(GLO)- Chỉ sau hơn 3 tuần ra mắt, game “Còi to cho vượt” trên ứng dụng điện thoại di động do nhóm Phong Dương Comics phát triển đã tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng mạng nước ta. Ngoài lý do thao tác khá đơn giản (chỉ phải điều khiển nhân vật rẽ phải, rẽ trái hoặc đi chậm), điều khiến người chơi đặc biệt thích thú với game này chính là phần đồ họa rất giống với những gì vẫn diễn ra trên đường phố Việt Nam hàng ngày.
Trong vai một người tham gia giao thông, người chơi sẽ phải liên tục đối mặt với những mối nguy hiểm trên đường, đó là những thanh niên điều khiển xe máy lạng lách đánh võng với tốc độ chóng mặt, là những rạp đám cưới, xe hàng rong dựng ngay dưới lòng đường, là những xe chở tôn cồng kềnh bất ngờ lao qua ngã tư…
Ảnh minh họa |
Sở dĩ người viết phải lan man một chút về trò chơi do nhóm Phong Dương Comics mới phát triển là bởi từ lâu, “Còi to cho vượt” đã trở thành câu thành ngữ cửa miệng, thành “phương châm áp dụng” khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người Việt. Dù Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 (vẫn còn hiệu lực) đã quy định khá rõ về việc sử dụng còi xe (cấm bấm còi liên tục; cấm bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ; cấm bấm còi hơi trong khu đô thị, khu đông dân cư; cấm lắp đặt, sử dụng còi không đúng thiết kế đối với từng loại xe cơ giới) nhưng trong thực tế, rất ít người chịu tuân thủ những quy định này. Bằng chứng là hiện nay, bất kể ngày hay đêm, trong hay ngoài đô thị, chỉ cần ra đường là ta sẽ nghe thấy tiếng còi xe đủ loại chát chúa vang lên.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người tham gia giao thông bấm còi xe, trong đó có một lý do khá chính đáng là để bảo vệ bản thân khỏi tai nạn. Bởi lẽ, hiện nay, có rất nhiều người khi tham gia giao thông không chấp hành nghiêm các quy định về việc đi đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng… khiến người khác rất dễ gặp tai nạn. Trong trường hợp này, những người cùng tham gia giao thông buộc phải bấm còi để cảnh báo, nhắc nhở. Thế nhưng, từ việc bấm còi xe để cảnh báo, nhắc nhở nhau, nhiều người đã dần chuyển sang lạm dụng khiến những người xung quanh phải khó chịu. Điều này thể hiện rõ nhất là những lúc dừng đèn đỏ hoặc khi tắc đường, người ta đua nhau bấm còi thúc giục người khác tiến lên, dù bản thân họ biết điều đó là không thể. Kinh hoàng nhất hiện nay là tình trạng những tài xế xe tải, xe khách vừa chạy vừa bóp còi hơi như “thét vào tai”, nạt nộ người đi đường tránh chỗ cho họ. Để dẫn tới tình trạng này, ngoài ý thức của người điều khiển phương tiện còn là bởi sự buông lỏng của lực lượng chức năng trong việc xử lý hành vi bấm còi không đúng quy định.
Tại hội thảo về ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe và biện pháp dự phòng do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức vào ngày 20-7 vừa qua ở Hà Nội, bà Phạm Thị Hải Hà-Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ-Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có hơn 5% dân số thế giới (khoảng 360 triệu người) bị mất thính lực, trong đó có 32 triệu trẻ em. Trong số các nguyên nhân gây mất thính lực có việc tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn. Đáng chú ý là hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các đô thị ở nước ta, một phần là do tình trạng bấm còi xe vô tội vạ.
Theo Phó Giáo sư Doãn Ngọc Hải-Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến cơ quan thính giác như: ù tai, giảm sức nghe. Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em… Ngoài các hậu quả như Phó Giáo sư Doãn Ngọc Hải nêu trên, việc bấm còi vô tội vạ, đặc biệt là còi hơi xe ô tô, còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn chết người khi người điều khiển xe máy bị tiếng còi làm giật mình té ngã, điển hình như 2 vụ tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Chư Pah và Đak Đoa vào tháng 8 và tháng 9-2016 khiến 2 người tử vong.
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai cuộc vận động “Huế-không tiếng còi xe”. Đây là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ với một trung tâm du lịch như TP. Huế mà cần nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. Bởi lẽ, việc xây dựng ý thức sử dụng còi xe hợp lý cho người tham gia giao thông rõ ràng đang trở thành vấn đề bức thiết, không chỉ để giảm ô nhiễm tiếng ồn mà còn đảm bảo sức khỏe người dân, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, nâng cao văn hóa ứng xử trong giao thông. Nhưng thiết nghĩ, chỉ vận động thôi là chưa đủ mà các lực lượng chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý những người bấm còi, lắp đặt, sử dụng còi sai quy định.
Lê Hà