Những mối tình đôi bờ vĩ tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hơn 7.000 ngày đêm khắc khoải đợi chờ, có những mối tình đã nảy nở ở cả hai bờ nam bắc. Tình yêu và sự sống mang theo hy vọng cũng là những điều chưa từng nguội tắt suốt hơn 20 năm dòng Bến Hải, cầu Hiền Lương bị chia đôi, xẻ nửa.

 

Ông Trinh và o Thiến kể lại chuyện đám cưới 2 lần không đón được dâu của mình bên dòng Bến Hải. (Ảnh: Thành Đạt)
Ông Trinh và o Thiến kể lại chuyện đám cưới 2 lần không đón được dâu của mình bên dòng Bến Hải. (Ảnh: Thành Đạt)

Từ đám cưới 2 lần không dâu….

Căn nhà nhỏ của ông Lê Viết Trinh và bà Trần Thị Thiến nằm sát con lộ dẫn vào làng Bách Chữ. Năm nay đã ngoài 90, nhưng những lúc rảnh, ông Trinh vẫn… đọc thơ tình tự làm hồi trai trẻ cho bà Thiến nghe.

Ngồi sau hông nhà, nhìn ra dòng nước đỏ ngầu đang cuồn cuộn chảy, ông kể lại “thiên tình sử” khó quên của mình với hai đám cưới… không dâu trong những ngày Bến Hải chia cách đôi bờ.

“Năm 1961, tôi bị giặc bắt và bị đưa vào lao Quảng Trị. Tại đây, tôi đã gặp ‘mụ’. Lúc nớ, mụ không mến vì nghi tôi là nội gián của địch. Mãi tới tận sau này khi đã ra ngoài, mụ mới biết tôi là người của cách mạng”.


 

 O Thiến bên căn bếp nhỏ chuẩn bị bữa ăn cho ông Trinh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
O Thiến bên căn bếp nhỏ chuẩn bị bữa ăn cho ông Trinh. (Ảnh: Thành Đạt)


Hai con người cùng cảnh ngộ, cùng niềm tin nhanh chóng quý mến nhau. Họ bắt đầu nghĩ về một đám cưới nho nhỏ nhưng đầy hạnh phúc.

Trong bức thư “cầu hôn” 2 năm sau, ông Trinh đã viết: “Trong khung cảnh hòa bình, người già trẻ lại, người trẻ trẻ thêm, tay cầm viết thư cho Thiến, không biết Thiến có nhận lời cho không. Nhưng dù sao tôi vẫn viết thơ này vì chúng ta từng hiểu nhau, từng sống với nhau trong lao tù Quảng Trị. Riêng tôi còn thiếu một người ôm ấp hôm sớm, Thiến chắc cũng thiếu người sẻ chia chăn gối. Năm Nhâm Dần đang dang cánh, Thiến đừng chần chừ làm lỡ duyên nợ Thiến nghe”.

Vào thời khắc ấy, cả hai ông bà đều không thể tưởng tượng được rằng lễ cưới nhỏ mà họ ước mong sẽ phải hoãn lại đến 2 lần và kéo dài mãi tới tận 6 năm về sau. Bởi, ngay khi đám hỏi chuẩn bị diễn ra thì o Thiến lại bị địch bắt và giam cầm trong 3 năm. Chúng dùng đủ ngón đòn tra tấn dã man… Chúng thậm chí còn đào lỗ chôn o Thiến chỉ để lộ ra đầu để uy hiếp.


 

 O Thiến trầm tư kể lại ký ức buồn những ngày trong tù. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
O Thiến trầm tư kể lại ký ức buồn những ngày trong tù. (Ảnh: Thành Đạt)


“Chúng tuyên bố sẽ đập cho tui không thể làm vợ, làm mẹ được nữa. Lúc nớ, mệ ông Trinh vào thăm, tui đã khóc mà bảo bà: Có lẽ con sẽ bị đưa ra đảo thôi, mệ bảo anh ấy đừng đợi nữa. Có ra được thì con cũng không thể sinh con được đâu mệ ạ”.

Ở làng Bách Chữ, nhận tin của người thương, lòng ông Trinh quặn thắt. Những hình ảnh của “người phụ nữ vô địch” - như cách ông vẫn gọi bà - lại khiến chàng trai bên bờ nam vĩ tuyến quyết định… vọng thê. Ông bắt đầu… làm thơ, tìm cách gửi vào cho bà.

Nước khe trong in soi bóng mát
Hoàng hôn rơi ngơ ngác vì ai
Duyên kia ai rẽ hời trời
Bên miền giới tuyến có người ngẩn ngơ


3 năm sau, o Thiến trở lại Trung Giang. Không lâu sau, đám cưới lần hai được cử hành. Những tưởng hạnh phúc sau cùng cũng tới thì địch lại ập vào ngay khi buổi lễ đang diễn ra, bắt cô dâu đi vì… tình nghi bà liên quan tới cách mạng.

“Tên toán trưởng chỉ huy khi nớ còn nói: Để tao coi vợ chồng con Thiến có lấy được nhau không”, bà Thiến cười lành lẽ.


 

Sông Bến Hải nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm với o Thiến. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Sông Bến Hải nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm với o Thiến. (Ảnh: Thành Đạt)


Ở trong tù, vừa căm thù giặc, vừa thương chồng, nhớ quê, o thêu lên chiếc gối cưới một đôi bồ câu trắng. Phía dưới là một người thiếu nữ đang chèo đò giữa dòng Bến Hải lặng lờ trôi cùng dòng chữ: “Lương Giang nước chảy lượn lờ/Có người con gái duyên thơ chèo đò” để gửi ra cho ông. Sau 3 tháng, do không thể khai thác được bất cứ thông tin nào, Mỹ, ngụy mới thả cho o về.

Tới tận lúc này, sau 6 năm đợi chờ và thử thách, cặp vợ chồng bờ nam ấy mới có thể được ở chung một nhà. Đám cưới không dâu ngày nào nhanh chóng trở nên… có hậu khi chỉ 1 năm sau, cậu con trai đầu tiên ra đời trong niềm mong chờ và niềm hạnh phúc khôn nguôi…


 

 Năm nay đã ngoài 90, nhưng những lúc rảnh, ông Trinh vẫn… đọc thơ tình tự làm hồi trai trẻ cho bà Thiến nghe. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Năm nay đã ngoài 90, nhưng những lúc rảnh, ông Trinh vẫn… đọc thơ tình tự làm hồi trai trẻ cho bà Thiến nghe. (Ảnh: Thành Đạt)


Hơn 50 năm sau, ông lão vẫn khà khà đầy khoái chí khi nhắc lại chuyện xưa. Những câu thơ tình từ hơn 50 năm về trước thi thoảng lại vang lên trong mảnh sân nhỏ rợp đầy bóng cây. Bên cạnh, o Thiến nheo mắt, chốc chốc lại nhắc khi chồng quên. Cả căn nhà nhỏ ven bến Hiền Lương trong khoảnh khắc lại rộn tiếng cười…

… đến lễ vu quy đầu tiên qua cây cầu thống nhất

Gần 10 năm sau đám cưới lạ kỳ của o Thiến mới lại có một lễ vu quy đầu tiên… qua cây cầu thống nhất.

Ngồi trong căn nhà nhỏ tại làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, bà Hoàng Thị Hoa - cô dâu may mắn trong đám cưới lịch sử ngày nào móm mém cười. Dù nhiều năm đã qua đi, nhưng bà Hoa vẫn kể vanh vách “chuyện tình” đặc biệt của mình.

 

 Bà Hoàng Thị Hoa - cô dâu may mắn trong đám cưới lịch sử ngày nào móm mém kể lại câu chuyện tình của ông bà. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bà Hoàng Thị Hoa - cô dâu may mắn trong đám cưới lịch sử ngày nào móm mém kể lại câu chuyện tình của ông bà. (Ảnh: Thành Đạt)


Vốn là người làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trước giải phóng, bà Hoa là du kích… miền nam. Năm 1972, do địch đánh phá ác liệt nên cả gia đình bà đã sơ tán sang bờ Bắc nhưng do không biết đường đã vô tình lạc tới làng Hiền Lương - nơi vị hôn phu sau này, ông Hoàng Nghi đang làm trưởng dân quân du kích. Trong một lần chiến đấu, ba bà Hoa bị thương và được ông Nghi cấp cứu. Hai người cảm mến rồi yêu nhau từ đó.

Thế nhưng, yêu nhau không được bao lâu, do yêu cầu công việc, bà Hoa lại vượt sông về bên kia vĩ tuyến. Nhắc lại chuyện cũ, ông Nghi lập cập giở cho chúng tôi xem cuốn sổ tay ghi chép… mối tình của vợ chồng mình.

 

 Cuốn sổ tay ghi chép mối tình của ông bà Nghi. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Cuốn sổ tay ghi chép mối tình của ông bà Nghi. (Ảnh: Thành Đạt)


“Thời gian ngắn ngủi… Chúng tôi chưa tâm sự được bao lâu thì bà nhận lệnh về lại bờ nam. Chúng tôi chỉ còn chủ yếu trao đổi nhớ thương qua thư tình thời chiến”

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Trong 10 lá thư ông gửi đi, bà chỉ nhận được 2 lá. Liên lạc dần bị cắt đứt. Ông tự nhận khi đó “tâm can tôi rối bời như người mất trí”.

May mắn, sau một thời gian, trong một lần đưa thương binh bờ nam lui về tuyến sau, ông Nghi gặp được người quen biết với người thương. Ngay lập tức, ông xin phép cấp trên để vượt tuyến đi tìm bà. Nhưng ở lần đầu tiên này, họ lại suýt không gặp được nhau. Ghi lại trong nhật ký, ông Nghi viết: “Tôi rất thất vọng nên lên thuyền trở về. Khi thuyền sắp ra tới giữa dòng Bến Hải thì trên bờ tôi thấy thấp thoáng có bóng người. Thì ra, bà ấy đã được gia đình báo lại nên chạy về gặp tôi”.

Khi ấy, mặt bà tái xanh, môi tím ngắt và rét run vì mưa lạnh mùa đông. Cả hai mừng tủi, kẻ trên sóng nước, người dưới bờ cỏ xanh. Ông chỉ kịp tặng bà chiếc áo ấm màu đỏ cùng những nhung nhớ yêu thương trong suốt những ngày dài xa cách. Chỉ kịp thế, thuyền đã nổ máy chạy ra xa trong bóng tối mịt mùng…

Tháng 1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải bị đánh sập cũng được dựng lại 1 năm sau đó. Người dân đôi bờ cũng được qua lại tự do. Đến tận lúc này, ông bà mới quyết định tổ chức lễ cưới. Đó cũng là đám hỏi đầu tiên qua cây cầu mang trong mình ý nghĩa thống nhất non sông.


 

 Vẻ yên bình nơi làng Bách Chữ sát bờ sông Bến Hải như chưa hề có 1 sự chia ly lịch sử. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Vẻ yên bình nơi làng Bách Chữ sát bờ sông Bến Hải như chưa hề có 1 sự chia ly lịch sử. (Ảnh: Thành Đạt)


Một sáng cuối năm 1974…

Từ phía Gio Linh, chiếc ô-tô do bộ đội miền nam ầm ì đưa cô dâu Hoàng Thị Hoa tới sát chân cầu. Từ bên này, nhà trai đi bộ, vượt qua “sông tuyến” ngày nào đón bà về làng Hiền Lương. Một hội trường đơn sơ đã được dựng bằng tranh, tre nữa với hai dãy bàn cũng được đan vội bằng… tre.

Trên bức vách, cặp chim câu cùng dòng khẩu hiệu: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà/Thắm tình non nước thắm tình ta” đã được dán lên đầy trang trọng. Gần 50 khách từ cả đôi bờ đều sang chúc phúc. Một đám cưới đặc biệt đong đầy niềm vui và cả nước mắt của hạnh phúc cứ như thế đã diễn ra. Ông Nghi và bà Hoa, như được lịch sử sắp đặt trở thành chứng nhân cho sự đoàn tụ hai miền, cho giấc mơ non sông một dải đã đau đáu 20 năm trường trên dòng sông lịch sử. Một năm sau, ông bà sinh người con trai đầu tiên và đặt tên là Hoàng Văn Hiền. Chữ Hiền tượng trưng cho Hiền Lương.

 

 Ông Nghi - bà Hoa chiều chiều lại ra sông Bến Hải hoài niệm về những kỷ niệm cũ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ông Nghi - bà Hoa chiều chiều lại ra sông Bến Hải hoài niệm về những kỷ niệm cũ. (Ảnh: Thành Đạt)


Trong những ngày tháng 4 lịch sử 50 năm sau khi Quảng Trị được giải phóng, trong những căn nhà nhỏ hai bờ dòng Bến Hải, những bản tình ca “không thể tin nổi” như của ông Trinh - bà Thiến, ông Nghi - bà Hoa vẫn cứ ngày ngày vang lên. Họ là nhân chứng sống cho tình yêu thủy chung, sự gắn kết sắt son của đôi bờ nam bắc cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất non sông….


Câu hò bên bờ Hiền Lương

Những mối tình hai bờ vĩ tuyến đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp đưa vào ca khúc bất hủ "Câu hò bên bờ Hiền Lương". Câu hò bên bờ Hiền Lương được viết vào năm 1956, khi tác giả đang sống xa quê.

Theo lời kể của cố nhạc sĩ tài hoa, trong thời gian tập kết ra bắc theo hiệp định Genève, ông thường đi dọc theo bờ, đôi mắt đăm đăm nhìn sang bờ nam và nhìn thấy “nhiều em nhiều chị từ bên ấy hình như giả bộ ra sông rửa chân tay để được nhìn lại những người thân bên bờ Bắc...”

Một buổi chiều, nhạc sĩ gặp người gác đèn biển Cửa Tùng cũng là người miền nam tập kết ra bắc, để lại vợ con bên bờ nam. Anh đã kể cho ông nghe nhiều về niềm đau, nỗi nhớ đau đáu của mình. Nghe chuyện, cố nhạc sĩ như muốn khóc. Ngay sau đó không lâu, bài hát bất hủ "Câu hò bên bờ Hiền Lương" đã ra đời.

“Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về
Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê
Xa xa đoàn thuyền nan, buồm căng theo gió xuôi dòng
Bỗng trong sương mờ, không gian trầm lắng nghe câu hò”.


Theo SƠN BÁCH - THÀNH ĐẠT  (NDĐT)

https://nhandan.vn/phong-su-ky-su/nhung-moi-tinh-doi-bo-vi-tuyen-694921/

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.