Nhìn nhận thực trạng sốt đất hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong một thời gian ngắn, giá đất tăng bất thường tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, những ngày đầu năm 2021, giá đất tăng, thậm chí có lúc, có nơi tăng phi mã. Sự gia tăng này xuất phát từ việc khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15-20%. Thêm nữa, nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu, đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.

Cảnh giác trước hiện tượng sốt đất ảo. (Ảnh: PV)
Cảnh giác trước hiện tượng sốt đất ảo. (Ảnh: PV)
Cộng vào đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và "găm giữ" bằng đất.
Còn chưa kể đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng "đầu cơ", đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Đã xuất hiện hiện tượng ở nhiều địa phương, người ta tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…. xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc và chắc chắn đây không phải lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp đang hoạt động tại các Sàn giao dịch bất động sản uy tín.
Cũng theo Tổng thư ký Nguyễn Văn Đính, việc tăng giá đất nóng, xuất hiện tình trạng "sốt đất" đã tạo ra tình trạng hút nguồn lực của các nhà đầu tư. Dễ dàng nhận thấy, nhà nhà, người người lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia. Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.
Hiện tượng này đã cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng… Như vậy, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có sốt đất là khó có thể xảy ra.
Không những thế, nó còn có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộlà điều không nên.
Đặc biệt, phần nào gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam và triển khai các chính sách về phát triển nhà ở của Nhà nước.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị, bản thân cấp ủy, chính quyền các địa phương hơn bao giờ hết cần vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất cũng như quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch ….trên địa bàn.
Đặc biệt, để ngăn ngừa tình trạng tung tin thất thiệt gây hỗn loạn thị trường, cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cũng như kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Trong xu hướng số hóa ngày càng phổ biến và cần thiết như hiện nay, thiết nghĩ, Nhà nước ta cũng nên cân nhắc điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch mà ở đó sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin đồng thời, quản lý Sàn giao dịch và môi giới bất động sản được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Theo Lê Anh (dangcongsan.vn/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.