Nhớ mùa bướm bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bước vào tháng tư, cơn mưa đầu mùa chưa nặng hạt nhưng cũng đủ để giải nhiệt cho con người và tắm mát cho mùa cà phê đang khát khao từng giọt nước mát. Những hàng muồng đen trên khắp đồi nương cà phê sau mùa trổ hoa làm đẹp cho núi đồi nay đang phủ một màu xanh ấm áp, ấp ủ đủ độ ẩm cho những tổ kén sâu muồng bung vỡ hóa kiếp thành loài bướm xanh vàng tràn ngập cả không gian. 
Một buổi sáng thức dậy trong tia nắng vàng yếu ớt xiên qua kẽ lá, chúng ta thả bộ bên đồi chè, nương cà phê để thưởng thức chút không khí trong lành, ngắm nhìn làn sương mỏng như hơi thở của đại ngàn trong tiết giao mùa. Rồi bất chợt một đàn bướm vàng như những cánh hoa bung nở tràn ngập lối đi. Chúng như những nàng tiên nữ đang múa khúc nghê thường khiến cho bao người đê mê, có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên.
Bạn tôi, một người khách lạ với cao nguyên được chứng kiến lần đầu mùa bướm bay trong chuyến trải nghiệm đã phải ngạc nhiên với cảnh vật thần tiên làm mê say hồn người và ứng khẩu thành thơ: “Hồn thiêng cánh bướm chao nghiêng/Bâng khuâng lạc bước nơi miền lãng du/Non cao suối vắng sương mù/Nhẹ nâng cánh mỏng vàng thu rợp trời/Bướm ơi, ta khách không mời/Hòa cùng vũ khúc lả lơi chốn trần”.
Quả là tuyệt vời khi được những phút giây hội ngộ cùng đàn bướm muồng nơi Tây Nguyên xinh tươi vào những ngày đầu mùa mưa ẩm ướt. Tôi có thể bất chợt bị khỏa lấp bởi đàn bướm vàng khi bước xuống triền thung, cũng có khi bị nhấn chìm bởi sắc bướm trên cung đường đầy gió và có lúc bắt gặp chúng nghỉ ngơi bên giọt nước róc rách của làng trước cánh rừng bạt ngàn như một thảm hoa vàng rực rỡ với những cánh hoa sống động vẫy gọi một cách hồn nhiên. Một bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng!
Ảnh minh họa: K.N.B
Ảnh minh họa: K.N.B
Nhớ về kỷ niệm của một thời học sinh nơi phố núi “đi dăm phút đã về chốn cũ”, chúng tôi không ai có thể quên được có một mùa bướm bay trên con đường quen thuộc thời ấy với 2 hàng muồng khép tán như mái vòm gô-tich xanh tự nhiên. Những ngày tháng cuối năm học, cũng là thời điểm Tây Nguyên thực sự chuyển mùa và vòm cây cũng đã được đánh thức bởi hàng triệu cánh bướm chập chờn, khoe sắc. Những tốp nữ sinh áo dài, nón lá trong sắc trắng tinh khôi khoe dáng cùng làn sương mỏng ban mai, bập bùng cùng đàn bướm vàng bay lượn, lả lơi như nghịch như đùa…
Đàn bướm như quen hơi người, chúng không hề sợ hãi khi tiếp cận với những cô nữ sinh non tơ, ngơ ngác trước vẻ đẹp tự nhiên. Cứ thế chúng vờn quanh bên những tà áo trắng phất phơ với vũ điệu tuyệt trần; có những cô-chú bướm múa may đến khi mỏi cánh, muốn kết tình thân, đậu cả trên bờ vai, nón lá của nữ sinh, làm các cô thích thú, tươi cười đắc ý. Bạn bè tôi ngày ấy giờ đã xa cách cả đại dương nhưng vẫn không bao giờ nguôi nhớ đến cung đường hoa bướm một thời tươi đẹp nơi Phố núi thân yêu.
Dù ngày nay, cung đường thân ái ấy đã đổi dời nhưng đời bướm cũng như đời người vẫn nối tiếp những chuỗi ngày làm đẹp cho đời. Những cánh mỏng của đàn bướm vàng vẫn hòa cùng nhịp đập của đại ngàn xanh. Mùa hoa muồng vàng đến chu kỳ vẫn nở thắm thảo nguyên. Và loài bướm vẫn nhớ mùa để tung cánh khoe sắc cùng thế gian với vũ điệu làm say đắm hồn người.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.