Nhộn nhạo thị trường pháo dịp tết: Bộ Công an chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Nhộn nhạo thị trường pháo dịp tết trong các số ra ngày 2 và 3.1, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Cảnh sát QLHC về TT-XH (C06) Bộ Công an về giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán pháo trái phép.

Chặn pháo nổ từ mạng xã hội

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết trong triển khai Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng cục Quản lý thị trường xác định pháo nổ là mặt hàng trọng điểm, yêu cầu lực lượng quản lý các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vụ vận chuyển hơn 100 kg pháo

CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vụ vận chuyển hơn 100 kg pháo

Theo ông Linh, điểm khó khăn hiện nay là mặt hàng pháo nổ được các đối tượng xé nhỏ, quảng bá, rao bán thông qua các tài khoản mạng xã hội nên việc xác minh, xử lý rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý thị trường xác định xử lý vi phạm trên không gian mạng sẽ là mặt trận đấu tranh chính trong thời gian tới; các đơn vị phải cử cán bộ chủ động thâm nhập, theo dõi các nền tảng mạng xã hội để kịp thời phát hiện, xác minh thông tin rao bán pháo nổ và mặt hàng cấm khác.

Để ngăn chặn pháo nổ, pháo lậu từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo cục quản lý thị trường các tỉnh biên giới chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, trong đó có pháo nổ, pháo lậu từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, ở trong nước, lực lượng quản lý thị trường đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường thu thập thông tin, thẩm tra xác minh đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quảng bá, rao bán pháo nổ trái phép trên các nền tảng mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Theo kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), ký ban hành mới đây, pháo nổ là mặt hàng cấm. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn đang được vận chuyển, buôn bán với nhiều hình thức tinh vi.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới; tập trung kiểm soát chặt chẽ sàn giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) mua, bán trực tuyến... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, trong đó có mặt hàng pháo nổ, pháo lậu.

Báo động học sinh tự chế pháo nổ

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TT-XH (C06) Bộ Công an, năm 2023, cả nước đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, qua đó bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000 kg pháo các loại.

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo càng diễn biến phức tạp. Nhiều người hám lợi nắm bắt nhu cầu mua, sử dụng pháo hoa của người dân đã lợi dụng các hình thức để kinh doanh pháo trá hình cũng như chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng C06, cho biết hoạt động mua bán, vận chuyển pháo trái phép ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng vào dịp tết; lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép số lượng lớn. Ông khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, đặc biệt là pháo.

Công an Hà Nội liên tiếp bắt giữ các đối tượng mua bán, vận chuyển pháo trái phép

Công an Hà Nội liên tiếp bắt giữ các đối tượng mua bán, vận chuyển pháo trái phép

Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và cả đốt pháo đều vi phạm pháp luật, cần phải lên án và kịp thời đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người dân nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng, chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để xử lý kịp thời.

Thượng tá Bùi Đức Tài, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an, cho hay đối với pháo nổ, Bộ Công an đã có chuyên đề và chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với C06, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan chủ động nắm tình hình, rà soát từ cơ sở để phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn từ sớm.

Theo thượng tá Tài, ngoài công tác đấu tranh, việc tuyên truyền cũng rất cần thiết. Công an đã tuyên truyền đến từng người dân, cho từng hộ kinh doanh, gia đình cam kết không buôn bán, đốt pháo và các hành vi vi phạm khác liên quan đến pháo, vật liệu nổ.

Sử dụng pháo sao cho đúng ?

C06 thông tin những loại pháo bị nghiêm cấm gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ như pháo banh, pháo quả…, khi đốt gây ra tiếng nổ. Còn pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Các loại pháo này người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

C06 cho hay loại pháo được phép sử dụng là pháo hoa. Đây là sản phẩm chứa thuốc pháo hoa, khi đốt phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng để sử dụng.

Để đón một năm mới bình yên, an toàn, không tiếng pháo nổ, C06 đề nghị người dân nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý, giáo dục con em chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là mảnh đất quật cường, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều con người tài ba như Trương Định, Trương Đăng Quế, Trương Quang Giao…, và Thiếu tướng Võ Bẩm người tiên phong "khai sơn phá thạch" mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.