(GLO)- Công ty cổ phần Điện Gia Lai hiện có 13 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã đi vào vận hành. Tuy nhiên, hiện tại mực nước hồ của nhiều nhà máy đạt thấp, không có nước để các nhà máy phát đủ công suất. Hiện đã có 4 nhà máy là Ia Drăng 1, Ia Lốp, Ia Puch 3, Ia Meur 3 đã phải dừng máy do các hồ đã ở mực nước chết.
9 nhà máy đang hoạt động phát điện thì hầu hết chỉ vận hành được 2-3 giờ mỗi ngày với công suất thấp hơn rất nhiều so với công suất định mức như: Ia Drăng 3, Đak Pi Hao 2, H’Chan, H’Mun, Ayun Thượng 1A… Chỉ có Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ, Kênh Bắc phát được 50-54% công suất trong vòng 24 giờ/ngày.
Lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện thấp, có nơi đã cạn kiệt, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhà máy, phần lớn ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường, có nơi thấp hơn đến 5 mét. Các nhà máy phải hoạt động ở mức độ cầm chừng nên sản lượng điện sản xuất chỉ khoảng 30-64% so với sản lượng điện cùng kỳ năm trước. Mặc dù các nhà máy thủy điện của Công ty có công suất nhỏ nhưng tình hình kể trên cũng ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất trên địa bàn và công tác điều tiết nước tưới sản xuất.
Trước mắt, Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý như ngoài các nhà máy thủy điện tích nước phát công suất ở thời điểm hiện tại, các nhà máy ngừng phát điện sẽ được tiến hành kiểm tra, sửa chữa, bảo quản phần xây dựng, phần cơ khí và phần điện, thí nghiệm định kỳ các thiết bị nhà máy, đường dây và trạm biến áp. Bên cạnh đó, tập trung nạo vét kênh mương, phát quang hành lang tuyến…
Theo dự báo, hạn hán còn tiếp tục gay gắt và kéo dài. Nguồn nước từ các hệ thống sông, suối sẽ còn sụt giảm nghiêm trọng hơn. Nếu trời tiếp tục không mưa hoặc mưa ít thì nguồn nước sẽ thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các nhà máy thủy điện, khả năng vận hành công suất do vậy sẽ còn giảm nữa.
Vũ Thảo