(GLO)- Từ đầu năm đến nay, đã có 11 doanh nghiệp và 13 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp thông báo giải thể; 5 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do làm ăn thua lỗ hoặc phá sản. Tuy nhiên, “đó là con số chưa đầy đủ khi thực tế, còn nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng”- ông Phạm Tấn Nghĩa-Phó Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Dường như hậu quả của khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn đang hiện hữu khi số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải ngừng hoạt động chưa có dấu hiệu dừng lại. Những con số ở trên hoàn toàn chưa phản ánh hết thực trạng khó khăn mà doanh nghiệp phải đương đầu. Còn nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực thua lỗ, phá sản, hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động…
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc thắt chặt tín dụng, lãi suất cao và những bế tắc từ thị trường xây dựng, bất động sản… Qua khảo sát thực tế, với hàng loạt dự án xây dựng bị treo, bị cắt giảm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, không ngạc nhiên khi đa số doanh nghiệp tuyên bố giải thể thì số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng gồm kinh doanh vật liệu xây dựng, doanh nghiệp thi công công trình… chiếm số lượng lớn hơn.
Có ý kiến cho rằng đây chính là sự thanh lọc để loại dần những đơn vị năng lực yếu kém. Nhưng “Vấn đề vốn vẫn là một bài toán khó khi thị trường ngày càng ảm đạm, trong khi ngân hàng thì vẫn thắt chặt tín dụng, lãi suất cao khiến doanh nghiệp chúng tôi tắc vốn sản xuất, lực bất tòng tâm. Doanh nghiệp cầm cự được tới giờ là đã cố gắng lắm rồi số còn lại phải hoạt động cầm chừng, hoặc tính chuyển hướng kinh doanh”- ông Hà Văn Minh-Chủ doanh nghiệp Xây dựng Tiến Phát than vãn. Hiện có tới 80-90% doanh nghiệp đi vay ngân hàng nhưng lãi suất có lúc đội lên đến 25% khiến không ít doanh nghiệp lao đao bởi làm chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận, họ đang vô cùng đau đầu khi bủa vây xung quanh là nợ: Nợ lương công nhân, nợ tiền điện, nước, bảo hiểm, nhất là nợ ngân hàng.
Ảnh: Minh Thi |
Khá nhiều lần doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai phối hợp với các ngành chức năng tìm giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực: Xây dựng, xuất khẩu, vận tải; đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương có cơ chế để doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh có quá nhiều thách thức, lãnh đạo tỉnh cũng đã khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất, ưu tiên tín dụng cho vay ở các lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, an sinh xã hội...
Có thể khẳng định, nỗ lực để giải cứu doanh nghiệp thời điểm hiện tại chính là tiếp thêm sức cho nền kinh tế đang có nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải biết phát huy tính năng động, sáng tạo để vượt qua khó khăn đảm bảo duy trì sản xuất.
Hà Duy
Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết: Trong 2 tháng đầu năm, có hơn 3.259 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Cụ thể, có 1.664 doanh nghiệp giải thể và 1.595 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Đây là lần đầu tiên Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh công bố rộng rãi số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trên phạm vi cả nước cũng như kế hoạch thực hiện công bố thông tin hàng tháng về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Theo Cục này, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động được các địa phương cập nhật trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. |