(GLO)- Những thông tin mới mẻ, tích cực về dịch Covid-19 liên tục được cập nhật trong những ngày qua khiến ai nấy đều phấn khởi. Ngày 9-9, TP. Pleiku đã dừng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch. Sau đó, UBND tỉnh có Công văn số 1297/UBND-KGVX ngày 11-9 về thời gian đi học trở lại của học sinh tiểu học, THCS, THPT (trừ học sinh đang thực hiện cách ly, trong khu vực phong tỏa và địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng-chống dịch).
Băng rôn tuyên truyền khẩu hiệu phòng-chống dịch Covid-19 tại cầu vượt đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà |
Để đi đến các quyết định nới lỏng giãn cách, Ban chỉ đạo phòng-chống dịch các cấp, lực lượng tuyến đầu và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Theo báo cáo của ngành Y tế, tính từ ngày xuất hiện ca dương tính của đợt dịch mới (28-5) đến ngày 19-9, toàn tỉnh ghi nhận 528 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, số điều trị khỏi và ra viện tăng lên 302 người, còn lại đang điều trị tại các bệnh viện. Sau 14 ngày, Gia Lai không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.
Bao quát rộng hơn, tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... cơ bản cũng đã được kiểm soát sau hơn 3 tháng xảy ra. Quan trọng nhất theo Bộ Y tế là chỉ số F0 trong cộng đồng và số tử vong những ngày qua liên tục giảm. Nhiều quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương tình hình đã dần ổn định, một số địa bàn, khu vực đã dỡ bỏ phong tỏa, nới lỏng giãn cách xã hội để trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Thành phố Hồ Chí Minh đã tính đến việc khôi phục hoạt động một số lĩnh vực, ngành nghề. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, đến cuối tháng 9, thành phố sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Địa phương này cũng vừa tổ chức hội nghị lắng nghe các doanh nghiệp, nhà đầu tư trình bày nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị và tiếp thu, trao đổi, giải đáp nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục lòng tin để họ tiếp tục hợp tác, gắn bó làm ăn lâu dài với địa phương.
Ngay sau khi cấp thẩm quyền ban hành thông báo nới lỏng giãn cách xã hội, TP. Pleiku và nhiều địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, có thể nghiên cứu cho học sinh các cấp được trở lại trường. Rõ ràng việc tự giác chấp hành thực hiện Chỉ thị 16 “ai ở đâu ở yên đó”, nhà nào ở nhà đó không lấy gì làm dễ chịu với bất cứ ai. Và rõ ràng không ít trường hợp do ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng đã bị xử phạt. Đã có những biện pháp mạnh tay, song nhìn chung hầu hết người dân đều đồng tình, ủng hộ, hợp tác với cơ quan chức năng. Người dân cũng nên hiểu và thông cảm với cách làm đó. Bởi chính bản thân các vị lãnh đạo cấp cao cũng thừa nhận sự bất tiện trong các quyết định hành chính áp dụng thực hiện giãn cách xã hội và kêu gọi người dân thông cảm, ủng hộ. Đó là việc bất khả kháng, thực sự cần thiết để sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Đồng thời với việc nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, việc kiểm soát dịch bệnh cũng chưa thôi đặt ra những nhiệm vụ phức tạp, nặng nề. Bởi lẽ, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường. Nhiều biến thể mới lây lan nhanh, mức độ nguy hiểm cao hơn. Tiềm lực, điều kiện mọi mặt của quốc gia và mỗi địa phương trước đại dịch còn thiếu đồng bộ, nhiều hạn chế và bất cập... Vì vậy, phòng-chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đảm bảo “mục tiêu kép”. Chúng ta đã ra sức thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực vượt qua khó khăn và thu được những thành tựu, kết quả quan trọng. Và, không dừng lại ở đó, từ thực tế có được, chúng ta có đủ cơ sở để thích ứng với điều kiện mới và niềm tin chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
THẤT SƠN