Nhiều giải pháp cấp bách khắc phục ùn tắc giao thông ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên các trục giao thông chính cũng như những nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, UBND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu triển khai một số giải pháp cấp bách để điều tiết giao thông hợp lý, khắc phục ùn tắc, góp phần hạn chế tai nạn giao thông (TNGT).

Theo thống kê sơ bộ, TP. Pleiku hiện có trên 20.600 ô tô, gần 226.000 mô tô có đăng ký (chưa kể khách vãng lai), chiếm khoảng 26% phương tiện giao thông toàn tỉnh. Tình trạng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh đã gây quá tải hạ tầng, đặc biệt là gia tăng tình trạng ùn tắc cục bộ trên các trục giao thông chính và một số nút giao như: ngã ba Phạm Văn Đồng-Phan Đình Phùng, ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu và ngã ba Lê Duẩn-Lý Nam Đế. Cùng với đó, tình trạng đậu, đỗ xe không đúng quy định, mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn giao thông đường bộ còn xảy ra nhiều; một số tuyến đường nhánh đấu nối vào đường chính thiếu an toàn, có độ dốc lớn và tầm nhìn bị che khuất... tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Vào giờ cao điểm, nút giao thông Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Minh Phương

Vào giờ cao điểm, nút giao thông Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Minh Phương

Sinh sống gần ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu, ông Huỳnh Minh Tuấn (tổ 1, phường Phù Đổng) cho hay: Đầu buổi sáng, cuối giờ trưa hay chiều muộn đều xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ tại nút giao thông này. Một phần nguyên nhân là do các tuyến đường ở đây hầu hết đều nhỏ hẹp, trong khi lượng xe lưu thông từ các hướng vào nội thành rất lớn. Tình trạng ùn ứ cục bộ càng nghiêm trọng hơn khi các tuyến đường được mở thông, lượng xe ô tô từ các đường bờ kè suối Hội Phú, Nguyễn Tất Thành đi tắt qua hướng Bà Triệu vào nội thành ngày một lớn. “Cao điểm nhất là giờ tan trường, một số người đưa đón con tan học không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, tranh thủ rẽ ngang, rẽ dọc, thậm chí leo lên cả vỉa hè để đi dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài. Mong các ngành chức năng sớm khắc phục tình trạng này nhằm ngăn ngừa TNGT có thể xảy ra”-ông Tuấn kiến nghị.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Thời gian qua, Phòng Quản lý đô thị, Công an TP. Pleiku đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố trong công tác tổ chức giao thông; phương án phân làn, phân luồng, bố trí đèn và hệ thống báo hiệu đường bộ tại các nút giao thông trọng điểm. Trong năm 2022, thành phố đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền khắc phục 6 “điểm đen” tại các đoạn đường có tiềm ẩn nguy cơ TNGT; rà soát, bổ sung các biển báo, vạch kẻ đường, gỡ bỏ dải phân cách ở 26 tuyến đường trên địa bàn; phát huy tốt hiệu quả mô hình trường học an toàn…

Bên cạnh đó, năm 2022 và tháng đầu năm 2023, UBND TP. Pleiku cũng đã chỉ đạo nghiên cứu đề ra một số giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, tại ngã ba Hoa Lư và khu vực lân cận đường Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tất Thành, Lê Lợi và Phan Đình Giót, thành phố sẽ mở lối phụ trước nhà làm việc của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để dòng xe từ đường Phạm Văn Đồng rẽ qua đường Phan Đình Phùng được thông thoáng. Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin: “Hiện thành phố đã xây dựng xong phương án, lấy ý kiến của Ban An toàn giao thông tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan và sẽ sớm triển khai”.

Cùng với đó là việc thiết kế mở đèn xanh sớm cho các tuyến xe đường Phạm Văn Đồng-Nguyễn Tất Thành để tránh xung đột và giảm ùn tắc kéo dài nút giao thông Hoa Lư; hướng ngã ba Hoa Lư đi Kon Tum thì điều chỉnh dừng đèn đỏ cách trụ đèn 1,5 m để các xe rẽ trái qua đường Phan Đình Phùng nhanh hơn; đồng thời kẻ vạch lại các tuyến giao thông xung quanh nút giao thông này. Tiếp đến là thí điểm lắp đặt biển báo cấm xe tải hướng Yên Thế vào nội thành ở các khung giờ phù hợp; cấm đậu, đỗ xe từ đường Lê Thị Hồng Gấm để xe lưu thông thuận lợi.

Nút giao thông ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku) sẽ sớm điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận lợi. Ảnh: Minh Phương

Nút giao thông ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku) sẽ sớm điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận lợi. Ảnh: Minh Phương

Chủ tịch UBND TP. Pleiku nêu thêm giải pháp tình thế khác như: Nghiên cứu cho phép lưu thông 2 chiều ở đoạn đường nối Nguyễn Tất Thành-Lê Lợi để giảm áp lực xe về phía nút giao thông Hoa Lư. Còn tại nút giao thông Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu, thành phố cũng đã khảo sát chu kỳ đèn tín hiệu, phân luồng phương tiện và về lâu dài sẽ tính toán lại để phương án thiết kế nút giao thông phù hợp gắn với việc giải phóng mặt bằng ở khu vực này. Đối với ngã ba Lê Duẩn-Lý Nam Đế sẽ điều chỉnh đèn có số giây chờ phù hợp để xe di chuyển nhanh hơn, giảm ùn ứ.

Mặt khác, UBND TP. Pleiku sẽ tổ chức phân luồng cho phương tiện lưu thông trên tuyến đường vành đai như: lắp đặt biển hạn chế tốc độ toàn tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền và Tôn Đức Thắng; hướng dẫn phân luồng đối với xe tải (tải trọng 10 tấn trở lên) và xe khách (tuyến cố định Bắc-Nam) không có điểm giao dịch hàng hóa, đón trả khách ở nội thành TP. Pleiku và thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) đi theo đường Hồ Chí Minh-đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku và không đi qua nội thành.

“Về lâu dài, sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, TP. Pleiku sẽ nghiên cứu đề xuất đề án phát triển mạng lưới giao thông và phòng-chống ùn tắc giao thông đường bộ nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo kết nối đường bộ TP. Pleiku với đường bộ quốc gia, tỉnh; kết nối với khu vực phụ cận phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng không gian đô thị; đồng thời góp phần điều tiết giao thông hợp lý, hạn chế TNGT và ùn tắc”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.