(GLO)- Hạn hán; bão lũ; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá bán một số sản phẩm nông nghiệp luôn ở mức thấp... tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp là điều đã được thực tế kiểm chứng. Đối diện với khó khăn chung trên, nông nghiệp Gia Lai vẫn tìm được hướng đi phù hợp để duy trì được tốc độ tăng trưởng đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Để khi năm 2013 khép lại, ngành nông nghiệp ghi dấu ấn bằng chỉ số tổng giá trị sản xuất năm 2013 đạt 8.849,15 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch đề ra và tăng 8,2% so với năm 2012.
Có nhiều yếu tố tạo nên kết quả tăng trưởng trên, song cơ bản vẫn là giá trị sản xuất các lĩnh vực giữ vị trí chủ lực của ngành nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều có chỉ số tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Nổi bật là trồng trọt-lĩnh vực chiếm hơn 90% tỷ trọng toàn ngành Nông nghiệp trong năm 2013 đạt giá trị sản xuất 8.228,38 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2012. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2013 đạt gần 194.887 ha, bằng 100,9% so với kế hoạch đề ra bù đắp một phần diện tích bị thiệt hại do hạn.
Ảnh: K.N.B |
Nhờ vậy, hầu hết diện tích gieo trồng năm 2013 của các nhóm cây trồng cơ bản đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực triển khai chương trình nhân giống lúa trên diện tích 66,3 ha; nhân giống cà phê vối thực sinh đa dòng; hoa chất lượng cao; chuyển giao giống lúa, bắp lai thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn-trung ngày phù hợp với điều kiện canh tác từng vùng, tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác; đầu tư xây dựng 8 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho cây trồng nên năng suất các loại cây trồng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Điển hình năng suất hồ tiêu đạt 43,2 tạ/ha, bằng 104,71% kế hoạch, tăng 7,09%; cà phê đạt năng suất 24,7 tạ/ha, vượt 3,35%... so với năm 2012. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 542.926 tấn, tăng 1.929 tấn so với năm 2012 đã góp phần đảm bảo nguồn an ninh lương thực tại chỗ.
Dù chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu ngành nông nghiệp, kết quả đạt được của lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp năm qua cũng góp phần không nhỏ vào kết quả lạc quan ngành nông nghiệp. Thực tế, tốc độ tăng trưởng tổng đàn trâu 2,7%, đàn bò 1,01% là chậm; còn tổng đàn heo đạt 433.222 con, tăng 5,67% so với cùng kỳ năm trước. Dù tốc độ tăng trưởng tổng đàn gia súc không đồng bộ, song tác động giá trâu, heo, bò hơi tăng cao đã kích thích người chăn nuôi đầu tư chiều sâu tăng thể trọng, đẩy mạnh lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo nên tổng sản lượng thịt trâu, bò hơi đạt 14.818 tấn, tăng 1.242 tấn; tổng sản lượng thịt heo hơi đạt 31.165 tấn, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2012.
Ảnh: Thanh Nhật |
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 13.380 ha, tăng 360 ha. Tổng sản lượng cá xuất bán ra thị trường trong năm qua là 3.898 tấn, cá trắm cỏ, mè, trôi, chép, bống tượng, cá lăng, rô phi đơn tính… tăng 14,36% so với năm 2012. Kết quả khả quan trên đã lý giải đầy đủ chỉ số giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi năm qua đạt 445,12 tỷ đồng, tăng 10%; lĩnh vực thủy sản đạt giá trị trên 32 tỷ đồng, tăng 27,6% so với năm 2012. Trong năm, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm 335 vụ-con số trên đã đưa Gia Lai trở thành địa phương có số vụ vi phạm Luật quản lý bảo vệ rừng giảm mạnh nhất khu vực Tây Nguyên. Chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên đạt kế hoạch đề ra… góp phần nâng giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp đạt gần 117 tỷ đồng, đạt 103,9% so với năm 2012.
Cục diện thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; khủng hoảng kinh tế còn tác động đến lộ trình phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới… chính là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2014. Điển hình là chỉ tiêu giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 9.425 tỷ đồng, tăng 6,51% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực đạt mức 586.960 tấn. Để đạt được chỉ tiêu quan trọng trên trong điều kiện dự báo phát triển nông nghiệp sẽ gặp khó cần phải chủ động xây dựng giải pháp phù hợp từng lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp.
Theo đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân sử dụng phổ cập giống mới. Củng cố mạng lưới khuyến nông viên cơ sở, xây dựng nhiều mô hình khuyến nông để chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến cho nông dân. Tăng khả năng dự báo, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh hại trên cây trồng, gia súc, gia cầm. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ vùng nông thôn, tạo việc làm cho nông dân…
Quang Văn