(GLO)- Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của UBND huyện Chư Pah (chủ đầu tư), công trình đường liên xã Hòa Phú-Ia Nhin có tổng chiều dài hơn 6,6 km, tổng giá trị đầu tư hơn 19 tỷ đồng, thời gian thi công 330 ngày. Đơn vị thi công là Công ty TNHH một thành viên Đông Sơn (96 Âu Cơ, TP. Pleiku, Gia Lai), đang trong giai đoạn về đích.
Theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng tuyến đường phù hợp với đề án phát triển mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Chư Pah giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020. Tuyến đường nối liền 2 xã Hòa Phú và Ia Nhin rút ngắn cự ly khoảng 11 km, nối liền các khu sản xuất, đáp ứng nhu cầu lưu thông của nhân dân hai xã. Bên cạnh đó, tuyến đường còn đóng vai trò là đường tránh thị trấn Phú Hòa làm giảm lưu lượng giao thông trong thị trấn.
Rừng thông bị san ủi để thi công đường liên xã. Ảnh: H.D |
Tuy nhiên, với lý do sợ chậm tiến độ thi công, nên dù chưa có văn bản cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thi công đường nhưng chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn cho san ủi 3,04 ha đất rừng, trong đó có 2,48 ha rừng thông phòng hộ. Trữ lượng cây thông bị thiệt hại gồm 67,9 m3 cây đứng có vỏ, cây không vỏ 56,3 m3, sản lượng gỗ 45 m3, củi 10 ster.
Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Chúng tôi không hề nhận được văn bản nào của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly (chủ rừng) báo cáo về việc này. Đến khi nhận được thông tin, đến tận nơi kiểm tra thì rừng đã bị phá. Chúng tôi đang chỉ đạo chủ rừng báo cáo cụ thể, kiểm điểm trách nhiệm để có cơ sở xử lý”. Ông Kpă Thuyên cho biết thêm: Công văn 367/UBND-NL ngày 12-2-2014 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ ký nêu rõ: Khi đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra hiện trạng rừng chuyển mục đích sang xây dựng công trình đã phát hiện đơn vị thi công san ủi 0,4 ha đất rừng nhưng không lập biên bản yêu cầu dừng lại.
Khi phát hiện sự việc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương kiểm tra sự việc. Qua đó đã xác định sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tự ý thi công san ủi, chặt cây thông trong khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh về thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã xác định: UBND huyện Chư Pah đã không kiên quyết ngăn chặn kịp thời để đơn vị thi công tự ý san ủi đất rừng khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly thiếu kiểm tra thường xuyên dẫn tới việc không phát hiện nhà thầu tiếp tục san ủi đất rừng. Tháng 10-2013, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra hiện trường đã phát hiện đơn vị thi công tự ý san ủi đất rừng song không yêu cầu đơn vị thi công dừng thi công phần đất rừng và không kịp thời báo cáo, đề xuất cho các cấp có thẩm quyền xử lý.
Trong văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 3-3-2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc xử lý trách nhiệm sai phạm của các đơn vị liên quan. Theo đó, Sở đề nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND huyện Chư Pah, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly vì thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra hiện trường, không ngăn chặn kịp thời nhà thầu thi công phần đất rừng khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh; kiểm điểm trách nhiệm đối với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly trong việc phát hiện nhà thầu tự ý chặt cây, thi công đất rừng nhưng không yêu cầu nhà thầu dừng thi công và không báo cáo đề xuất cấp trên xử lý kịp thời. Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường khối lượng cây thông thiệt hại (trị giá gần 23 triệu đồng).
Trong các cuộc họp về công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cho rằng việc bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà là của cả hệ thống chính trị. Do vậy, việc trên 2,48 ha rừng thông bị phá, có thể thấy có phần trách nhiệm của UBND huyện Chư Pah và Ban Quản lý thực hiện các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Chư Pah-đơn vị được ủy quyền kiểm tra, giám sát tiến độ công trình này.
Hà Duy