Những người đi ngược thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những di sản trong lòng đất liên tiếp được khai quật, nghiên cứu trong thời gian qua đã định vị “vùng đất khảo cổ Gia Lai” trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam. Nhưng, ngược lại với sự giàu có, phong phú các di chỉ khảo cổ, người làm công tác này lại là con số khiêm tốn.

“Người cũ” ở thung lũng An Khê

Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai hiện chỉ có duy nhất 1 người học chuyên ngành về khảo cổ. Anh là Trần Đình Luân, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã An Khê. Anh Luân tốt nghiệp khóa khảo cổ học đầu tiên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Sau anh Luân 2 khóa có thêm 1 đồng môn người Gia Lai là anh Nguyễn Giác. Anh Giác có một thời gian công tác tại Bảo tàng tỉnh nhưng đã chuyển ngành.

Anh Luân chia sẻ: “Tôi thích môn Lịch sử nhưng sau 2 năm học đại cương, Khoa chia ra nhiều ngành như: lịch sử Đảng, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, dân tộc học, khảo cổ học. Tìm hiểu ngành học, tôi thấy khảo cổ quá thú vị nên đăng ký học chuyên ngành này. Ra trường, tôi về công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang. Đến năm 2010, tôi chuyển về phụ trách mảng bảo tàng, bảo tồn của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã An Khê”.

Từ trái qua: anh Trần Đình Luân, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn (ảnh nhân vật cung cấp).

Từ trái qua: anh Trần Đình Luân, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn (ảnh nhân vật cung cấp).

Là người ít nói và khá lặng lẽ với công việc, anh Luân hầu như không được nhắc tới trong các phát hiện khảo cổ đình đám, gây chấn động ở vùng đất phía Đông. Tuy nhiên, anh cùng với nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn (Viện Khảo cổ học Việt Nam) là những người đầu tiên phát hiện “kho báu” khảo cổ ở đây.

“Mùa hè năm 2014, Viện Khảo cổ học Việt Nam triển khai đề tài cấp bộ do Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối làm chủ nhiệm, Toàn là thư ký. Trước đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử và Toàn đi khảo sát ở Kbang, biết tôi chuyển công tác ra An Khê nên tìm cách liên lạc. Bác Sử sau đó bay về Hà Nội, chỉ có tôi và Toàn đi khảo sát các địa điểm và phát hiện những công cụ thời tiền sử rất đẹp. Với trình độ chuyên môn cao về khảo cổ, Toàn biết rằng chúng tôi đã tìm thấy kho báu. Nhưng chúng tôi không nghĩ nó có niên đại xa xưa như thế, vượt xa so với sự tưởng tượng của tôi”-anh Luân kể.

Trước khi có những nhát cuốc đầu tiên khai quật các di chỉ khảo cổ, vén tấm màn bí ẩn của tổ tiên loài người bên thềm sông Ba, anh Luân chính là “thổ địa” đưa các nhà khoa học đi khảo sát, phát hiện nhiều hiện vật tiền sử tại nhiều địa điểm khác nhau ở lưu vực sông Ba. Dù không đi sâu nghiên cứu khảo cổ, nhưng được làm việc với các nhà khảo cổ hàng đầu, anh đã học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu.

Chẵn 20 năm công tác, anh không ngừng trau dồi, tích lũy, nâng cao tri thức về ngành khảo cổ. Tự nhận là người không có khả năng nói, anh biên soạn nội dung vừa mang kiến thức chuyên môn, vừa dễ hiểu để thuyết minh viên tại Nhà trưng bày giới thiệu cho các đoàn khách khi đến tham quan, tìm hiểu, góp phần quảng bá giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này đến người dân và du khách.

Những “tay ngang”

Khảo cổ là ngành khoa học tổng hợp kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý, dân tộc học, địa chất học… Khó, nhưng vẫn có những “tay ngang” tham gia và đóng góp của họ cho khảo cổ học Gia Lai đã được ghi nhận. Đơn cử như anh Huỳnh Bá Tính (Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh). Tháng 2-2015, anh Tính về công tác tại Bảo tàng tỉnh. Đến tháng 4-2015, anh đã xách ba lô đi cả tháng trời cùng nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn điều tra hệ thống vết tích người tiền sử dọc đôi bờ suối Ia Mơr ở huyện Chư Prông. Đây cũng là chuyến đi giúp anh Tính “bén duyên” với khảo cổ.

“Cả tháng ròng rã, ngày nào chúng tôi cũng đi bộ hàng chục ki lô mét dọc dòng suối cạn dưới cái nắng nóng như thiêu đốt của vùng biên giới. Ăn rừng, ngủ võng là chuyện bình thường. Môi trường làm việc khắc nghiệt, công việc lại đòi hỏi sự chú tâm, tỉ mỉ. Lúc đó, tôi là sinh viên mới tốt nghiệp Khoa Lịch sử (Trường Đại học Quy Nhơn) nên còn khá lơ ngơ. Nhưng được anh Toàn chỉ vẽ rất nhiều thứ, cách nhận biết vị trí có sự cư trú của người tiền sử, thường dọc hai bên bờ suối, những khúc uốn cong của suối hoặc bãi đá... Nhiều kinh nghiệm quý báu cũng được truyền đạt tận tình giúp tôi học hỏi được nhiều điều trong chuyến đi đầu đời”-anh Tính tâm sự.

Sau chuyến đi đó, anh Tính giúp nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn phát hiện hàng loạt di tích thời tiền sử. Các di tích này được tổ chức khai quật năm 2016, cung cấp thêm bằng chứng thuyết phục để hoàn thiện bức tranh khảo cổ với các giai đoạn phát triển của lịch sử khảo cổ học Việt Nam, đồng thời đem về cho Bảo tàng tỉnh nhiều hiện vật quý giá.

Anh Trần Đình Luân (bìa trái) trong một chuyến khảo sát cùng Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Trần Đình Luân (bìa trái) trong một chuyến khảo sát cùng Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (ảnh nhân vật cung cấp).

Từ năm 2015 đến nay, anh Tính tham gia hàng chục đợt khảo sát, khai quật cùng các nhà khoa học ở nhiều địa điểm khảo cổ quan trọng phía Đông của tỉnh. Anh tham gia suốt cả quá trình khai quật cùng các nhà khoa học Nga (giai đoạn 2015-2019) tại An Khê. Ngoài ra, anh còn điều tra các điểm khảo cổ ở các tỉnh Tây Nam Bộ cùng các nhà khảo cổ học hàng đầu như: Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối… Từ đó, anh có một số phát hiện riêng và công bố kết quả nghiên cứu về vết tích người tiền sử ở các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Kông Chro… tại hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc do Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hàng năm. Những phát hiện ban đầu này đã giúp các nhà khoa học có cơ sở để thực hiện những đề tài nghiên cứu sâu hơn về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Anh Tính cho biết: “Tôi nhận được sự giúp đỡ từ xa của nhiều nhà khoa học, nhất là Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử. Sau mỗi lần phát hiện di tích, tôi đều viết báo cáo ban đầu mô tả gửi cho bác Sử góp ý, sửa chữa. Bác giúp tôi những nhận định ban đầu đó là loại hình di tích gì, là di tích cư trú hay di tích xưởng chế tác công cụ của người tiền sử”.

Tự nhận là “tay ngang” của một ngành khoa học đòi hỏi quá nhiều tố chất lẫn tri thức tổng hợp, anh Tính chiêm nghiệm: “Ngành này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không nóng vội mỗi khi phát hiện ra dấu vết di tích. Môi trường làm việc khắc nghiệt, thù lao lại cực kỳ thấp (khoảng 100 ngàn đồng/ngày đối với cán bộ bảo tàng) nên phải đam mê mới theo đuổi nổi. Tôi may mắn được làm việc với những nhà khảo cổ học hàng đầu đầy tâm huyết, họ luôn tận tình chỉ dạy, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức nên bản thân cũng tích lũy được kinh nghiệm để cùng các nhà khoa học mang những câu chuyện trong lòng đất sâu ra ánh sáng”.

“Không đi tìm sẽ không bao giờ thấy”

Năm 2015, trên công trường khảo cổ Con Moong (tỉnh Thanh Hóa), các nhà khoa học Nga được xem hình ảnh về những chiếc rìu tay tuyệt đẹp ở Rộc Tưng-Gò Đá cùng với mô tả của nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn về địa điểm tìm thấy những hiện vật này. Đó cũng là giai đoạn kết thúc chương trình khai quật hang Con Moong. Thay vì lên Lạng Sơn theo chương trình hợp tác 5 năm với Việt Nam, các nhà khoa học Nga lại có mặt tại thung lũng An Khê. Phát hiện tại An Khê của nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn đã khiến họ chuyển hướng nghiên cứu.

Nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng tại Gia Lai từ năm 2000 đến 2017 cũng đều gắn với tên tuổi nhà khảo cổ quê Tiền Giang này. Dấu chân anh đã để lại trên khắp vùng đất, từ đầu nguồn đến hạ du sông Ba, vùng biên giới của tỉnh, phát hiện hàng trăm di tích thuộc các giai đoạn của người tiền sử trên cao nguyên Gia Lai. Những phát hiện đó phác họa gần như trọn vẹn bức tranh về sự phát triển liên tục của lớp cư dân cổ xưa trên vùng đất này.

Nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn (đứng thứ nhất từ trái qua) cùng các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học Nga kiểm tra hiện vật tại di tích Rộc Tưng. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn (đứng thứ nhất từ trái qua) cùng các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học Nga kiểm tra hiện vật tại di tích Rộc Tưng. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Hàng ngàn di tích khảo cổ khác từ Bắc tới Nam, thuộc đủ các loại hình cũng ghi đậm dấu ấn và đam mê của anh Toàn. Theo anh, “không đi tìm sẽ không bao giờ thấy”. 17 năm gắn bó với khảo cổ, tham gia nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu khắp đất nước, anh được các nhà khoa học đánh giá cao về năng lực chuyên môn và tinh thần học hỏi. Năm 2017, anh Toàn gây bất ngờ cho giới khảo cổ học cả nước khi quyết định tạm dừng “cuộc chơi với đất đá” để về quê phụng dưỡng cha mẹ già và dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Tống Trung Tín-Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam từng chia sẻ, người làm khảo cổ học cả nước hiện nay chưa tới con số hàng trăm. Số nghiên cứu, làm được việc lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong rất nhiều khó khăn, thách thức của khảo cổ học hiện nay ở nước ta, theo ông, thiếu nhân lực là vấn đề trầm trọng, nguy cấp nhất.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Toàn cho rằng: “Tài nguyên khảo cổ ở Gia Lai vô cùng lớn, không chỉ là hàng trăm mà là hàng ngàn di tích nếu được tìm tòi, phát hiện. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu anh em cần”. “Anh em” ở đây chính là những người anh từng làm việc chung trước đây như các anh: Trần Đình Luân, Huỳnh Bá Tính hay Hồ Xuân Toản (Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh)…

Anh Toàn cho biết: “Quãng thời gian làm việc tại Gia Lai, chúng tôi như anh em trong nhà. Tôi được mọi người hỗ trợ hết mình. Tôi mong có thể hỗ trợ đào tạo đội ngũ liên ngành với mình tại địa phương, điều đó giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu. Hiện nay, người chịu học khảo cổ đã hiếm, người làm khảo cổ còn hiếm hơn, những người làm nghiên cứu phải gọi là hiếm quý. Làm chuyên môn khảo cổ khó lắm, cần quá trình tích lũy hàng chục năm. Đó là với người giỏi, có đam mê thực thụ. Người không đam mê thì có khi cả đời cũng không làm được gì. Đào tạo được một vài người có chuyên môn, vững về khảo cổ tại địa phương cũng giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học”.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.