(GLO)- Phần lớn các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh trong những ngày giáp Tết và đến thời điểm này hầu hết đã ổn định trở lại, nguồn cung dồi dào, song sức tiêu thụ không lớn ngoại trừ mặt hàng hải sản và rau xanh…
Hải sản đắt hàng
Sau Tết, các mặt hàng hải sản đang được tiêu thụ rất mạnh, nhưng giá bán đã cơ bản giảm trở lại như ngày thường, chỉ số ít loại có mức tăng đáng kể. Một chị bán hàng hải sản trên đường Lê Lai (TP. Pleiku) cho biết: Sau Tết, nguồn cung không lớn, sức mua tăng nên giá có nhích hơn chút đỉnh. Hàng nhập về ngày nào bán hết ngày đó. 2 ngày nay, giá trở lại như ngày thường, chủng loại cá, mực cũng đa dạng hơn. Thường mọi năm phải qua Rằm tháng Giêng giá mới ổn định được, nhưng năm nay mới mùng 10 hàng đã dồi dào, giá giảm.
Giá rau xanh bắt đầu ổn định. |
Tương tự, theo chị Lâm-một người bán hải sản ở chợ Phù Đổng, chị nhập hàng từ những mối quen, nên người ta cũng chuẩn bị lượng hàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mình, với lại nắm được nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết giảm ăn thịt, đổi khẩu vị chuyển qua ăn những món từ hải sản nên mình đã chủ động, không lo thiếu hàng. “Nhờ hải sản tươi ngon, đa dạng chủng loại nên bán rất chạy, bình quân mỗi ngày tiêu thụ được hơn 200 kg các loại”-chị Lâm nói.
Tâm lý tranh thủ bán hàng “chặt chém” ngày Tết không còn, vì theo nhiều người bán, không phải thời trước hàng hóa sau Tết cứ liên tục neo giá cao, giờ bán hàng có nhiều cạnh tranh, rồi người dân cũng không còn kiểu mua hàng cất trữ dài ngày nên sức mua tăng trở lại từ mùng 4 Tết.
Khảo sát giá ở nhiều chợ trên địa bàn TP. Pleiku cho thấy, giá cả cũng không chênh lệch nhau mấy, chỉ từ 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng/kg tùy loại. Ví dụ: tôm 150-250 ngàn đồng/kg, cua 200-300 ngàn đồng/kg, mực 130-250 ngàn đồng/kg, cá thu 200-250 ngàn đồng/kg, cá ngừ 150 ngàn đồng/kg, cá hố 150 ngàn đồng/kg, cá bớp 200-250 ngàn đồng/kg, cá chẽm 130-170 ngàn đồng/kg, cá nục 60-70 ngàn đồng/kg, sò 30-50 ngàn đồng/kg… Chỉ riêng mặt hàng tôm đất có giá cao ngất, tăng gấp rưỡi so trước đó, từ 180 ngàn đồng/kg lên 270 đến 300 ngàn đồng/kg tùy cỡ lớn nhỏ.
Nguồn cung rau đã dồi dào
Mặt hàng rau có sức tiêu thụ mạnh nhất trong những ngày này, không khí bán mua nhộn nhịp bắt đầu từ ngày mùng 2 trở đi. Dù nguồn cung dồi dào nhưng rau xanh các loại vẫn nhỉnh giá hơn mấy ngày giáp Tết. Chị bán rau ở chợ Trà Bá cho biết: Nguồn cung ổn song vẫn ít so ngày thường, chủ yếu là từ các nhà vườn nhỏ lẻ, còn lại các nhà vườn lớn thì xuất bán ra các tỉnh phía Bắc, do ảnh hưởng thời tiết từ đợt rét hồi trước Tết nên khu vực này bị khan hiếm hàng. Mặc dù vậy, chỉ một số mặt hàng có giá tăng nhẹ, còn hầu hết giá đã trở lại như ngày thường.
Theo các hộ trồng rau ở tổ 8, phường Hoa Lư, bà con tập trung làm các loại rau phục vụ bán Tết nên thời điểm này chưa kịp thu hoạch nên hàng ít hơn, tuy nhiên cũng không đến nổi khan hiếm. Tuy nhiên, theo các bà nội trợ, rau xanh đầu năm thường đắt đỏ. Một bó rau nếu bằng giá ngày thường thì lượng rau bị bớt đi, còn không thì phải chịu giá cao. Có những loại cách đây chừng 5 ngày mà giá đã giảm gần một nửa. Cụ thể như rau muống giá từ 8 ngàn đồng giảm còn 5 ngàn đồng/bó, rau cải cúc 7 ngàn đồng giảm còn 4 ngàn đồng/bó, xà lách 35 ngàn đồng giảm còn 25 ngàn đồng/kg, cà chua 25 ngàn đồng giảm còn 18 ngàn đồng/kg, súp lơ từ 50 ngàn đồng giảm còn 45 ngàn đồng/kg…
Với thời tiết thuận lợi, dự báo chừng 1 tuần nữa là hàng sẽ dồi dào, giá cũng sẽ giảm. Hầu hết, từ người sản xuất đến người bán và người mua đều nhận định thị trường đang diễn biến theo hướng có lợi, cung-cầu đã sớm cân đối trở lại.
Thảo Nguyên