Những đứa con của hỏa thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao giờ chúng cũng bắt đầu bằng một tiếng hét và lần nào tôi cũng bắt đầu bằng việc phân tích tiếng hét ấy. Lúc thì tôi nghe ra “huayaaaaa”, một tiếng hô vô nghĩa, cũng có khi nó là tiếng “hỏa đây” bị bóp méo như đang thông báo về những trái cầu lửa sắp sửa phun ra từ khuôn miệng xinh xinh.
 
 
Hai má căng phồng như con cá phùng mang bơi trong cái nóng chợt bừng lên. Sau đó, em sẽ nuốt ngọn lửa, hoặc chà que lửa vào cánh tay hay cẳng chân trần khẳng khiu, làm chúng bóng lên như đồng đen. 
Trong khi cô bé đang biểu diễn cùng đuốc lửa, một thằng nhóc khác cầm lon thiếc, im lặng đến từng bàn xin tiền. Chúng có thể là hai chị em hoặc đơn giản chỉ là hai kẻ côi cút lủi thủi nương nhờ ngọn lửa để kiếm cơm qua bữa. Cũng giống như tôi đang nương nhờ hè phố này, gom số tiền trợ cấp dựng một quán cà phê, chăng thêm đèn lấp lánh, trang trí hoa hòe hoa sói, vậy là sang trang đoạn đời từ nhân viên văn phòng thành ông chủ một “cơ nghiệp”. Tôi không rõ lắm chill nghĩa là gì. Lũ bạn bảo tôi đang sống cuộc đời thật chill. Nếu như chill là vứt bỏ tất cả những kỹ năng mất mười mấy năm học hỏi để bán nước cho đám lóc nhóc thì quả tôi đang chill vậy. 
Nhưng những người ngày ngày giễu qua trước mặt tôi có đang chill không? Như cậu chàng hát rong kia, say sưa hát dù những que kẹo trên tay không vơi đi chút nào, dù rằng những khách đang nói nói, cười cười chẳng ai thèm nghe cậu. Mà trách chúng làm gì, chúng xuân như cô dâu mới mà đời còn lắm cuộc vui, chàng ca sĩ là cô dâu của ngọn đèn vàng còn em gái ngậm dầu là cô dâu của lửa đỏ. 
Còn tôi là cô dâu của dịch bệnh, khi con Cô Vy kéo tuột tôi từ phòng máy lạnh trong tòa cao ốc về lại mặt đất. Tôi như loài thú nhỏ trong kỷ băng hà, nhờ thế mà tồn tại. Tôi lập quán này và bắt đầu mơ những kỷ phấn trắng, cái thời nhiều triệu năm về trước, ấm đến mức trái đất gần như không băng giá và nước biển lên cao hơn bao giờ hết. Hệt như bây giờ, nước đang ngoạm lấy chân tôi. Trời không mưa nhưng triều lên rất vội, cái quán nhỏ của tôi nhanh chóng trở thành cô đảo giữa mênh mông sông nước. 
Sau này, nếu viết hồi ký, hẳn tôi sẽ kể về cảnh này: “Từ giữa biển nước, chi nhánh đầu tiên của thương hiệu nhượng quyền thành công nhất Việt Nam hiện nay đã trồi lên, sừng sững và bất chấp”. Nghe thiệt rổn rảng. Nhưng biết đâu được. Chuyện gì cũng có thể xảy ra…  
Khi đợt dịch đầu tiên kéo qua, không chỗ nào có nhu cầu tuyển dụng. Tôi xếp hàng đi xin trợ cấp thất nghiệp. Đời sống le lói kháng cự, rồi gần như tắt hẳn. Tôi bập bùng như một bóng ma lượn lờ qua những ngõ vắng. Người ngoài nhìn vào cứ bảo tôi sống đời chill, nhưng chỉ tôi biết, tôi đang chill trong sự khốn khổ của mình. 
Bây giờ nhớ lại, tôi tự hỏi cái bầu đoàn hát hò, múa lửa, diễn xiếc, ảo thuật đang nhốn nháo trước chỗ làm ăn của tôi đã sống ra sao trong những ngày đó. Ngọn lửa của cô gái kia có sáng lên trong màn đêm, mỗi khi trời trở khuya cô có ngậm dầu đầy miệng, thổi vào trần thế này chút hơi ấm, giống đêm nay đã lựa quán tôi để dừng tạm một đêm. Họ lúc nào cũng cười, phải cười thì người ta mới sống nổi, như hy vọng thì chẳng mất tiền mua.  
Rồi họ lại đi, cái gánh xiếc rong lộn xộn những con người còn không biết tên nhau, không rõ từ vùng nào lưu lạc đến. Thi thoảng họ nói với nhau bằng thứ phương ngữ tôi nghe không hiểu, họ cười đùa, nhưng thông thường họ im lặng, như con chim im tiếng hót chỉ đậu lại múa vài điệu rồi bay đi kiếm sân thóc khác. Cái sân thóc nào có mái che đầu cho mưa khỏi ướt, chứ không phải góc quán tạm bợ của tôi, nơi giờ đây cả khách và gánh xiếc đang chật vật dưới cơn mưa nặng hạt. 
Triều cường bắt đầu dâng theo. Nước lõng bõng dưới chân. Khách co giò, họ đều trẻ, họ vẫn nâng chai, một hai ba - dô, nước thì vẫn dâng, họ bất chấp, họ nói uống bia giữa triều cường mới chill. Tôi mở mấy bài thời thượng, mớm thêm chill cho họ. 
Những người trẻ kia không đi làm nên chẳng sợ thất nghiệp, bão lũ không đến được đây. Kỳ nghỉ xuân thành vô tận. Chỉ có triều cường, kệ lời chúng vẫn lên cao như nói điều ngược lại. Tôi dằn lòng đừng phô trương tiếng thở phào, giữa mùa này, hạnh phúc trở thành điều xấu hổ. 
“Chill lên nào!”. Tôi hét lớn. “Chill phết!”. Họ đáp lời. Tôi thả chân xuống nước, kéo lê chiếc thúng trôi nổi đang đựng mấy chai nước. Ai đó lấy điện thoại chụp hình. Biết đâu chắc ngày mai tôi lên báo. Lũ bạn tôi có thể thấy. Có đứa sẽ cười tôi. Có đứa sẽ khao khát sống như tôi, chúng bảo đó là tự do vì tôi không cần nhìn mặt sếp để biết nên vui hay buồn. 
Tụi cựu-đồng-nghiệp không rõ tôi chỉ là anh văn phòng tập tành làm ăn, nuôi chí lớn và không an phận. Bao năm ngồi ở văn phòng khiến tay tôi lóng ngóng. Đôi chân tội nghiệp của tôi loạng choạng trong nước, đụng phải cô gái đang đùa với lửa. 
Que lửa trên tay em rơi xuống. Ngọn lửa vừa chạm nước liền lịm đi, như khối mặt trời chìm vào lòng biển lạnh, chỉ kịp thoảng lên chút khói. Em cúi người, mò mẫm vớt lên, rồi nhìn nó lắc đầu: “Đọa luôn, ri là đọa luôn” (mệt luôn, như thế này là mệt luôn!). Thấy đôi mắt ngơ ngác của tôi, em cười, ra hiệu không có gì, rồi cố lau khô que lửa. 
Ngôn ngữ là một bức tường, đôi khi tôi thấy mình lạc đi giữa thành phố này chỉ vì ngôn ngữ, có những người nói gì với nhau mà tôi chẳng thể nào nghe ra hay hiểu được. Như đám trẻ đang say sưa cười đùa trong quán này, chúng chỉ cách tôi vài tuổi thôi… 
Mưa càng dày và dai dẳng, cô dâu hỏa thần đang chật vật thắp lại ngọn lửa đã tắt, tiếp tục màn trình diễn. Vẫn là tiếng hét lớn thông báo mà tôi không hiểu. Cái tiếng “huayaaaaa” cứ như tiếng nói cuối cùng của một bộ lạc từ thời thượng cổ bị lưu đày trên mảnh đất người đời. Một bộ tộc tôn thờ Hỏa Thần, đêm nào cũng là lễ hội, khi người ta dâng đứa con của Hỏa Thần lên điện, ở đó chúng sẽ điều khiển ngọn lửa trên tay mình như một thứ ngôn ngữ hình thể để tỏ lòng hiếu thảo với người cha không bao giờ gặp mặt. 
Trong cơn mơ màng của tôi, cô gái vẫn thổi ra liên hồi những tràng lửa dưới mưa. Những đốm hỏa châu vụt hiện như niềm vui sớm lụi tàn trên khuôn mặt bình thản. Qua giọng, tôi biết em đến từ một tỉnh xa xôi nào đó, nơi trời thuộc về những cơn bão, đất thuộc về những trận lụt, còn con người kẹp giữa trời và đất…
Giữa những người đang chill, cái quán này sẽ lại nổi lên, như mặt trời mọc ra từ biển, như thành phố này mỗi sớm mai thức dậy, dù đêm qua có chuyện gì xảy ra, người ta vẫn lại ra ngoài phố, vẫn lại lao đi, vẫn tiếp tục kiếm tìm những vận hội mới. Mặc kệ, rốt cuộc thì tôi cũng lờ mờ nghiệm ra từ chill là gì. 
Nước đã dâng tới gối cô nàng thổi lửa, trong khi mưa lạnh không ngừng trút xuống. Nhưng cô vẫn tin tưởng vào ngọn lửa trong tay mình, rằng từ đôi môi này ngọn lửa sẽ thổi tan hết cơn cuồng nộ của đất trời, hy vọng và tuyệt vọng như một cô dâu không cần áo cưới.
HUỲNH TRỌNG KHANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.