(GLO)- Trong suy nghĩ của mỗi người chúng ta, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ mà còn có ý nghĩ về mặt tinh thần rất lớn khi đây là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Với mong muốn xây dựng bữa cơm gia đình đầm ấm trở thành một nếp sống đẹp, năm nay Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chọn chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
“Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm nay gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình năm 2014 là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Qua đó mong muốn mỗi người Việt Nam trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm đồng thời nêu cao các giá trị vô giá của gia đình. Truyền thống, văn hóa của người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn coi bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền-nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Bữa cơm cũng là nơi các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm”-bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cho biết.
Những bữa cơm ấm áp yêu thương của gia đình bà Thu. (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chia sẻ ngọt bùi
Chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) rất vui khi biết mục đích đến thăm của tôi. Là một phụ nữ dịu dàng, chu đáo, luôn đề cao hạnh phúc gia đình, với chị Hiền, bữa cơm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và giữ gìn tổ ấm. “Tôi là giáo viên, công tác tại huyện Chư Sê; chồng tôi là lái xe. Vì điều kiện công việc, hai vợ chồng thường đi sớm về muộn, đôi khi anh ấy có những chuyến đi dài ngày vì thế chúng tôi đã có những quãng thời gian “cơm hàng cháo chợ”, mạnh ai nấy ăn cho qua bữa. Thế nhưng, đây không phải là một giải pháp lâu dài khi các con tôi ngày một khôn lớn; đặc biệt là khi tôi nhận ra, sợi dây liên kết giữa vợ-chồng, giữa bố mẹ và các con ngày càng mỏng manh. Vì thế, chúng tôi đã thống nhất, cả hai cùng cố gắng sắp xếp công việc, không để gian bếp nhà mình nguội lạnh và gia đình thì có được những bữa cơm sum vầy đầm ấm”- chị Hiền chia sẻ.
Chị Hiền cho rằng, bữa cơm gia đình không chỉ là những khoảng thời gian để mỗi người trở về đoàn tụ sau một ngày làm việc mà đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ tâm tư tình cảm, thể hiện sự quan tâm đến nhau, qua đó hiểu nhau hơn, là dịp để những người làm cha làm mẹ giáo dục con cái. “Các con tôi trưởng thành và ngoan ngoãn như ngày hôm nay, phần lớn cũng nhờ vào những dạy dỗ, chỉ bảo của bố mẹ trong những bữa cơm đầy ắp tiếng cười”- chị Hiền cho biết thêm. Suy nghĩ này của chị Hiền cũng là tâm tư của rất nhiều những bậc làm cha, làm mẹ mà tôi có dịp tiếp xúc, chuyện trò. Chị Nguyễn Thị Châu (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bày tỏ: “Chồng tôi làm nghề buôn bán, bận tối ngày, nhưng lại là người quảng giao, gia trưởng và rất kỹ tính trong ăn uống. Vì vậy, để gia đình có được những tiếng cười hạnh phúc, tôi luôn đầu tư thời gian, chăm chút cho từng bữa cơm nhỏ. Trong bữa cơm, cùng với việc nấu cho chồng và các con những món hợp khẩu vị, hợp sở thích, tôi luôn cố gắng tạo một không khí chan hòa ấm cúng, khơi gợi những câu chuyện vui để mọi người cùng thư giãn vui vẻ, từ đó mà thêm hiểu và yêu thương nhau hơn”.
Gắn kết yêu thương
Thực tế cho thấy, dù xã hội có hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì những giá trị truyền thống tốt đẹp, mà cụ thể là bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng. Vì vậy, thật dễ hiểu khi “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” luôn là mong đợi của nhiều người, đặc biệt là với những người trẻ, gia đình trẻ, khi mà đời sống ngày càng bộn rộn. Anh Phạm Văn Triều-công nhân Công ty Thủy điện Ia Ly tâm sự: “Tôi thường đi làm ca, cứ khoảng 2 ngày mới có một bữa ăn ở nhà với gia đình. Vợ tôi là giáo viên, công tác ở Chư Pah, công việc cũng bận, thường đi cả ngày; trong khi các con thì còn nhỏ, thường phải cho các cháu ăn đúng giờ. Vì vậy, có những lúc, tôi cảm thấy như, việc nấu một bữa cơm chung cho cả nhà với đầy đủ các thành viên nhiều khi là “không tưởng”. Cũng bởi điều này nên những khi có thời gian, tôi thích được tự tay đi chợ, giúp vợ nấu ăn; không chỉ thế, thi thoảng vợ chồng tôi còn làm những món ăn ngon mời ông bà ngoại, các anh chị em đến chung vui, cùng nhau chia sẻ, chuyện trò; từ đó mà tình cảm gia đình ngày thêm gắn bó”.
Với gia đình bà Đinh Thị Thu (64 tuổi, hẻm 950, đường Phạm Văn Đồng, tổ 7, phường Yên Thế, TP. Pleiku) thì từ hơn 10 năm nay, khi các con của ông bà đã trưởng thành, đứa nào cũng có một mái ấm riêng thì bà Thu lại thường duy trì những bữa cơm ấm nồng tình thương yêu dành cho con cháu vào các ngày thứ 7 hoặc chủ nhật. Những món bà Thu lựa chọn để nấu trong bữa cơm thường là những món ưa thích của cả nhà như cá kho tương, rau mì muối dưa nấu canh cá, nem sụn… Bà Thu cho hay: “May mắn là các con tôi đều công tác gần nhà nên việc gặp nhau một tuần một lần vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật là điều không khó. Vợ chồng tôi rất vui khi tự tay vào bếp nấu các món ăn của dân tộc mình cho con cháu ăn (vợ chồng bà Thu là người Mường, vào Gia Lai sinh sống từ năm 1998 đến nay-NV). Trong bữa cơm sum họp ấy, tôi không chỉ lắng nghe những tâm tư, tình cảm của các con, những việc các con đang làm mà qua đó, còn động viên, khuyên bảo để các con có thêm niềm tin, giúp các con phần nào trong việc định hướng và dạy con. Vì thế, nhà tôi không phân biệt dâu-rể, các con đều sống rất hòa thuận, biết yêu kính bố mẹ, thương anh chị em, tôn trọng người chồng (vợ) của mình…”.
Thái Bình