Những biến tướng của Pháp luân công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Xuất phát điểm từ việc tập luyện khí công dưỡng sinh, nhiều người đã tu tập Pháp luân công một cách sai lệch, tôn vinh như một thứ tôn giáo khiến nảy sinh nhiều biến tướng, gây thiệt hại đến bản thân và xã hội.  
 
Trần Minh Minh - thủ phạm giết hại con gái từng xin tị nạn chính trị với danh nghĩa thành viên Pháp luân công bị bức hại. ẢNH: AP
Theo thông tin từ Hiệp hội chống tà giáo Trung Quốc, vào đầu thập niên những năm 1990 của thế kỷ 20, tại một số địa phương ở Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng tu tập Pháp luân công một cách sai lệch và biến chứng thành tà giáo.
Theo đó, những người tu luyện đã thực hiện một cách quá cực đoan việc khống chế tinh thần, tổ chức hàng loạt hoạt động tu luyện phi pháp gây hại ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Nhiều biến tướng
Nhiều báo chí nước này nhận định tác hại chính của Pháp luân công “biến tướng” là: xâm phạm nhân quyền, gây hại tới tính mạng. Cũng bởi phương pháp tu luyện quá khống chế tinh thần, mà hơn 1.000 người luyện tập đã chết do tin tưởng vào việc “có bệnh không cần uống thuốc, chỉ kiên trì luyện tập là khỏi”.
Hàng trăm người luyện tập cuồng tín tới mức tự hủy hoại bản thân, thậm chí dẫn đến tự sát. Hơn 30 người vô tội không tham gia tập Pháp luân công cũng bị những kẻ luyện tập cuồng tín sát hại.
 
Bìa sách Tà giáo: Sự thật sau khi bị tẩy não (tác giả Mỹ Rick Alan Ross). ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Theo thống kê của báo chí Hoa ngữ, nhóm cuồng tín tu tập Pháp luân công đã thực hiện những hành vi phá hoại xã hội, xâm phạm quyền lợi chính đáng của dân chúng như phá hoại các thiết bị phát thanh truyền hình công cộng, vệ tinh thông tin, thực hiện các hoạt động gọi điện thoại phá rối, hù dọa với tần suất nhiều, số lượng lớn, thông qua mạng Internet để gửi thư rác…
Báo chí nước này cũng chỉ trích các nhóm cực đoan của Pháp luân công tấn công ác ý vào những cá nhân hoặc tập thể có ý kiến khác không thống nhất với lý tưởng của Pháp luân công, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.
Báo chí phương Tây từng đăng tải vụ giết con gái ruột 5 tuổi tàn nhẫn của cô Trần Minh Minh (29 tuổi, người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ) cùng chồng là Triệu Lượng (34 tuổi, tại bang Ohio, Mỹ) vào ngày 9.1.2017.
Theo vụ án, bà mẹ máu lạnh này đã giết hại con gái ruột bé bỏng 5 tuổi và cùng chồng giấu xác tại tiệm ăn Trung Hoa của gia đình tại Ohio nhưng báo cho cảnh sát là con gái mất tích. Theo điều tra của cảnh sát, cô bé đã bị chết do bị mẹ đấm quá nhiều vào đầu và cặp vợ chồng này lập tức bị tòa án Mỹ kết tội giết người với 22 năm tù cho cô vợ thủ phạm và 12 năm tù cho ông chồng đã bao che.
Theo các báo mạng News Network Channel 5 (Mỹ), The Inquisitr (Mỹ), Dailymail (Anh), thủ phạm vụ án có liên quan mật thiết đến Pháp luân công bởi năm 2009, Trần Minh Minh từng xin tị nạn chính trị vào Mỹ với lý do có liên quan đến nhóm tâm linh Pháp luân công và bị chính quyền Trung Quốc bức hại. Tuy nhiên đơn xin tị nạn của cô đã từng bị từ chối.
Nhiều vụ giết hại trẻ em theo điều tra cũng có dính dáng nhiều đến Pháp luân công. Tối ngày 16.12.1999, Từ Nhiên - một người làm nghề dầu mỏ tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) cũng bị ám ảnh bởi Pháp luân công, giết chết con gái 6 tuổi tại giường.
Ngày 22.4.2002, Quan Thụ Vân (44 tuổi), một kẻ cuồng tín Pháp luân công trước mặt mười mấy bạn đồng môn cùng tu tập đã giết chết con gái chưa đầy 9 tuổi của mình nhằm “trừ ma”. Ngày 10.7.2005, Lý Diễm Chung (33 tuổi, tại TP.Thiên Tân, Trung Quốc) đã dùng dao nhà bếp giết chết con gái 6 tuổi và cháu trai 6 tuổi do quá cuồng tín tập luyện môn phái trên…
Tẩy não để khống chế
Theo cuốn sách Tà giáo: Sự thật sau khi bị tẩy não (tên sách gốc: Cults inside out - How people get in and get out) của tác giả Mỹ Rick Alan Ross, xuất bản năm 2014 cũng đề cập tỉ mỉ đến các giáo phái tà giáo, trong đó có Pháp luân công, Thống nhất giáo, Khoa học giáo…
Cuốn sách được thực hiện trên cơ sở tập hợp những tư liệu thực tế cùng với vốn kinh nghiệm phong phú của tác giả hơn 3 năm nghiên cứu về các nhóm phái tôn giáo tà giáo. Các chuyên gia quốc tế đánh giá cuốn sách này đã lột tả được rõ nét về bản chất của tà giáo. Các giáo phái đã sử dụng “tẩy não” như một phương tiện để xây dựng một chiến lược tỉ mỉ ép những người đi theo mình phải thực hiện mà ngay cả chính họ cũng không biết tại sao.
Tác giả giải thích về cách những người đã đi lạc lối từng bước từng bước tham gia vào tu luyện tà giáo ra sao, cũng như việc các giáo phái Pháp luân công, Thống nhất giáo, Khoa học giáo... giăng bẫy thu hút lôi kéo những người đi theo mình như thế nào, đồng thời tác giả cũng đưa ra những hình thức làm thế nào để tà giáo dần thay đổi chuyển thành hướng thiện.
Tin Pháp luân công, không đi chữa bệnh, hệ lụy đáng tiếc
Theo tài liệu của Công an tỉnh Quảng Bình, tại địa phương từng có vụ một đối tượng ở xã Quảng Hòa (TX.Ba Đồn) tuyên truyền, giới thiệu cho một số người dân địa phương tham gia Pháp luân công. Các nhóm Pháp luân công đã có những biểu hiện gây mất an ninh trật tự, như: tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức nhiều người tập trung tại nơi công cộng để tập luyện theo nhóm; in sao, lưu hành, tán phát trái phép các loại tài liệu (sách, băng đĩa DVD, VCD, CD…) có nội dung liên quan Pháp luân công; giúp sức một số người ngoại tỉnh treo băng rôn tại TP.Đồng Hới có nội dung tuyên truyền, kích động...
Cũng theo Công an Quảng Bình, một số người đã tuyên truyền Pháp luân công dùng nguyên lý “chân - thiện - nhẫn” để đánh vào đức tin, lừa phỉnh, ràng buộc “học viên” tích cực tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia; đặc biệt cho rằng tập luyện Pháp luân công “khỏi bệnh thần kỳ, khỏe người”, chữa được bách bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo mà không cần phải dùng thuốc, tốt cho “tâm” lẫn “thân”.
Nhiều người cả tin đã bỏ bê công việc, gia đình. Một số người có bệnh tin và tham gia Pháp luân công, không đi chữa trị tại các cơ sở chữa trị bằng khoa học, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Tại Quảng Bình, đã có 6 trường hợp theo tu luyện Pháp luân công nhưng không lành bệnh mà dẫn đến những cái chết thương tâm như 2 trường hợp tại xã Quảng Sơn (TX.Ba Đồn) là anh T.Đ.T. (tập Pháp luân công từ năm 2011) và bà T.T.K (tập Pháp luân công từ năm 2010). Bà K. tử vong khi đang trong tư thế ngồi thiền tập Pháp luân công. 

Trương Quang Nam

Trần Đại Việt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.