tiền này mua cây giống ăn trái từ miền Tây về bán cho bà con nông dân trong vùng. Nhờ đó, đến nay, ông đã làm được nhà ở kiên cố và có điều kiện chăm sóc con cái bệnh tật. Ông Bình còn được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Nông dân tổ dân phố 2, thị trấn Chư Ty. Vừa lo làm kinh tế gia đình, ông vừa mạnh dạn đứng ra vận động bà con vào Hội và xây dựng quỹ để giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Hiện số tiền quỹ của chi hội vận động được là 25 triệu đồng, giúp cho nhiều hội viên mượn vốn làm ăn hoặc vay mượn khi gặp hoạn nạn trong cuộc sống.

Trao đổi với P.V, bà H’Ngia-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: Gia Lai có gần 13.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mỗi nạn nhân là mỗi cuộc đời khác nhau nhưng ở họ đều có điểm chung là khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Không ít người đã nỗ lực vượt qua nỗi đau bệnh tật của bản thân để vươn lên trong cuộc sống.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm