Nhớ mắm cua đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày mưa gió sụt sùi, tiết trời se lạnh, bữa cơm với mắm lại ngon. Và trong các loại mắm, nồi mắm cua đồng mẹ nấu mới tuyệt làm sao!
Cái sự tuyệt bắt đầu từ khâu chuẩn bị của mẹ. Áo tơi, nón cời, chân trần, mẹ ra đồng bắt cua. Những con cua kềnh nâu bóng đón mưa rời hang tìm thức ăn nơi bờ cỏ, bám lên thân gốc rạ, lồm cồm ngụp lặn trên nền đất ruộng xâm xấp nước không khó để phát hiện. Sau vài giờ đội mưa gió, mẹ mang về giỏ cua đầy cùng âm thanh chân càng, thân mình cua va vào nhau, va vào thân giỏ tre lạo xạo.
Cái sự tuyệt cũng bắt đầu từ khâu chuẩn bị của cha. Mưa đầu mùa, cha mang dẹp, đó ra đồng sâu đơm cá từ lúc trời chưa sập bóng. Những con rô, diếc, chạch, cá lóc nhỏ ngược nước từ ruộng chảy ra sông, ra ao chui vào ngư cụ rồi mắc kẹt ở đấy. Qua đêm, sau mấy lần thăm trút, sớm mai ra đã thấy trong thau lóp ngóp các loại cá đồng lớn bé, con nào con nấy đôi mắt trong veo, vây đuôi thân mình thi nhau động cựa.
Tôi còn nhớ cách làm cua của mẹ, rất dày công và tỉ mẩn. Sau mấy lần rửa, mẹ cho cả rổ cua vào nồi nước đun sủi tăm, dùng đôi đũa bếp đảo đều một chặp, rồi rửa lại chúng đến khi trong nước mới thôi. Các công đoạn bóc yếm, tách mai, lấy gạch cua cho vào tô không thể vội, mẹ bảo mấy đứa con không bận việc học cùng làm. Nơi nền giếng sau nhà, trong gió mưa lã chã, mẹ con nhỏ to câu chuyện vô hồi.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Công đoạn giã cua, cha ra tay. Những mẻ cua đã ráo nước được cho vào chiếc cối đá bị nghiền nát bởi nhát chày gỗ lực vừa đủ mạnh, tuy không vung cao để nước thịt cua không văng ra ngoài. Rồi mẹ gạn bỏ xác cua. Lần đầu thì dùng rá, sau đó dùng rây, lóng lấy nước. Chất lượng nước thịt cua đồng giã cối khi nấu lên thơm mà không ngái, ít hắc mùi vỏ cua như cách dùng máy xay sinh tố để xoáy nghiền như bây giờ.
Nồi mắm cua đồng mẹ nấu là tổng hợp các mùi hương ướp đầy cả căn nhà, bay lan sang hàng xóm. Đấy có lẽ là lý do hễ nhà nào nấu mắm cua đều mang cho hàng xóm một tô để cùng thưởng thức. Nước cua đồng được ủ qua đêm vừa đủ dậy mùi nồng tanh, thơm ngậy ngay từ lúc vừa đun sôi quyện cùng mùi hành phi thơm ngát, mùi thịt heo ba chỉ đảo sém thơm nồng, béo ngậy hòa với mùi củ gừng tươi cắt lát, lá gừng tươi xanh mởn, ớt xanh băm nhỏ nồng cay. Còn có mùi măng vòi cắt khúc, chẻ mỏng luộc sôi thơm gắt, cùng mùi nấm rơm thu hái từ gốc cây rơm mục sau mưa thơm ẩm dịu dàng hòa vào nhau trong nồi mắm đun nhỏ lửa. Trên nền gian bếp, mẹ tranh thủ cắt nhỏ mớ đọt lá sưng, lá ngò tàu tỏa hương thơm dịu theo từng nhát dao. Chúng là nguyên liệu cho vào từng tô khi múc ra, còn để trang trí cho tô mắm cua thêm bắt mắt. Đến mùi cá đồng nướng xiên, nướng vỉ trên bếp than hoa thơm đậm cứ ngập ngừng như lan, như tỏa trong gian bếp lùng bùng mới làm khổ thêm đôi cánh mũi, khiến nước bọt không ngừng tứa ra, dạ dày như lép lại, réo sôi đòi được co bóp thức món mà các giác quan kia mách bảo.
Bữa ăn được bày ra, nồi cơm gạo lúa mới bốc hơi thơm lừng. Rổ rau ăn ghém thu hái từ sân vườn có cải non, xà lách, rau mùi các loại, thêm thân cây chuối hột non thái cực mỏng đưa hương thơm thoảng. Những con cá đồng nướng giòn cong chấm nước mắm nhỉ dằm ớt xanh cho vào chén cơm chan mắm cua đồng đặc sánh, lên màu cánh gián, váng gạch vàng hươm, cùng thịt heo ba chỉ, măng vòi trắng ngời, điểm màu xanh ngò tàu, màu nâu đỏ của đọt sưng dại, ăn ghém cùng rau sống có vị ngọt thơm đậm đà mới tuyệt làm sao!
Mấy mươi năm đi qua từ lúc xa quê, làm sao đếm hết bao nhiêu ngày mưa ngày gió để rồi da diết nhớ cái nồi mắm cua đồng mẹ nấu. Rồi tự khẳng định, nồi bún mắm cua đồng được nâng tầm đặc sản, khẳng định thương hiệu kia, tác giả chính là những người phụ nữ quê mùa nơi đồng đất quê mình, truyền đời có mẹ thừa hưởng. Để rồi da diết nhớ thèm cảnh sum vầy đầm ấm bên bữa cơm gia đình trong gian nhà cũ, giữa đầy trời lặng lẽ gió mưa biết đâu tìm lại. Thì kể ra, không chỉ cho riêng mình sống cùng kỷ niệm, còn có bạn, rửa trôi nỗi buồn, vun vén niềm vui!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.