Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Chúng tôi đến xưởng chế biến trái cây sấy khô tại xã Cư Sê (H.Cư Mgar) của chị Nga để tìm hiểu về mô hình sản xuất trái cây sấy khô đầu tiên của địa phương. Sau khi về quê, chị Nga bắt đầu khởi nghiệp làm mứt khô từ các loại trái cây như mãng cầu xiêm, me, chùm ruột, thơm mật…

Cơ sở của chị Nga hiện có 5 máy sấy cỡ lớn. ẢNH: HỮU TÚ
Cơ sở của chị Nga hiện có 5 máy sấy cỡ lớn. ẢNH: HỮU TÚ

Năm 2021, nhận thấy việc phơi khô mứt trái cây dưới ánh nắng không hiệu quả, chị Nga quyết định đầu tư 2 máy sấy cỡ nhỏ có trị giá 30 triệu đồng phục vụ mô hình sản xuất trái cây khô. "Mảnh đất Tây nguyên mưa nắng thất thường khiến việc phơi khô mứt không đạt năng suất cao và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng đắn đo nhiều lần rồi mới quyết định đầu tư máy sấy, và đây cũng là sự khởi đầu cho mô hình này", chị Nga kể.

Những ngày đầu làm mô hình, chị Nga gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu chọn tìm nguồn nông sản sạch đến nghiên cứu công thức có tỷ lệ phù hợp. Chị lựa chọn 2 loại trái mãng cầu xiêm và thơm mật làm sản phẩm chủ đạo của cơ sở. Hai loại trái cây này có hàm lượng nước rất cao, việc chế biến và bảo quản rất khó khăn. Qua quá trình tìm hiểu và học hỏi, chị Nga khắc phục và đã có công thức, cách bảo quản riêng, sản phẩm dần được thị trường đón nhận.

Về kỹ thuật sản xuất, chị Nga cho biết nguồn nguyên liệu phải sạch có độ chín vừa tới, nếu nông sản không đạt tiêu chí thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sau khi rửa sạch nguyên liệu, chị sẽ cắt bỏ phần vỏ, tách một phần hạt mãng cầu xiêm, lấy sạch mắt thơm mật và cắt miếng có kích thước phù hợp. Tiếp đến, chị cân đo hàm lượng muối và ớt xay theo tỷ lệ. Cuối cùng, chị đặt trái cây tẩm ướp gia vị vào khuôn và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo công thức.

"Tại cơ sở của tôi, sản phẩm trái cây sấy muối ớt đều được làm thủ công, cố gắng giữ hương vị đặc trưng và không sản xuất đại trà. Vì các sản phẩm không có chất bảo quản nên chỉ hút chân không, có hạn sử dụng trong 2 tháng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, cơ sở chỉ sản xuất đủ số lượng và cung cấp sản phẩm đạt chất lượng, không bị hư hỏng…", chị Nga nói.

Ngoài việc khởi nghiệp, chị Nga cũng tạo điều kiện cho 3 nhân công là người tại địa phương có thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Năm 2023, doanh thu của cơ sở đạt hơn 2 tỉ đồng sản phẩm trái cây sấy khô các loại, trong đó sản phẩm thơm sấy muối chiếm 50% doanh thu. Sản phẩm trái cây sấy khô của chị được cung cấp cho các thị trường như TP.HCM, TP.Cần Thơ, TP.Đà Lạt…

Trong thời gian tới, chị Nga dự định mở rộng mô hình sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại và hướng đến sản phẩm OCOP của địa phương; nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con, tiêu thụ được nguồn nông sản tại chỗ. Với dự án "Phát triển mô hình sản xuất trái cây sấy tại địa phương" của mình, chị Nga xuất sắc vượt qua 120 dự án làm đại diện cho tỉnh Đắk Lắk tiến vào vòng chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

"Lần đầu tiên mô hình của tôi tham gia một cuộc thi lớn. Khi nghe tin mô hình đại diện cho tỉnh Đắk Lắk tiến vào vòng chung kết, tôi rất vui mừng và cũng cảm thấy may mắn. Hiện tôi đang nghiên cứu các mẫu mã mới cho các sản phẩm để trưng bày tại tỉnh Thái Bình vào cuối tháng 11 này", chị Nga chia sẻ.

Theo Hữu Tú (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.