Nô lệ tình dục thời hiện đại - Mafia, tiền và máu - Kỳ cuối: Chặn tay bọn bóc lột tình dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chế độ nô lệ thời hiện đại là thuật ngữ mô tả những tình huống trong đó có kẻ sử dụng hình thức khống chế, lừa dối hoặc dọa nạt để khai thác các nạn nhân và tước đoạt tự do của họ.
 
Ngày 15-7, cảnh sát Seoul công khai danh tính Nam Kyung Eup (29 tuổi), tên thứ sáu trong vụ án “phòng chat thứ N” - Ảnh: Facebook
Ngày 15-7, cảnh sát Seoul công khai danh tính Nam Kyung Eup (29 tuổi), tên thứ sáu trong vụ án “phòng chat thứ N” - Ảnh: Facebook

Cần phải đưa cuộc chiến chống buôn người vào cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

VÉRONIQUE WILLIAMS
Đối với nô lệ tình dục thời hiện đại, điều đáng chú ý là công nghệ đã được sử dụng rộng rãi trong quá trình bóc lột tình dục. Vụ án "phòng chat thứ N" ở Hàn Quốc là ví dụ tiêu biểu gần đây nhất.
Tội phạm tình dục thời kỹ thuật số
"Phòng chat thứ N" hoạt động từ tháng 12-2018 đến 3-2020, chuyên sản xuất và mua bán video có nội dung lạm dụng và bóc lột tình dục các nạn nhân Hàn Quốc trên ứng dụng Telegram. 
Đến nay, cơ quan điều tra đã bắt giữ hơn 100 người liên can, trong đó có tên điều hành phòng chat tình dục Cho Ju Bin (24 tuổi) và đã tiết lộ danh tính của sáu tên.
Theo kết quả điều tra, đã có 103 nạn nhân bị ép buộc bằng vũ lực, lừa đảo hoặc khống chế, trong đó có 26 em gái. Các nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị lừa lấy thông tin, sau đó bị ép buộc phải quan hệ tình dục trước máy ghi hình. 
Kế tiếp, bọn điều hành phòng chat tống tiền các nạn nhân với lời đe dọa sẽ phát tán các video phát trong phòng chat công khai trên mạng. Người dùng muốn xem hình ảnh khiêu dâm phải trả bằng tiền ảo hoặc cung cấp video kích dục.
Vụ án "phòng chat thứ N" gây xôn xao dư luận và người dân Hàn Quốc rất tức giận trước mức xử phạt hình sự quá nhẹ đối với bọn kinh doanh tình dục. 
Luật quy định người sản xuất vật phẩm khiêu dâm trẻ em sẽ bị phạt tù tối thiểu 5 năm và tối đa đến tù chung thân. Trên thực tế, mức phạt bình quân chỉ khoảng 2 năm tù theo thống kê năm 2017 của chính phủ. Đặc biệt không có điều luật nào xử phạt người sở hữu và xem nội dung khiêu dâm.
Ngày 29-4, Quốc hội Hàn Quốc đã lấp đầy lỗ hổng pháp lý này bằng cách thông qua hàng loạt dự luật nhằm tăng cường trấn áp tội phạm tình dục kỹ thuật số. Các nội dung sửa đổi như sau: người sở hữu, mua bán, tàng trữ và xem vật phẩm khiêu dâm sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc bị phạt tiền đến 30 triệu won; tăng tuổi thuận tình quan hệ tình dục từ 13 tuổi lên 16 tuổi; bất kể có thuận tình hay không, quan hệ tình dục với người dưới 18 tuổi sẽ bị kết tội hiếp dâm.
Chuyên gia phân tích Olivia Enos làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu châu Á (thuộc Quỹ Heritage ở Mỹ) nhận định với tư cách là bên ký kết Nghị định thư Palermo, Hàn Quốc đã có trách nhiệm không chỉ trừng phạt bọn buôn người sau khi tội ác xảy ra mà còn ngăn chặn nạn buôn người ngay từ đầu.
Trong những năm 1990, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã đa dạng hóa nhiều hình thức buôn người như bóc lột tình dục, du lịch tình dục, lao động cưỡng bức, ép buộc làm nô lệ. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến đánh giá Công ước về trấn áp việc buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) không còn phù hợp.
Nhằm mục đích đưa cuộc chiến chống buôn người vào cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói chung, ngày 15-11-2000 Đại hội đồng LHQ đã thông qua Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. 
Công ước đã hình sự hóa năm hành vi phạm tội cụ thể gồm tham gia băng nhóm tội phạm có tổ chức, hợp thức hóa sản phẩm tội phạm, rửa tiền, tham nhũng và cản trở hoạt động tư pháp đúng đắn.
Công ước được bổ sung bằng ba nghị định thư gồm Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ngày 15-12-2000 (gọi tắt là Nghị định thư Palermo vì được mở ký đầu tiên tại Palermo của Ý), Nghị định thư chống buôn lậu người di cư bằng đường bộ, đường biển và đường không ngày 15-11-2000 và Nghị định thư chống sản xuất và buôn bán trái phép vũ khí, các bộ phận và thành phần vũ khí và đạn dược ngày 31-5-2001.
 
Cảnh sát kiểm tra quán karaoke bị nghi kinh doanh mại dâm ở tỉnh Chonburi (Thái Lan) tháng 8-2019 - Ảnh: Bangkok Post
Cảnh sát kiểm tra quán karaoke bị nghi kinh doanh mại dâm ở tỉnh Chonburi (Thái Lan) tháng 8-2019 - Ảnh: Bangkok Post
Mại dâm cùng nhiều hình thức bóc lột khác
Nghị định thư Palermo có hiệu lực ngày 25-12-2003, đến nay đã có 178 quốc gia và Liên minh châu Âu tham gia. Nhà nghiên cứu Véronique Williams ở Đại học Montréal (Canada) đánh giá Nghị định thư Palermo đã thay đổi cách tiếp cận về nạn buôn người theo quan điểm chú trọng đến "an ninh con người".
Trước đó, khái niệm truyền thống về an ninh chỉ tập trung vào an ninh quốc gia. Đến năm 1994, LHQ đưa ra khái niệm "an ninh con người" bao gồm an ninh của các cá nhân, các mối đe dọa tác động con người và mối liên hệ giữa phát triển, nhân quyền và an ninh quốc gia. 
Phù hợp với khái niệm "an ninh con người", Nghị định thư Palermo đã đề ra bốn biện pháp kết hợp (4P) gồm ngăn ngừa, trừng phạt, bảo vệ nạn nhân và hợp tác giữa các quốc gia.
Tiến bộ đáng ghi nhận của Nghị định thư Palermo là xây dựng được định nghĩa về buôn người. Đây là lần đầu tiên một định nghĩa về buôn người được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Trước đó có hai quan điểm đối chọi nhau. 
Một bên là Liên minh chống buôn bán phụ nữ (CATW) chủ trương xóa bỏ mại dâm, xử phạt người mua dâm và không hình sự hóa người bán dâm (nạn nhân). 
Đại diện bên còn lại là Liên minh toàn cầu chống buôn bán phụ nữ (GAATW) lại cho rằng mại dâm là lao động hợp pháp, mại dâm tự nguyện khác mại dâm cưỡng bức. Cả hai được mời tham gia soạn thảo định nghĩa buôn người của Nghị định thư Palermo và cuối cùng định nghĩa xác lập là thành quả thỏa hiệp giữa hai bên.
Có ba yếu tố đáng chú ý trong định nghĩa:
Thứ nhất, định nghĩa mô tả được hàng loạt hành vi phạm tội buôn người trong mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột. 
Các hành vi này phải đi kèm với đe dọa (như đe dọa sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương...), ngoại trừ nạn nhân là trẻ em. 
Tóm lại, để cấu thành hành vi phạm tội buôn người ở người trưởng thành cần ba yếu tố gồm hành vi, biện pháp đe dọa và bóc lột, còn đối với trẻ em dưới 18 tuổi chỉ cần hai yếu tố gồm hành vi và bóc lột (không cần yếu tố đe dọa).
Thứ hai là phương thức đe dọa. Phương thức đe dọa bao gồm về thể chất và tâm lý như đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương, đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác nhằm mục đích bóc lột tình dục.
Thứ ba là đạt được mục đích mong muốn, nghĩa là bóc lột nạn nhân. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm ít nhất là bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, cưỡng bức lao động hoặc bắt ép phục vụ, làm nô lệ hay các hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể.
Nghị định thư Palermo là một công cụ pháp lý quốc tế lần đầu tiên xác định buôn người có kèm theo nhiều hình thức bóc lột khác ngoài mại dâm và bóc lột tình dục như cưỡng bức lao động, ép buộc làm nô lệ...

Đến nay, tùy theo quan điểm mà các nước xây dựng luật quốc gia theo mô hình lập pháp riêng bao gồm:

* Cấm đoán: cấm mại dâm, hình sự hóa người bán dâm, người mua dâm và người môi giới.

* Quản lý theo quy định: quản lý hành chính đối với mại dâm, lập khu vực cấm hoặc cho phép mại dâm.

* Trường phái quy định mới: chuyên nghiệp hóa mại dâm, công nhận lao động tình dục.

* Bãi bỏ: bãi bỏ mọi hình thức trừng phạt người bán dâm.

* Trường phái bãi bỏ mới: xóa bỏ mại dâm, chỉ hình sự hóa người mua dâm và người môi giới.

HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

(GLO)- Quá trình điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mỗi điều tra viên đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, mưu trí, sắc bén. Chiến công ấy góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.