Những hướng dẫn viên du lịch "chân đất"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họ là những người nông dân chính hiệu, gắn bó cả cuộc đời mình với nương rẫy. Ấy vậy mà, mỗi khi có khách thập phương tới tham quan cảnh sắc thiên nhiên, trải nghiệm đời sống văn hóa ở buôn làng của mình, họ lại trở thành những hướng dẫn viên du lịch gần gũi, thân thiện.
Khi dã quỳ dệt thảm vàng thơ mộng trên các triền đồi cũng là lúc Gia Lai bước vào mùa lễ hội-mùa đón khách du lịch. Du khách bị “hớp hồn” không chỉ ở cảnh đẹp mà còn bởi những người nông dân chất phác, những già làng uy tín… nay trở thành những hướng dẫn viên du lịch, giúp họ có nhiều trải nghiệm lý thú ở vùng đất tươi đẹp, giàu bản sắc này.
Làm hướng dẫn viên ngay trên vườn cây của gia đình
Mới 8 giờ sáng, vườn dâu của anh Puih Minh (làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã đón những du khách đầu tiên đến tham quan, trải nghiệm. Anh xuất hiện với vẻ rắn rỏi, chân chất của một nông dân thực thụ.
Đưa đôi bàn tay chai sạn nâng đỡ những chậu dâu tây xanh mướt đang độ trổ bông, anh Minh cười hiền, giới thiệu với mọi người: “Mong muốn đem những sản phẩm sạch đến người tiêu dùng, tôi đã đầu tư trồng dâu tây theo hướng hữu cơ. Mô hình này vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa để khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Vườn của gia đình tôi trồng đủ các loại dâu tây như: New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… với quy trình sản xuất sạch, tưới nhỏ giọt, sử dụng phân hữu cơ, tạo môi trường cho cây phát triển thuận lợi”. Nói rồi, chàng trai người Jrai tự tin dẫn đoàn khách đi trải nghiệm quy trình trồng dâu sạch của mình.
Hình ảnh anh nông dân trán lấm tấm mồ hôi, tay chân còn dính đất vui vẻ chuyện trò, nhanh nhẹn hướng dẫn khách tìm hiểu các công đoạn trồng dâu đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng nhiều người. “Tôi cũng đã rèn luyện rất nhiều để tự tin hơn trong giao tiếp. Lúc đầu, thấy đoàn khách lạ vào vườn, tôi cũng bỡ ngỡ và e ngại lắm. Nhưng khi biết được nhu cầu của khách, tôi đã mạnh dạn học cách làm hướng dẫn viên. Ngoài việc nói về vườn dâu của mình, tôi còn giới thiệu cho họ những địa điểm du lịch tuyệt đẹp tại Gia Lai”-anh Minh kể.
Anh Puih Minh bên vườn dâu tây sạch của mình. Ảnh: Trần Dung
Anh Puih Minh bên vườn dâu tây sạch của mình. Ảnh: Trần Dung
Về thung lũng làng Kốp (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) mùa này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi thấy vườn cam trĩu quả đang độ chín vàng của gia đình ông Nguyễn Duy Đô. Không ai nghĩ rằng, nơi này nhiều năm về trước lại là một khu đất cằn cỗi, bỏ hoang. Và câu chuyện về người nông dân tiên phong đưa cây cam về trồng trên mảnh đất hoang đã khiến nhiều người tìm đến để tận mắt lắng nghe, tìm hiểu. Đặc biệt, khi đến đây, du khách sẽ được gặp gỡ hướng dẫn viên “chân đất” gần gũi và thân thiện Nguyễn Duy Đô-người đã và đang làm du lịch trên chính mảnh đất của mình.
Gắn bó với vườn cam gần 8 năm nay, ông Đô hiểu rõ từng gốc cây, thớ đất. Thế nên, khi du khách muốn tìm hiểu về sự sinh trưởng và phát triển của vườn cam, ông nói rất say sưa.
Ông chia sẻ: “Khi vườn cam rộng hơn 9 ha vào vụ thu hoạch đầu tiên, người dân khắp nơi vào đây du lịch khám phá, trải nghiệm và tự thu hái cam mang về. Ban đầu, tôi khá lạ lẫm và dè dặt vì trước nay chỉ quen với việc trồng cây, thu hoạch và đem bán chứ không đón khách tới tận vườn như thế này. Rồi sau khi tiếp những đoàn khách đầu tiên, tôi nhận thấy loại hình du lịch này rất thú vị, tạo niềm vui và hứng thú cho bản thân tôi rất nhiều. Tôi mạnh dạn hơn với “nghề mới” là hướng dẫn viên du lịch trên vườn cây của mình”.
Ngoài chăm sóc vườn cây, ông Đô lại dành thời gian tìm hiểu về loại hình du lịch canh nông để bản thân nắm bắt và làm tốt hơn vai trò của một hướng dẫn viên. “Từ một lão nông chỉ biết cày đất, trồng cây, nay tôi đã biết cách giao tiếp để khách đến đây có ấn tượng tốt về vườn cam, về vùng đất và con người Gia Lai”-ông Đô bày tỏ. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của chủ vườn, du khách được hòa mình với khung cảnh thiên nhiên, vào vai những nông dân thực thụ, tự tay thu hái đặc sản nông nghiệp bản địa.
Vừa đến thăm Gia Lai, chị Nguyễn Nhật Minh Tâm (Hà Nội) đã tìm tới vườn cam của gia đình ông Đô để trải nghiệm. Chị Tâm chia sẻ: “Khi cuộc sống ngày càng áp lực, môi trường ô nhiễm thì con người ta sẽ hướng về thiên nhiên nhiều hơn, sản phẩm nông nghiệp sạch cũng được ưu tiên lựa chọn. Điều tuyệt vời hơn hết là khi về đây, chúng tôi được những hướng dẫn viên chất phác, thật thà chính là chủ vườn tiếp đón, giới thiệu và chuyện trò thân thiện. Tôi khá ngạc nhiên vì khả năng của những người nông dân ở đây. Họ tiếp đón rất nhiệt tình và chuyên nghiệp khiến chúng tôi thấy mình trở nên rất đặc biệt”.     
Già làng làm “đầu tàu” phát triển du lịch
Làng Ia Gri nằm ẩn mình bên những gốc cổ thụ quần tụ dưới chân núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh), cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Mỗi khi có lễ hội, già làng Djăi lại là người đứng ra hướng dẫn bà con tiếp đón du khách, nhắc các thành viên trong đội múa xoang, đội cồng chiêng tập luyện, dặn dò thanh niên trong làng chuẩn bị các món ăn ngon, độc đáo đãi khách…
Những năm gần đây, làng Ia Gri được biết đến như một địa chỉ du lịch hấp dẫn không chỉ của huyện Chư Păh bởi vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ và sự kỳ vĩ của ngọn núi lửa Chư Đang Ya. Già Djăi cùng dân làng vui mừng khi được đón du khách gần xa tới tham quan ngọn núi lửa này cũng như tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Jrai. “Ngày trước, không nhiều người lạ tới đây. Chúng tôi hầu như sống cách biệt với bên ngoài. Bây giờ thì khác rồi, chúng tôi được gặp gỡ, chuyện trò với du khách gần xa, có cả người nước ngoài nữa”-già Djăi tự hào. 
Khi vào mùa dã quỳ bung sắc, làng Ia Gri lại thu hút nhiều du khách đến khám phá, chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm… Từ đó, già làng Djăi cũng trở thành một... hướng dẫn viên du lịch. Đưa đôi mắt trầm đục nhìn về hướng ngọn núi lửa hùng vĩ, già Djăi chậm rãi kể: Ngọn núi lửa ấy giống như nóc nhà, như người mẹ che chở và nuôi dưỡng dân làng. Vì thế, khi du khách thập phương tới đây, chúng tôi là người hiểu rõ nhất về những câu chuyện xung quanh ngọn núi để kể lại tường tận cho họ nghe. Nếu trước đây, người làng chỉ giao tiếp với nhau bằng một thứ tiếng của người Jrai thì nay, chúng tôi phải tự trau dồi, học tiếng phổ thông để có thể làm hướng dẫn viên du lịch.
 Già Pich (bìa phải; làng Xóa, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) phấn khởi chuẩn bị ghè rượu cần đón khách du lịch. Ảnh: Trần Dung
Già Pich (ngồi giữa; làng Xóa, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) phấn khởi chuẩn bị ghè rượu cần đón khách du lịch. Ảnh: Trần Dung
Cũng như già Djăi, già Pich (làng Xóa, xã Chư Đang Ya) vẫn còn nhớ rõ sự bỡ ngỡ, rụt rè của mình khi đón đoàn khách du lịch đầu tiên vào làng. “Họ vào nhờ tôi đưa đi tham quan ngọn núi lửa và xin được giao lưu rượu ghè, cồng chiêng với làng. Tôi rất bất ngờ và lạ lẫm, nhưng sau khi trò chuyện, chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Đêm đó, làng đốt lửa trại đón khách, nắm tay nhau nối những vòng xoang”-già Pich tâm sự.
Kiểm tra lại những ghè rượu cần đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón du khách tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, già Pich phấn khởi lắm. Già sẽ được kể cho mọi người nghe những câu chuyện của làng, chuyện về những mùa dong riềng, mùa khoai lang mật… trên miệng ngọn núi lửa Chư Đang Ya. Biết rằng, du khách rất thích hình thức du lịch đi bộ lên núi nên già đã đi khảo sát trước những con đường an toàn và thuận tiện nhất.
“Các già làng giống như nhân chứng lịch sử. Chỉ có họ mới hiểu hết từ đường đi nước bước cũng như lịch sử, văn hóa tại địa phương. Khi dẫn khách, già làng có thể “thổi hồn” vào những câu chuyện để hấp dẫn du khách. Mùa lễ hội nào cũng không thể thiếu sự góp mặt của các già làng-những hướng dẫn viên du lịch “chân đất”-ông Đinh Văn Thủy-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya-cho hay.
Già Đinh Thị Lăm (ở giữa-làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) nổi tiếng bởi tài nghệ “hướng dẫn viên du lịch”. Ảnh: Trần Dung
Già Đinh Thị Lăm (ở giữa; làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) là một hướng dẫn viên du lịch có tiếng ở làng. Ảnh: Trần Dung
Làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cũng là địa chỉ hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Bahnar. Già Đinh Thị Lăm-một hướng dẫn viên du lịch có tiếng của làng-vui vẻ nói: “Làng mình có nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc nên du khách rất thích thú. Gần 5 năm nay, cứ vào mùa lễ hội từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mình được đón tiếp, gặp gỡ rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài những giờ trên nương rẫy thì việc làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách tham quan cũng đã trở thành niềm vui và tự hào của mình”.
Chị Trần Thị Bích Ngọc (công chức Văn hóa-Thông tin xã Kông Lơng Khơng) cho rằng, già làng có vai trò rất lớn trong việc tạo ấn tượng đối với khách du lịch. “Văn hóa bản địa ở đây mang vẻ đẹp rất đặc trưng. Sau khi được trải nghiệm dệt vải và giao lưu văn hóa với dân làng, nhiều du khách tỏ ra rất thích thú. Cũng đã có rất nhiều người cho biết sẽ quay lại vùng đất này vì sự duyên dáng, mến khách của những già làng”-chị Ngọc thông tin.
Hình ảnh những người nông dân chất phác, những già làng làm hướng dẫn viên du lịch ở Gia Lai đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ và mới mẻ cho khách thập phương. Chính những hướng dẫn viên du lịch “chân đất” ấy đã góp phần đưa hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai vươn xa…
MAI KA

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…