Những "đầu tàu" khuyến học ở thị trấn Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ quỹ khuyến học gia đình, những người nhiệt tâm với công tác khuyến học, khuyến tài tại thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã mở rộng được nguồn quỹ nhiều ý nghĩa này trong dòng họ, hội đồng hương... góp phần lớn xây dựng xã hội học tập.
Duy trì hiệu quả quỹ khuyến học Hội đồng hương tỉnh Hải Dương tại huyện Đak Đoa trong 10 năm qua, Trưởng ban Liên lạc-ông Phạm Minh Cử (tổ 6, thị trấn Đak Đoa) coi đây là việc làm ý nghĩa nhất đời mình. Đến nay, ông vẫn dành trọn trí lực của tuổi 75 cho công tác khuyến học, khuyến tài. Trong 10 năm qua, quỹ của Hội đã chi hàng trăm triệu đồng để trao thưởng, hỗ trợ học tập cho những người con Hải Dương trên quê hương thứ 2. Tuy nhiên, theo ông Cử, không chỉ ở giá trị vật chất mà những phần thưởng ấy còn là sự động viên, khuyến khích, là lòng tin của các thế hệ đi trước gửi gắm vào con cháu.
Ở tuổi 75, ông Phạm Minh Cử vẫn nhiệt tâm với công tác khuyến học của hội đồng hương Hải Dương tại Đak Đoa. Ảnh: N.G
Ở tuổi 75, ông Phạm Minh Cử vẫn nhiệt tâm với công tác khuyến học của hội đồng hương Hải Dương tại Đak Đoa. Ảnh: N.G
Ông Cử bày tỏ: “Chúng tôi quan tâm đến tình hình học tập của các cháu ngay từ bậc học mầm non. Các cháu học hành tiến bộ hay sa sút, chúng tôi đều nắm bắt để động viên kịp thời”. Kinh nghiệm của Hội đồng hương tỉnh Hải Dương tại Đak Đoa là chia 112 hội viên thành 11 chi hội, mỗi chi hội có một “đầu tàu” tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài. Nhờ đó, các thế hệ con cháu Hải Dương tại đây đều chăm lo học hành, nhiều người có trình độ đại học, sau đại học, khẳng định được năng lực trong công việc. Đây là niềm tự hào lớn nhất của những người con Hải Dương trên quê hương Đak Đoa.
Còn ông Đặng Bá Hàm (tổ 5), người chèo lái phong trào học tập của dòng họ Đặng và các thế hệ con cháu quê hương Thái Bình trên vùng đất Đak Đoa suốt 20 năm qua cũng nhận thức rằng: Tinh thần hiếu học là tài sản, truyền thống quý báu của dân tộc nên mỗi người dân phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy. Ông nói: “Khuyến học, khuyến tài có ý nghĩa rất lớn bởi nó là đầu tư cho tương lai. Hội đồng hương Thái Bình tại Đak Đoa mong muốn trở thành điểm tựa và là người bạn đồng hành với các thế hệ con cháu trên con đường học vấn. Chúng tôi rất vui mừng khi buổi gặp mặt hàng năm đều có mặt đông đủ con cháu của 113 hội viên. Phần thưởng cho những thành tích học tập không lớn nhưng các cháu rất phấn khởi”. Cũng theo ông Hàm, quỹ khuyến học của Hội ngày càng lớn mạnh là nhờ sự đóng góp nhiều người con Thái Bình học hành thành đạt và trở thành những Mạnh Thường Quân.


Ông Phạm Bá Dục-Chủ tịch Hội khuyến học huyện Đak Đoa: “Gia đình, dòng họ, hội đồng hương hiếu học là những nhân tố rất quan trọng góp phần phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng những mô hình này và phát triển thêm ở khu dân cư để phối hợp với các trường làm tốt hơn nữa công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học tập”.


Cũng là người đặc biệt tâm huyết với công tác khuyến học, ông Lê Đức Thủy (thôn 5) lại chọn cách bắt đầu từ quỹ khuyến học gia đình. Năm 2004, khi 5 người con đều đã đạt trình độ đại học, thạc sĩ và có gia đình, công việc ổn định, ông quyết định tổ chức một cuộc họp bàn bạc việc thành lập quỹ khuyến học gia đình để thế hệ cháu, chắt tiếp nối tinh thần học tập của cha anh. Sau 15 năm, quỹ khuyến học gia đình ông đã trở thành điểm sáng, dòng họ Lê hiếu học được nhiều người nhắc tới để con cháu noi gương. Ý nghĩa hơn khi cũng chính gia đình ông đã đứng ra thành lập quỹ khuyến học của Hội đồng hương xã Đông Khê (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tại huyện Đak Đoa. Ở tuổi 80, ông giữ trọng trách Chủ tịch danh dự của Hội đồng hương Đông Khê như một “đầu tàu”, hướng dẫn người con trai cả duy trì và phát triển bền vững hoạt động của Hội 4 năm qua. Các con ông đều là những Mạnh Thường Quân ủng hộ quỹ khuyến học của Hội để giúp đỡ con cháu đồng hương vươn lên trong học tập.
Với ông Thủy, không gì quý bằng tình người và tri thức. Việc phát triển quỹ khuyến học ra cả dòng họ, hội đồng hương mang ý nghĩa lớn khi bồi đắp tình người, tinh thần tương thân tương ái cho thế hệ trẻ. “Tôi không muốn con, cháu khi thành đạt chỉ biết đến mình. Do đó, điều tôi mong muốn khi thành lập quỹ khuyến học gia đình, dòng họ rồi Hội đồng hương trước tiên là để khuyến khích con cháu học hành, biết noi theo gương sáng; sau đó là gieo vào các thế hệ sau tinh thần tương thân tương ái để tình người luôn song hành với tri thức”-ông Thủy bày tỏ.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.