(GLO)- Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai sau nhiều lần thay đổi tên gọi vẫn kiên cường bám trụ trên vùng đất khát Tây Nguyên. Mốc son của Công ty là đưa dòng nước về tưới cho vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên-cánh đồng Ayun Hạ, cùng những vườn cà phê, hồ tiêu bạt ngàn của vùng đất đỏ Bazan. Những công trình thủy lợi Công ty quản lý không chỉ tạo ra những mùa vàng bội thu năng suất, sản lượng mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Mốc son trên những công trình
Ông Trương Vân-Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty |
Ngày mới thành lập (1983), Công ty quản lý và khai thác 22 công trình thủy lợi nằm rải rác trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum. Lúc này, Công ty chỉ có 35 người, nhưng gánh vác trọng trách “dẫn nguồn nước tưới cho các loại cây trồng đang khô khát nước”; trong khi năng lực tưới của các công trình chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi. Những năm 1985 đến 1987 được xem là giai đoạn Công ty gặp nhiều khó khăn, bởi đây là thời điểm giao thời giữa cơ chế bao cấp và đổi mới, lại phải bàn giao 21 công trình thủy lợi cho các huyện, thị xã quản lý chỉ còn lại duy nhất công trình hồ chứa thủy lợi Biển Hồ. Tuy nhiên, do công tác hoàn thiện thủy nông sau bàn giao triển khai chậm nên hồ chứa và hệ thống kênh mương chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần tưới, chỉ đáp ứng tưới được 300 ha cà phê. Sau thời gian trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu tìm giải pháp tưới tiêu mới cho cây trồng đạt hiệu quả cao nhất; tập thể lãnh đạo Công ty chọn giải pháp thường xuyên vận động các nông-lâm trường trong khu tưới của công trình chủ động xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, áp dụng giải pháp sáng tạo kỹ thuật “tưới tự chảy cho cây cà phê”. Với giải pháp tưới mới của Công ty là tưới tràn, lướt nhanh chưa đầy 6 giờ đồng hồ đã tưới được 1 ha cà phê. Nhờ đó, năng suất cà phê vùng tưới Ia Sao thuộc hệ thống thủy lợi Biển Hồ không chỉ đạt 3.600 kg nhân/ha mà diện tích tưới cũng tăng từ 300 ha lên 1.500 ha (gấp 5 lần so với trước khi áp dụng giải pháp tưới mới).
Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thì đến năm 1993 Công ty tái thành lập, tiếp nhận lại và tiếp nhận thêm các hồ, đập thủy lợi từ nhiều địa phương trong tỉnh như: Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Ia Grai, Ayun Pa… Khó khăn lớn nhất trong thời gian này là nhiều công trình lớn như Ia Glai, Ia Hrung, Hoàng Ân… đã xuống cấp chỉ tưới từ 10 ha đến 30 ha cây trồng các loại. Để phục hồi năng lực tưới của từng công trình, ưu tiên lớn nhất trong thời điểm này là “chống xuống cấp các công trình-tập trung mở rộng diện tích tưới” đã trở thành khẩu hiệu hành động của Công ty. Cụ thể hóa mục tiêu trên, hàng năm, Công ty sử dụng 50% doanh thu trích lại từ nguồn thu thủy lợi phí tập trung đầu tư sửa chữa công trình. Chỉ trong thời gian ngắn, năng lực tưới của các công trình được phục hồi trở lại, hiệu quả tưới tăng gấp 15 lần so với lúc mới tiếp nhận. Cá biệt, diện tích tưới của nhiều công trình đạt trên 70% so với thiết kế.
Trụ sở làm việc Công ty. |
Năm 1996 Công ty lại chuyển đổi tên gọi từ Thủy nông sang Công ty Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai hoạt động theo mô hình “Hoạt động công ích” theo tinh thần Nghị định 56/CP. Công ty tiếp nhận sáp nhập Xí nghiệp Thủy nông Ayun Pa vào Công ty cùng với 14 công trình lớn, nhỏ khác trải dài ở 10 huyện, thị xã, thành phố phục vụ tưới cho 19.361 ha, trong đó đảm bảo tưới tự chảy cho 16.000 ha cây trồng các loại.
Dấu son đậm nét trong hoạt động của Công ty trong thời điểm này không chỉ giải được cơn khát cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu; đặc biệt là vận hành công trình thủy lợi Ayun Hạ phục vụ tưới cho cánh đồng lúa nước 13.500 ha, năng suất, sản lượng ổn định vào loại bậc nhất Tây Nguyên… cung cấp nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai; Nhà máy Nước Ayun Pa; Nhà máy Chế biến Mủ cao su Chư Sê; Công ty Điện Gia Lai… Nhờ đó đã góp phần mang lại sự ấm no cho người dân từ nguồn nước của hệ thống các công trình thủy lợi Công ty quản lý.
Sáng tạo để phát triển
Hiện tại, đơn vị đang quản lý và khai thác 36 công trình thủy lợi lớn và vừa. Tổng năng lực tưới thiết kế là 30.586 ha, trong đó tưới ổn định trên 27.000 ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp và ao nuôi trồng thủy sản… Các công trình mang về nguồn thu thủy lợi phí khoảng 9 tỷ đồng/năm. Từ năm 2009 đến nay với chính sách thủy lợi phí Nhà nước trả thay dân, mỗi năm giá trị thủy lợi phí và tiền nước của Công ty đạt từ 18 tỷ đồng đến 34 tỷ đồng/năm, đủ bù đắp cho chi phí hoạt động và sửa chữa công trình của Công ty.
Đặc biệt, khoảng 10 năm gần đây, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của giám đốc Công ty và các cộng sự áp dụng vào thực tiễn đã làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng. Điển hình là các giải pháp: “Tổ chức khai thác các tiềm năng đa mục tiêu từ hồ chứa thủy lợi Ayun Hạ đạt hiệu quả kinh tế cao” làm lợi 1,2 tỷ đồng; “Sáng tạo biện pháp bổ sung nước tưới cho công trình Ia Hrung và cải tiến kỹ thuật trong Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Biển Hồ” làm lợi gần 15,3 tỷ đồng, đồng thời chống được hạn cho 200 ha cây trồng khác, tưới thêm 100 ha cà phê; “Cải tiến ngưỡng tràn xả lũ, tăng dung tích hiệu dụng hồ chứa nước Hoàng Ân phục vụ chống hạn cuối vụ và mở rộng diện tích tưới”, giá trị làm lợi 4,5 tỷ đồng...
Qua 31 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Công ty đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: - Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. - 1 cờ thi đua và 2 bằng khen của Chính phủ. - Nhiều bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Gia Lai. - Thương hiệu “Thủy lợi Gia Lai” của Công ty nằm trong top 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2008. Chứng nhận “Doanh nghiệp văn hóa UNESCO Việt Nam” năm 2009. Cúp “Tam nông” vì sự phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn Việt Nam năm 2010. Giám đốc Công ty được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, ba; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 bằng lao động sáng tạo... |
Cùng với hoạt động tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh Công ty không ngừng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Mỗi thành viên trong Công ty đều tự giác tham gia hoạt động an sinh-xã hội, các hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, đặc biệt là hoạt động tưới tiết kiệm nước góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu, khu vực và tỉnh mang lại niềm tin cho người dùng nước và nhân dân.
31 năm thành lập, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, cán bộ công nhân viên Công ty vẫn đứng vững, Công ty đã có những bước đi vững chắc. Nguồn nước mát lành không ngơi nghỉ hàng ngày theo hệ thống kênh mương về với ruộng đồng của người dân làm cho Tây Nguyên ngày càng xanh tươi đã khẳng định việc làm hiệu quả, thiết thực của Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai từ ngày thành lập đến nay.
Trương Vân
(Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty)