(GLO)- Quảng trường Đại Đoàn Kết-nơi có Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên-luôn là không gian thiêng liêng để tổ chức những sự kiện trọng đại của tỉnh nhà; đây cũng là nơi du khách không thể không ghé thăm mỗi lần đến Phố núi Pleiku. Ít ai biết rằng, để Quảng trường luôn có được cảnh quan xanh-sạch-đẹp, không khí trong lành, cán bộ, viên chức thuộc Ban Quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết-đặc biệt là những người con Jrai, Bahnar-đã đóng góp bất kể đêm ngày.
Hiện Ban Quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết có 50 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó, có 29 người trực tiếp làm công tác chăm sóc khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết và được chia làm 4 tổ chuyên nhận nhiệm vụ chăm sóc vườn ươm, làm cỏ, cắt tỉa, dọn dẹp vệ sinh. Trong số những cán bộ, lao động đang làm làm việc ở đây có 1 cán bộ người Bahnar ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa); và có đến 13 lao động là người Jrai đang sinh sống ở các làng Brel (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), làng Ngó (phường Trà Bá, TP. Pleiku), làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku), làng Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku).
Những nhân công chăm sóc cây và hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên |
“Vui vì có việc làm và thu nhập ổn định”
“Trước khi vào làm ở đây, mình đi làm rẫy cho thu nhập bấp bênh lắm. Tình cờ có người quen cho biết thông tin Ban Quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết đang tuyển lao động, mình đã mạnh dạn đăng ký và được nhận vào làm công nhân. Được sự quan tâm của lãnh đạo Ban Quản lý Quảng trường, mình có việc làm ổn định, làm giờ hành chính, tối về có thời gian chăm sóc con nhỏ mà không phải lo nghĩ ngày mai phải làm gì để có tiền”-chị Rơ Châm H’Canh (25 tuổi, làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai)-người đã gắn bó với công việc ở đây hơn 5 năm qua, chia sẻ.
Một ngày làm việc của chị H’Canh và các lao động người Jrai bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Tuy nhiên, công tác chăm sóc và bảo đảm vệ sinh cảnh quan tại Quảng trường Đại Đoàn Kết luôn mang tính đặc thù. Vào những ngày lễ, Tết hay những ngày diễn ra những sự kiện quan trọng của tỉnh, các lao động phải làm việc từ khá sớm để đảm bảo những con đường, bồn hoa, thảm cỏ luôn sạch sẽ, xanh tươi. Mùa lá rụng, có ngày họ phải quét tước đến 20 lần. Chị Rơ Châm Ng’Líu (40 tuổi, làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết: “Em gái mình là Rơ Châm H’Cúc đã làm công việc này được 5 năm, mình cũng mới xin làm ở đây được 5 tháng, con dâu mình là H’Chưn cũng mới vào làm được khoảng 3 tháng. Ngoài những ngày làm theo giờ hành chính, mình còn nhận làm thêm vào các ngày nghỉ, ngày lễ, Tết để tăng thêm thu nhập. Công việc cũng không vất vả lắm, có việc làm và có thu nhập ổn định nên ai cũng vui cả”.
Các nhân công Jrai cũng vui vẻ cho hay: Làm việc tại đây, thu nhập bình quân của mỗi lao động là 3,2 triệu đồng/tháng, được đảm bảo các quyền lợi như đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Ngoài ra, mỗi lao động đều được Ban Quản lý Quảng trường trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ để phục vụ công việc. Nếu làm thêm vào các ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, mỗi lao động đều được chi trả thêm ngày lương theo quy định. Điều này đã tạo động lực cho người lao động gắn bó lâu dài với công việc.
Ông Nguyễn Thế Phương-Trưởng ban Quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết cho biết: “Ban Quản lý luôn ưu tiên tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số vào làm công nhân. Thường thì số lao động người Jrai rất có sức khỏe, tận tâm tận lực với công việc, số lượng lao động này ít biến động hơn so với lao động người Kinh. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của một lao động người Jrai rằng: “Chú ạ, con mở mắt ra là có việc làm, mưa nắng gì cũng có đồng lương nên yên tâm lắm, không còn sống bấp bênh như trước”, điều này cho thấy niềm tin của họ đối với công việc”.
Tự hào khi được làm việc bên Bác
Từ ngày Quảng trường Đại Đoàn Kết được khánh thành, số lượng các cơ quan, đơn vị đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ ngày càng tăng. Ý thức được tính chất công việc của mình nên những lao động người Jrai luôn tích cực, trách nhiệm với phần việc được giao; chủ động sắp xếp, phân công nhiệm vụ để bảo đảm khu vực Quảng trường luôn được xanh-sạch-đẹp. Những bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và sự tận tâm với công việc của họ đã khiến những chậu cây cảnh phải trổ hoa rực rỡ, những bồn hoa tỏa hương thơm ngát, những thảm cỏ xanh tươi, góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo và hết sức gần gũi cho không gian của Quảng trường.
Công việc thường ngày rất đỗi bình thường, thầm lặng nhưng hầu hết lao động người Jrai đều vui mừng và tự hào khi được đóng góp chút công sức của mình để tạo cảnh quan tươi đẹp ở không gian thiêng liêng này. Chị H’Wâng (làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mình mới vào làm việc ở đây được 5 tháng, tuy không quá vất vả nhưng mỗi phần việc đều đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đó là tinh thần, trách nhiệm của người lao động với công việc được giao và trên hết là thể hiện tấm lòng của mỗi lao động đối với Bác Hồ kính yêu”.
Dù là nắng gắt hay mưa tầm tã, những lao động người Jrai đều chấp hành đúng thời gian quy định mà Ban Quản lý Quảng trường đề ra để đảm bảo tiến độ công việc cho một ngày mới, ai ai cũng đều tự nhủ phải cố gắng hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất. Chị Rơ Châm H’Canh bày tỏ: “Mình từng học đến lớp 10 rồi mới nghỉ học, biết về cuộc đời Bác Hồ qua sách vở. Tuy làng ở khá gần Quảng trường nhưng mình chưa từng ra đây chơi cho đến khi được nhận vào làm. Gắn bó công việc với nơi này đã được 5 năm, hàng ngày nhìn thấy nhiều cơ quan, đơn vị đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác, mới thấy sự yêu mến, kính trọng của bao thế hệ đối với Bác Hồ. Vì thế, những người lao động như mình đều đoàn kết, quyết tâm làm cho khu vực Quảng trường thêm xanh tươi và luôn sạch đẹp để du khách có ấn tượng tốt đẹp về nơi này. Mình cảm thấy vinh dự và tự hào khi được làm việc ở một không gian thiêng liêng như thế này”.
Phan Lài