Trong số những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Nhật Bản năm 1945, bà Phạm Thị Nguyệt (sinh năm 1928, quê gốc ở Nam Định, tản cư lên Thái Nguyên) may mắn hơn vì được sang Nhật cùng chồng và các con năm 1960.
Bà Nguyệt lấy ông Motoyama Kyuzou (sinh năm 1921, tên Việt Nam là Hoàng Văn Hạc) năm 1945. Tại chiến khu Việt Bắc, lúc này ông Hạc đã gia nhập Việt Minh, hướng dẫn bộ đội sử dụng vũ khí, phục vụ kháng chiến chống Pháp.
Chị Hoài chia sẻ lại câu chuyện gia đình với PV. |
Sau đó, gia đình di chuyển về xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, ông bà mưu sinh bằng nghề mài dao kéo, bán than, có với nhau 5 người con. Năm 1960, chồng bà Nguyệt phải trở về nước, lúc này Chính phủ Nhật cho phép ông mang vợ con đi cùng, tuy nhiên mẹ của bà Nguyệt tuổi cao sức yếu, không người chăm sóc, vợ chồng bà đành để lại người con lớn nhất là Hoàng Xuân Nam ở lại Thái Nguyên chăm sóc bà ngoại.
"Ai cũng nghĩ ông tôi là người Việt"
Chị Hoàng Thị Thanh Hoài (43 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội) là con gái thứ của ông Nam, cháu nội bà Nguyệt kể với chúng tôi: “Năm 1960, ông bà và các cô chú tôi về Nhật, chỉ 1 năm sau mọi người đã liên lạc với bố tôi ở quê nhà. Lá thư nào ông bà cũng nói thương bố tôi nhất trong số 5 anh chị em. Ngày tôi còn nhỏ, có lần, ngoài quần áo, xe đạp, ông bà còn gửi một chiếc cassette cho bố, có băng trong đó nghe rõ tiếng bà tôi nói: “Nam ơi con có khỏe không?”.
Năm 1980, bà Phạm Thị Nguyệt (lúc này lấy thêm tên Nhật là Motoyama Asako) lần đầu trở về Thái Nguyên thăm con cháu. Ôm người con trai lớn đã 20 năm xa cách, bà Nguyệt khóc rất nhiều. Bà kể lại những ngày gian khổ đầu tiên khi sang đất khách quê người.
Chị Hoài và bố Nam lần đầu sang Nhật thăm ông Hoàng Văn Hạc. |
Chồng làm ở công trường thu nhập eo hẹp, bà Nguyệt không nói được nhiều tiếng Nhật, nghề nghiệp không có, 4 người con đang tuổi ăn học, do đó, bà không ngại việc gì để có thêm chút tiền công. Nếu những người phụ nữ Nhật khác khi lập gia đình chỉ ở nhà quán xuyến nhà cửa thì bà Nguyệt mỗi ngày phải dãi nắng dầm mưa hơn 8 tiếng ngoài công trường xây dựng để cõng gạch, xách nước đến khi đôi tay phồng dộp, đau rát. Vừa làm thuê, bà Nguyệt vừa tự học tiếng Nhật từ chồng và các con, sau này, bà nghe - nói giỏi không kém gì những người bản địa.
Năm 1986, bà Nguyệt và ông Hạc cùng về lại quê hương Việt Nam nơi họ đã gặp nhau và nên duyên chồng vợ. Trong tâm khảm chị Hoàng Thị Thanh Hoài, hình ảnh của ông bà nội chị ngày đó vẫn còn nguyên vẹn: “Ông tôi hiền lắm. Tiếp xúc với ông, ai cũng nghĩ ông là người Việt Nam vì ông hiểu nhiều về Việt Nam, nói, viết tiếng Việt thành thạo. Ông hay bảo với tôi: “Dù thế nào, trong trái tim ông, Việt Nam luôn là quê hương”. Bà tôi đi thăm khắp họ hàng ở Thái Nguyên, gặp ai cũng mừng mừng tủi tủi. Ông bà hay bế con gái của chị tôi, cho vào trong áo khoác, kéo khoá lên và nựng bằng những bài enka (một thể loại nhạc Nhật). Ngày ông bà về, hàng xóm bạn bè qua chơi rất đông, mọi người gọi ông bà tôi là anh chị Hạc”.
Theo chị Hoài, chính vì nặng lòng với Việt Nam, khi ông Hạc mất năm 2005, một nửa tro cốt của ông để lại Nhật, nửa còn lại được mang về Thái Nguyên chôn cất đúng như di nguyện.
Ông Hạc, bà Nguyệt và 4 người con, ảnh chụp trước khi sang Nhật. |
Năm 1995, chị Hoàng Thị Thanh Hoài và bố Hoàng Xuân Nam lần đầu tiên được sang Nhật gặp gỡ cùng đại gia đình. Thế nhưng hơn 30 năm đã trôi qua, ngôn ngữ đã trở thành bức tường quá lớn khiến anh em không hiểu tiếng nói của nhau, họ chỉ ôm nhau mà khóc.
Bà Nguyệt, ông Hạc phải phiên dịch cho các con giao tiếp với nhau. Ông bà Nguyệt thốt lên: “Là anh em mà không hiểu nhau tiếng nói”. Chị Hoài chứng kiến tất cả và rất đau lòng, chị quyết tâm học tiếng Nhật, kết nối những thành viên trong gia đình mình.
Cuộc đoàn tụ của gia đình ông Hạc những năm sau này. |
Trở thành cầu nối Việt - Nhật
Từ đăng ký học tiếng Nhật trong trung tâm của ĐH Ngoại thương Hà Nội, chị Hoàng Thị Thanh Hoài thi đỗ vào khoa tiếng Nhật, ĐH Hà Nội. Sau thời gian đi dạy thêm, làm thêm trong các công ty Nhật, chị tốt nghiệp khoa tiếng Nhật với bằng khá giỏi. Chị Hoài thường xuyên viết thư bằng tiếng Nhật, gọi điện thoại trực tiếp sang cho ông bà nội và các cô chú. Tiếng Nhật cũng giúp chị được làm trưởng đại diện của tổ chức chống mù lòa châu Á Nhật Bản tại Hà Nội, nơi chuyên hỗ trợ phẫu thuật đục thủy tinh thể hoàn toàn miễn phí cho những bệnh nhân nghèo khắp Việt Nam. Ngoài ra, người phụ nữ có nick name Hoài Sakura cũng là cố vấn cho Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tại phố Phó Đức Chính, Hà Nội.
Năm 2005, ông nội chị Hoài mất, 1 năm sau bố chị qua đời, năm 2012, bà nội chị cũng trút hơi thở cuối cùng tại Nhật, song sợi dây liên lạc Việt - Nhật vẫn tiếp nối.
Chị truyền cho con gái 6 tuổi và các cháu của mình tình yêu nước Nhật. Hiện nay, một cháu gái 26 tuổi của chị vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội được học bổng tiếp tục được đào tạo tại Hokkaido, Nhật Bản. Chị Hoài cũng là thành viên trong ban liên lạc những gia đình có người thân là “người Việt Nam mới”, mọi người thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ nhau. Người phụ nữ tâm niệm, cả hai quê hương luôn theo mình trong hành trình thắp sáng đôi mắt cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, đúng như tâm niệm “giúp ích cho đời” mà ông bà nội chị thường nhắn nhủ.
Theo thanhnien