(GLO)- Cùng chung đam mê về nông nghiệp hữu cơ, mới đây, hơn 30 bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã có buổi gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm và hướng đến ra mắt câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp ở Gia Lai. “Hy vọng đây sẽ là cái nôi tạo ra những doanh nghiệp trẻ trong tương lai, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững”-anh Nguyễn Hữu Duy-người tiên phong thúc đẩy thành lập câu lạc bộ, nhấn mạnh.
Kết nối đam mê
3 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) đã có mặt trên chuyến xe đò để kịp giờ gặp mặt những người bạn có cùng đam mê nông nghiệp hữu cơ tại quán cà phê HD (đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku). Tốt nghiệp ngành Tài chính-Ngân hàng của một trường đại học song Hòa lại về quê khởi nghiệp bằng mô hình nuôi trùn quế và giờ anh đã trở thành một ông chủ thành công. Dẫu vậy, anh vẫn mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm khởi nghiệp từ các bạn trẻ khác và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn quế với những ai có nhu cầu.
Các bạn trẻ đam mê nông nghiệp hữu cơ chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Ảnh: L.L |
Cũng có mặt tại buổi gặp gỡ, anh Nguyễn Tấn Công (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bày tỏ thắc mắc rằng, vườn cà phê của gia đình anh lâu nay vẫn trồng, chăm sóc theo hướng truyền thống, giờ muốn chuyển sang canh tác hữu cơ thì phải làm thế nào? “Sau khi nghe các thành viên trao đổi, hướng dẫn, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Đúng là trí tuệ của nhiều người cùng hợp lại thì con đường làm giàu ắt sẽ nhanh hơn. Sau buổi gặp gỡ này, tôi sẽ tranh thủ tham quan vài vườn cà phê hữu cơ trước khi bắt tay vào cải tạo vườn nhà”-anh Công chia sẻ.
Mong muốn xây dựng thương hiệu gạo sạch Phú Thiện, chị Đặng Thị Cẩm Châu (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) trăn trở: Gạo Phú Thiện tuy được nhiều người biết đến song thực chất sau mỗi vụ thu hoạch, bà con thu lợi không nhiều. Nguyên nhân là do người dân chủ yếu bán sản phẩm thô, lúa tươi chỉ có giá 2.000-3.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí đầu tư thì chẳng còn bao nhiêu. Nếu chẳng may thời tiết bất lợi, bà con coi như lỗ vốn! Thông qua buổi gặp gỡ, chị Châu đã có ý tưởng cụ thể xây dựng thương hiệu gạo sạch Phú Thiện theo hướng hữu cơ, tức là các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, xay xát, đóng gói, bảo quản và bán ra thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể mang lại nguồn lợi tốt nhất cho người nông dân.
Tiến tới câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp
Có một điều đặc biệt là thành viên tham gia buổi gặp gỡ không chỉ là những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà còn có cả kỹ sư nông nghiệp, nhà nghiên cứu giống cây trồng, chuyên gia công nghệ và nhà đầu tư. Anh Nguyễn Anh Khoa-người đang làm việc cho một công ty chuyên xuất khẩu nông sản qua Nga, khẳng định: “Nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường rất cao. Do đó, nếu đảm bảo các tiêu chí về chất lượng thì bản thân tôi có thể làm cầu nối đưa nông sản Gia Lai xuất khẩu qua Nga”.
Nói về ý tưởng thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp, anh Nguyễn Hữu Duy-chủ thương hiệu cà phê HD Gia Lai, đồng thời là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Hơn 1 năm trước, tôi may mắn được gặp Giáo sư Phan Văn Trường-chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, nguyên cố vấn thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp. Từ câu chuyện về hạt cà phê hữu cơ, rồi lớn hơn nữa là tâm huyết xây dựng một ngành nông nghiệp hữu cơ của Giáo sư Trường, chúng tôi quyết định thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam với mong muốn góp phần hỗ trợ và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp trở thành một hoạt động mang tính cộng đồng; tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như cá nhân, đơn vị quan tâm đến khởi nghiệp và nông nghiệp. Câu lạc bộ ra mắt vào ngày 2-7-2017 với gần 300 thành viên và đến nay đã phát triển lên 23.000 thành viên khắp mọi miền đất nước”.
Riêng tại Gia Lai, sau buổi gặp gỡ nói trên, các thành viên tham gia sẽ tổ chức đi thực nghiệm tại một số trang trại, cửa hàng… “Bởi lẽ, làm nông nghiệp thì không gì dễ học hơn khi được quan sát trực tiếp. Đồng thời, chúng tôi cố gắng hoàn tất các thủ tục để có thể ra mắt câu lạc bộ vào đầu năm 2018. Tỉnh ta đang có nhiều chính sách liên quan đến khởi nghiệp nông nghiệp, do đó, nếu câu lạc bộ được thành lập, các thành viên sẽ có cơ hội tiếp cận các lớp tập huấn, tham gia các chương trình, dự án… Đây sẽ là động lực để các bạn trẻ mạnh dạn triển khai ý tưởng, phát triển mô hình khởi nghiệp, làm giàu”-anh Nguyễn Hữu Duy cho biết thêm.
Lê Lan