
Ăn canh nóng thường xuyên
Nhiều người có sở thích uống canh nóng vì cho rằng nó có thể làm ấm dạ dày và cơ thể. Trên thực tế, khoang miệng, thực quản và niêm mạc dạ dày của con người chỉ chịu được nhiệt độ tối đa là 60 độ C. Khi vượt quá ngưỡng này sẽ gây bỏng niêm mạc hoặc thậm chí gây ra những thay đổi ác tính ở niêm mạc đường tiêu hóa.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, canh dưới 50 độ C là phù hợp với cơ thể.
Uống canh sau bữa ăn
Đây là thói quen của rất nhiều người và được xem là cách ăn uống không lành mạnh. Bởi lẽ, món canh nếu uống cuối cùng sẽ làm loãng dịch tiêu hóa đã được trộn đều với thức ăn, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên uống vài ngụm canh trước bữa ăn để bôi trơn miệng và thực quản; từ đó giảm bớt sự kích thích có hại của thức ăn khô và cứng lên niêm mạc đường tiêu hóa, thúc đẩy tiết dịch tiêu hóa, phát huy tác dụng khai vị.
Ngâm cơm trong canh
Khi nhai thức ăn không chỉ giúp dễ nuốt mà quan trọng hơn là để làm ẩm thức ăn bằng nước bọt. Trong nước bọt tiết ra nhiều enzyme có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và hấp thụ, rất có lợi cho sức khỏe.

Vì vậy, khi ngâm cơm ngâm trong canh, cơm sẽ được làm mềm. Nhiều người không nhai kỹ, thậm chí không cần nhai vẫn không ảnh hưởng đến việc nuốt. Thức ăn cứ thế đi vào dạ dày trước khi trải qua quá trình tiêu hóa của nước bọt. Điều này tạo thêm gánh nặng cho quá trình tiêu hóa của dạ dày và theo thời gian dẫn đến tình trạng đau dạ dày.
Canh được nấu càng lâu thì càng ngon
Đây là quan điểm hoàn toàn phản khoa học. Bởi thời gian nấu càng lâu, protein càng bị biến tính và càng nhiều vitamin trong nguyên liệu nấu canh bị phá hủy; thậm chí giảm đi vị thơm ngon vốn có.

Trên thực tế, nước canh chỉ chứa một lượng rất nhỏ protein hòa tan, đường, khoáng chất và chỉ nhiều chất dinh dưỡng hơn một chút so với nước đun sôi. Riêng canh rau, bạn nên đợi canh chín rồi mới cho rau vào, sau đó ăn ngay để hạn chế mất vitamin.
Mặt khác, theo nghiên cứu, dù nấu canh trong bao lâu thì chất dinh dưỡng trong thịt cũng không thể hòa tan hoàn toàn vào canh. Vì vậy, bạn nên ăn một lượng thịt vừa phải sau khi uống canh thay vì bỏ bã.
Canh đặc là tốt nhất
Sau khi đun sôi trong nước, các sản phẩm như xương heo, thịt gà, thịt vịt có thể giải phóng các chất như: carnosine, bazơ purine, axit amin…, được gọi chung là chiết xuất chứa nitơ. Canh càng ngon thì càng chứa nhiều chiết xuất chứa nitơ. Tiêu thụ quá nhiều purine trong thời gian dài có thể dẫn đến tăng axit uric, thủ phạm gây ra bệnh gút. Ngoài ra, lượng purine dư thừa còn làm tăng gánh nặng cho gan và thận.